Emagazine

[Emagazine] - Nghị quyết 35 góp phần đổi thay diện mạo nông thôn

MỸ LINH - PHAN VINH 22/12/2023 14:14

(QNO) - Từ những cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, nông dân các địa phương trong tỉnh có thêm động lực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nên những khu vườn mang lại giá trị kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

bqn.1cdn.vn-2023-12-22-_images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-12-22-153457-_tit-chinh_lot-trong-.png

Từ những cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, nông dân các địa phương trong tỉnh có thêm động lực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nên những khu vườn mang lại giá trị kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Những ngày cuối năm, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Chỉnh và Hồ Thị Kim Liên (thôn Đại Tráng, xã Tiên Hà, Tiên Phước) dành hầu hết thời gian chăm sóc vườn bưởi, măng cụt để kịp bán trong dịp Tết. Những quả bưởi da xanh căng mọng, những quả măng cụt lấp ló trong tán lá sum suê là thành quả sau hơn 5 năm gầy dựng vườn của vợ chồng anh Chỉnh.

Anh Nguyễn Xuân Chỉnh chăm sóc những cây măng cụt trong vườn. Ảnh: L.V
Anh Nguyễn Xuân Chỉnh chăm sóc những cây măng cụt trong vườn. Ảnh: L.V

Anh kể, trước đây, trên hơn 4 sào đất vườn, anh trồng quế nhưng không hiệu quả, sau này, khi địa phương khuyến khích thay đổi cơ cấu cây trồng, anh chị quyết tâm cải tạo khu vườn. Măng cụt, hồ tiêu, bưởi da xanh, cam giấy, chuối… dần thay thế cho vườn quế trước đây. Dành hết tâm huyết cho khu vườn, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai nhưng đến nay, anh chị đã có được niềm vui vì vườn cây bước vào giai đoạn thu hoạch.

[VIDEO] - Từ nguồn hỗ trợ Nghị quyết 35, vợ chồng anh Chỉnh đầu tư phát triển vườn cây ăn quả:

Năm 2022, anh Chỉnh đăng ký tham gia Nghị quyết 35 (NQ35) của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT). Sau khi được địa phương thẩm định, vườn của anh được hỗ trợ hơn 41 triệu đồng để chỉnh trang tường rào cổng ngõ, khoan giếng và hệ thống nước tưới.

Anh cho biết, trước đây, vườn cây thường xuyên thiếu nước, nhất là vào mùa nắng, cây cối cằn cỗi. Từ khi được hỗ trợ giếng khoan, hệ thống tưới tiết kiệm thì anh chị đỡ công chăm sóc, cây cối đủ nước và phát triển tốt.

Vợ chồng anh Chỉnh chăm sóc vườn bưởi trái vụ của gia đình. Ảnh: L.V
Vợ chồng anh Chỉnh chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: L.V

Bên cạnh hệ thống nước tưới, tường rào cổng ngõ cũng được làm lại để có được diện mạo khang trang như bây giờ.

“Dù mức hỗ trợ tường rào cổng ngõ chỉ 10 triệu đồng, nhưng nếu không có nguồn hỗ trợ này, chúng tôi không dám làm, vì còn phải lo cho con ăn học. Nhờ vào nguồn này cùng với mượn thêm, tôi bỏ công sức tự xây cổng ngõ, đắp bờ đá, lát lại lối đi vào” - chị Liên chia sẻ.

Cây cối xanh tốt, tường rào cổng ngõ khang trang, sạch đẹp giúp vợ chồng anh Chỉnh thêm quyết tâm gắn bó và đầu tư phát triển vườn.

..........

Tại huyện Nông Sơn, diện mạo nông thôn cũng thay đổi rất nhiều nhờ những vườn cây ăn trái được đầu tư bài bản. Bên cạnh những khu vườn đã có từ trước thì nhiều vườn mới cũng dần thành hình.

Khu vườn hơn 4.000m2 của bà Trương Thị Hương (tổ 4, thôn Bình Yên, xã Phước Ninh) đang dần được lấp kín bởi các loại bưởi da xanh, cam, quýt. Trước đây bà trồng keo, 3 năm mới thu hoạch, nhưng cây keo làm đất cằn cỗi, xói mòn, hết dưỡng chất, thu nhập cũng không bao nhiêu nên được định hướng của chính quyền địa phương, bà mạnh dạn thay thế cây keo bằng những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Vườn cây trái của bà Nguyễn Thị Hương đang phát triển tốt. Ảnh: L.V
Vườn cây trái của bà Nguyễn Thị Hương đang phát triển tốt. Ảnh: L.V

“Nhờ Nghị quyết 35 mà tôi được hỗ trợ gần 30 triệu đồng để làm hàng rào, cổng ngõ và hệ thống tưới có bể nước. Tôi còn được tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn quả nên có thể kiến thức để chăm vườn cây. Nhìn cây ngày càng lớn, tôi rất vui và chờ ngày cho quả" - bà Hương chia sẻ.

Để có thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài, bà trồng xen các loại rau ngắn ngày. Với bà Hương, hướng đi mới này có hiệu quả hơn nhiều so với trồng keo trước đây.

Xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước) là xã có diện tích đất đai rộng, màu mỡ, phù hợp với phát triển KTV, KTTT.

Bà Lê Thị Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết, Tiên Hà có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, người dân chịu khó làm ăn nên khi có chủ trương phát triển KTV, KTTT, bà con rất hưởng ứng và đăng ký tham gia nhiều.

