Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
(QNO) - Giải quyết các vấn đề về vốn công nợ, giá thành phân phối và vận chuyển sản phẩm là các vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại năm 2023".
Hội nghị diễn ra vào sáng nay 22/12 tại TP.Tam Kỳ, do Sở NN&PTNT tổ chức, với sự tham gia của lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, đại diện lãnh đạo các địa phương và gần 40 chủ thể sản phẩm OCOP, doanh nghiệp phân phối.
Số lượng nhiều, tiêu thụ khó
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN cho biết, qua gần 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 395 sản phẩm của 314 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP.
"Các chủ thể tham gia chương trình ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền tiên tiến phục vụ sản xuất. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm dần được nâng cao" - ông Tấn nói.
Để chương trình OCOP trong những năm đến có nhiều cơ hội kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, ông Ngô Tấn cho rằng, các chủ thể OCOP, nhà cung cấp, doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại cần ngồi lại để chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp nhằm tìm hướng đi xa hơn cho sản phẩm OCOP Quảng Nam.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Ngọc Yến - Giám đốc HTX Tổng hợp Tâm Khoa cho rằng, mất một thời gian dài và nguồn vốn lớn để ra mắt một sản phẩm OCOP đạt chuẩn với nhiều quy trình khắt khe về nguyên liệu đầu vào, bao bì nhãn mác, truyền thông thương hiệu... Hiện nay, rong sụn sấy khô của cơ sở này đã được đưa vào bày bán tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh và các thành phố lớn trên cả nước nhưng lượng tiêu thụ cũng còn khá ít.
"Với năng lực sản xuất mỗi tháng gần 4 tấn sản phẩm nhưng hiện nay, chúng tôi chỉ mới tiêu thụ trên thị trường được hơn 1,2 tấn, chiếm 30 - 40%. Thị phần chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng ở các siêu thị mini, khu biệt ở những khu dân cư nhỏ. Hơn nữa, các đơn vị phân phối thường kéo dài thời gian thanh toán công nợ, trong khi mua nguyên liệu đầu vào thì HTX thanh toán ngay cho người dân. Vấn đề này làm tồn đọng vốn cho cơ sở" - bà Yến chia sẻ.
Mở rộng mạng lưới thương mại
Bà Lê Thị Ngọc Tầm - Giám đốc HTX Ngọc Lan Quảng Nam (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) cho biết, từ năm 2019, sản phẩm nước mắm Ngọc Lan đã đạt được tiêu chuẩn vào siêu thị Co.opMart Tam Kỳ sau thời gian hoàn thiện quy trình, tiêu chuẩn. Tại đây, sản phẩm được ưu ái bày bán ở nhiều vị trí thu hút khách hàng và mang lại doanh thu thường xuyên khá cao.
[VIDEO] - Các chủ thể OCOP đề xuất tại hội nghị:
"Tuy nhiên, Co.opMart là chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc, nhưng sản phẩm nước mắm Ngọc Lan chỉ mới có mặt tại chi nhánh Tam Kỳ. Qua hội nghị này, chúng tôi rất mong các nhà phân phối quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm OCOP; đồng thời mở rộng, đưa sản phẩm ra toàn hệ thống sẵn có để giới thiệu và tăng khả năng thương mại ở nhiều tỉnh thành khác" - bà Tầm nhắn gửi.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho biết, những năm qua, đơn vị đã phối hợp với tỉnh bố trí một gian hàng tự chọn dành riêng cho sản phẩm OCOP ở vị trí khá thu hút. Những sản phẩm được bày bán ở khu vực này đã qua một quy trình kiểm tra, kiểm soát và đạt chuẩn của đơn vị. Sản phẩm OCOP của Quảng Nam khá phong phú, đa dạng, đã tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng của Co.opMart Tam Kỳ.
"Tuy nhiên, để mở rộng, đưa sản phẩm OCOP Quảng Nam ra các siêu thị ở những tỉnh thành khác thì chúng tôi cần lưu ý các chủ thể quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nhãn mác hàng hóa và mã vạch. Nhãn mác hàng hóa theo quy định của Chính phủ phải được đảm bảo trên tất cả các sản phẩm mà nhiều chủ thể OCOP hay làm sai. Hơn nữa, mỗi sản phẩm phải có một mã vạch riêng, chứ không phải 3 - 4 sản phẩm chung một mã vạch như một số chủ thể OCOP hiện nay" - bà Sương nói.
[VIDEO] - Đại diện các nhà phân phối khuyến cáo các chủ thể OCOP một số vấn đề cần quan tâm:
Đồng quan điểm với đại diện siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, ông Bùi Viết Thuận - Giám đốc Siêu thị Go Tam Kỳ cho rằng, không chỉ nhãn mác hàng hóa, mã vạch mà nhiều chủ thể OCOP Quảng Nam còn ít quan tâm đến quy trình đóng gói, phân phối và marketing sản phẩm. Đối với vấn đề công nợ cho các đối tác của siêu thị Go, đơn vị này đang có chính sách riêng dành cho những chủ thể OCOP và HTX chỉ thanh toán sau tối đa 7 ngày.
"Siêu thị Go có hệ thống trên khắp 63 tỉnh thành và khi chủ thể OCOP đưa sản phẩm vào được một chi nhánh thì đủ điều kiện có mặt toàn hệ thống. Tuy nhiên, vấn đề này, các chủ thể phải cân nhắc thật kỹ về nguồn lực vận chuyển, giá bán cạnh tranh với các thương hiệu lớn khác. Bởi, khi đưa ra toàn hệ thống thì cuộc chơi này rất sòng phẳng, không phân biệt sản phẩm gì, của địa phương nào. Chính vì vậy, các chủ thể OCOP Quảng Nam hãy phát huy thế mạnh, tối ưu hóa quy trình sản xuất để chuẩn bị nguồn lực cho con đường thương mại hóa rộng lớn sắp tới" - ông Thuận nói.