Chia sẻ về mô hình hoạt động hội khởi nghiệp sáng tạo
(QNO) - Trong khuôn khổ chương trình Năm khởi nghiệp (KN) - Quảng Nam 2023 và Ngày hội KN thị xã Điện Bàn lần thứ I - TechFest Điện Bàn 2023, sáng nay 22/12, Ban Điều hành hỗ trở KN đổi mới sáng tạo tỉnh phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn tổ chức diễn đàn mở "Mô hình hoạt động Hội KN sáng tạo địa phương".
Tham dự diễn đàn có Chủ tịch Hiệp hội KN quốc gia Đinh Việt Hòa cùng các chuyên gia, thành viên Hội đồng cố vấn KN tỉnh, đại diện các hội KN đổi mới sáng tạo và đông đảo đoàn viên, hội viên tại thị xã Điện Bàn.
Nền tảng là con người
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, ở cấp độ địa phương, Điện Bàn là một trong những địa phương của tỉnh có phong trào KN sáng tạo phát triển sôi nổi, hiệu quả và lan tỏa.
Đến nay, thị xã Điện Bàn đã thành lập Hội KN sáng tạo thị xã với 30 hội viên; có 15 ý tưởng dự án, mô hình KN được trung ương, tỉnh công nhận. Nhiều ý tưởng dự án đã được triển khai có hiệu quả trên thực tế.
Theo bà Châu, trong những năm qua, lãnh đạo địa phương và các ngành có liên quan đã có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể KN thông qua một số cơ chế chính sách như chương trình OCOP, khuyến công, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã…
“Qua diễn đàn "Mô hình hoạt động hội KN sáng tạo địa phương" hôm nay, địa phương và cộng đồng KN thị xã Điện Bàn mong đợi được học hỏi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi tìm giải pháp, mô hình phù hợp trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái KN đổi mới sáng tại địa phương” - bà Châu phát biểu.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện hội KN sáng tạo các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình phát triển hội; vấn đề thành lập quỹ KN… Ông Phạm Khắc Thịnh - Chủ tịch Hội KN sáng tạo Điện Bàn cho biết, chất lượng hội viên là vấn đề Hội KN sáng tạo Điện Bàn quan tâm. Hội viên tham gia vào hội phải có phẩm chất, tính cộng đồng, biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Hội viên được chia theo nhóm dựa vào thế mạnh từng lĩnh vực để hỗ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, thường trực hội thường xuyên kết nối, nghiên cứu các cơ chế chính sách để chia sẻ, hỗ trợ các chủ thể trước, trong và sau đầu tư.
Nhấn mạnh về vai trò cá nhân trong mô hình hoạt động hội KN, ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội KN quốc gia cho biết: “Hội hay hiệp hội, nền tảng cốt lõi đều là con người, đó là thành viên, hội viên. Nếu từng cá nhân trong hội không tích cực thì hội chỉ là cái hộp rỗng. Tôi hy vọng, với tiềm lực hơn 1.500 doanh nghiệp hiện nay, Hội KN sáng tạo thị xã Điện Bàn sẽ quy tụ được nhiều thành viên, qua đó xây dựng hội phát triển mạnh hơn trong thời gian đến”.
Tại diễn đàn, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh cho biết, đến nay toàn tỉnh có 14/14 huyện thành lập hội KN sáng tạo; phấn đấu 4 huyện còn lại sẽ tổ chức đại hội thành lập hội trước tháng 6/2024.
Làm sao phát huy vai trò?
Tại Quảng Nam, Bắc Trà My là địa phương đầu tiên thành lập hội KN sáng tạo cấp huyện. Đặc biệt, đây cũng là địa phương đầu tiên ra đời mô hình quỹ hỗ trợ KN, trực thuộc hội.
Ông Trần Phước Thanh - Chủ tịch Hội KN sáng tạo huyện Bắc Trà My cho biết, Qũy hỗ trợ KN huyện Bắc Trà My được hình thành năm 2020, với tổng vốn khoảng 1,3 tỷ đồng. Đến nay, từ nguồn vốn quỹ đã hỗ trợ cho 4 ý tưởng, dự án KN trên địa bàn, mỗi ý tưởng được cho vay không lãi suất 100 triệu đồng.
“Các trường hợp được hỗ trợ vốn vay là những ý tưởng, dự án được UBND huyện công nhận thông qua cuộc thi KN được tổ chức hàng năm. Hội KN sáng tạo huyện sẽ nghiên cứu để luân chuyển nguồn vốn vay phù hợp, phát huy hiệu quả” – ông Thanh chia sẻ.
Chia sẻ về mô hình Hội KN sáng tạo huyện Hiệp Đức, bà Nguyễn Thị Minh Thủy - Chủ tịch hội, cho biết, năm 2018, Hiệp Đức ra mắt câu lạc bộ KN hết sức hoành tráng, nhưng sau đó hoạt động không hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do câu lạc bộ không có tư cách pháp nhân.
“Mãi năm 2021, với tâm huyết của bản thân, tôi đứng ra thành lập ban vận động thành lập hội, và đến tháng 7/2023 thì mới tổ chức đại hội chính thức thành lập Hội KN sáng tạo huyện” - bà Thủy chia sẻ.
Theo ông Đinh Việt Hòa, doanh nghiệp như cái cây, cần phải trồng, nuôi dưỡng. Vai trò của hội KN là giúp hội viên, doanh nghiệp của mình phát triển. Do đó, để phát huy vai trò, hội nên thường xuyên tổ chức gặp mặt để chia sẻ, kết nối, giúp đỡ lẫn nhau.
“Đừng 1 năm, 6 tháng mới gặp lần mà chia ra nhiều lần gặp mặt trong năm. Hội phải là nơi để mọi người “chăm sóc” nhau, phát triển các mối quan hệ. Bởi vì đó là tài sản...” - ông Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo KN Sông Hàn cho rằng, các hội KN địa phương là nơi để doanh nghiệp kết nối, học hỏi. Do đó, hội phải nâng cao năng lực, thu hút hàm lượng tri thức, công nghệ; khuyến khích thu hút nhiều chuyên gia để kết nối, chia sẻ, hỗ trợ hội viên.
Ông Quân đề xuất, Quảng Nam cần tiếp tục phát triển mạng lưới các hội, chi hội để xây dựng hệ sinh thái KN mạnh mẽ hơn.
Tại diễn đàn, Hiệp hội KN quốc gia đã khen thưởng cho Trường Cao đẳng Quảng Nam và ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn KN sáng tạo tỉnh; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể đồng hành với cùng TechFest Quảng Nam 2023.