Vườn trái cây của bà Đoàn Thị Muội (xã Tiên Hà) sum suê quả. Ảnh: L.V
Vườn trái cây của bà Đoàn Thị Muội (xã Tiên Hà) sum suê quả. Ảnh: L.V

Bà Sáu cho biết, trước đây, KTV tại Tiên Hà đã có nhưng chưa được người dân quan tâm, đầu tư nhiều như bây giờ. Từ khi có những cơ chế hỗ trợ từ nhà nước, có sự định hướng và hỗ trợ kỹ thuật, người dân xác định hướng đi rõ ràng hơn đối với phát triển kinh tế gia đình.

Nếu trước đây, cây cam giấy bản địa chỉ trồng nhỏ lẻ tại một số vườn, thì khi có Đề án 03 và sau này là NQ35, loại cây này được nhân rộng và mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây cam giấy. Ngoài cam giấy thì bưởi da xanh, thanh trà, bòn bon, măng cụt… cũng được tập trung phát triển.

Tường rào, cổng ngõ được chỉnh trang sạch đẹp, khang trang. Ảnh: L.V
Tường rào, cổng ngõ được chỉnh trang sạch đẹp, khang trang. Ảnh: L.V
Trong 2 năm 2022 - 2023, xã Tiên Hà có 79 hộ dân đăng ký tham gia NQ35. Trong đó năm 2022 đã giải ngân hơn 730 triệu đồng cho 24 hộ, năm 2023 đã được phê duyệt 32 hộ với tổng kinh phí đề nghị giải ngân hơn 1,3 tỷ đồng.

Những năm qua, Tiên Phước tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh về KTV, KTTT. Trong 3 năm (2021 - 2023), nguồn vốn đầu tư cho NQ35 trên địa bàn Tiên Phước gần 20 tỷ đồng. Điều này cho thấy hiệu quả cũng như nhu cầu của nông dân và sức hút của NQ35 đối với sự phát triển KTV, KTTT.

Nông dân Tiên Phước mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vườn. Ảnh: L.V
Nông dân Tiên Phước mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vườn. Ảnh: L.V

Tính đến nay, tổng diện tích vườn được hỗ trợ từ NQ35 khoảng 700ha, dự kiến đến cuối năm 2025, Tiên Phước triển khai NQ35 trên 1.000ha trồng cây ăn trái với các loại cây chủ lực như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh, lòn bon, thanh trà, cam…

Năm 2023, có 560 hồ sơ đăng ký thực hiện NQ35, ngành nông nghiệp huyện đã thẩm định cho 373 hộ gia đình đủ điều kiện thực hiện phương án (372 vườn, 1 trang trại) với tổng kinh phí đầu tư trên 23,164 tỷ đồng. Đến nay đã nghiệm thu 246 hộ và giải ngân cho 215 hộ với số tiền 7,9 tỷ đồng/7,9 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch vốn tỉnh giao).

...........

Còn tại xã Phước Ninh (huyện Nông Sơn), từ khi triển khai NQ35, địa phương đã hỗ trợ 26 hộ, trong đó năm 2022, có 12 hộ dân được hỗ trợ với số tiền 807 triệu đồng, tập trung các hạng mục tường rào, cổng, hệ thống tưới nước, giếng, cây trồng và phân bón. Ngoài ra, để hỗ trợ thêm cho người dân đủ nguồn lực đầu tư vườn và trang trại, xã Phước Ninh còn linh động lồng ghép nguồn từ Nghị quyết 57 của HĐND huyện Nông Sơn về hỗ trợ phát triển KTV, KTTT gắn với du lịch giai đoạn 2022 - 2025 ở hạng mục di dời chuồng trại đạt chuẩn.

Nông Sơn đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, trang trại. Ảnh: L.V
Nông Sơn đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, trang trại. Ảnh: L.V

Ông Trương Ngọc Vũ - Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, người dân địa phương lâu nay đã quen với việc trồng keo trên đất hoa màu. Chính nhờ NQ35, Phước Ninh có cơ hội chuyển dịch cơ cấu cây trồng một cách mạnh mẽ như hiện nay. Đây là đòn bẩy để Phước Ninh tập trung hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái trong thời gian tới" - ông Vũ nói.

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong 2 năm 2023-2023, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí gần 100 tỷ đồng cho các địa phương triển khai thực hiện NQ35. Đến nay, các địa phương đã nắm rõ được nội dung, quy trình, thủ tục, cách thức triển khai thực hiện. So với năm 2022, tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tỷ lệ khá cao, trên 80% tổng vốn bố trí. Nội dung hỗ trợ đa dạng, phù hợp với thực tiễn và nguồn lực hỗ trợ tương đối cao, có những hộ dẫn được hỗ trợ 100 - 150 triệu đồng

Thống kê sơ bộ của Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 1.000 vườn và 15 trang trại. Trong đó hỗ trợ gần 850 công trình cấp nước (giếng khoan/đóng, giếng đào hoặc lắp đặt đường ống dẫn nước từ các nguồn); 700 hệ thống tưới (tưới nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm...). Cạnh đó, một số địa phương đã ban hành nghị quyết chuyên đề, bố trí nguồn vốn hoặc lồng ghép các nguồn để hỗ trợ thêm cho người dân.

Có thể nói, Nghị quyết 35 về phát triển KTV, KTTT có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Đây là cách thức để huy động, phát huy có hiệu quả các nguồn tài nguyên hiện có về đất đai, lao động và các nguồn tài nguyên khác ở nông thôn, không chỉ thực hiện có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn góp phần mang lại diện mạo mới cho những vùng quê Quảng Nam.

MỸ LINH - PHAN VINH