Sàn Chùa Cầu cong hay thẳng?
(QNO) – Từ năm 1915 đến năm 1986, sàn Chùa Cầu thẳng nhưng từ năm 1986 đến nay có hình dáng cong. Vậy, sàn Chùa Cầu cong hay thẳng? Đây cũng là vấn đề tranh luận giữa các đại biểu tại buổi tọa đàm tham vấn về công tác tu bổ Chùa Cầu vừa diễn ra ngày 22/12 tại TP.Hội An.
Nên trùng tu theo hướng sàn cong
Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, báo cáo trùng tu năm 1986 nhận định sàn cầu (lối đi qua cầu của Chùa Cầu) được hạ bằng vào thời Pháp để phục vụ giao thông, tuy nhiên báo cáo chưa phân tích cơ sở khoa học và không tìm thấy các tài liệu liên quan.
Kết quả điều tra, nghiên cứu các tư liệu lịch sử cũng cho thấy không có cơ sở xác định sàn cầu thời điểm đó cong hay thẳng nhưng có thể đưa ra nhận định là nếu sàn cong thì độ cong không lớn, không gây trở ngại lớn cho việc lưu thông qua cầu.
Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc đề xuất, nên tu bổ phục hồi cốt sàn cong bởi đây là phương án được duyệt với giải pháp định hướng và thiết kế được thiết lập thông qua nhiều cuộc tham vấn chuyên gia và thỏa thuận thẩm định của các cấp thẩm quyền.
“Dù tư liệu lịch sử trước năm 1986 đều cho thấy sàn bằng và việc nâng sàn vào lần tu bổ năm 1986 không nêu rõ lý do nhưng với gần 40 năm tồn tại hình ảnh sàn cong như hiện nay cũng đã in đậm vào tiềm thức, ký ức của người dân Hội An cũng như bạn bè, du khách gần xa.
Chưa kể, hình ảnh, hình thức kiến trúc Chùa Cầu cong đã tồn tại từ trước khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong đó Chùa Cầu được xem là một hạt nhân nổi bật. Đặc biệt, với sàn cong, độ cao của dầm ngang lòng giữa cầu sẽ tương đối bằng và liên kết được với đà gỗ hai bên hành lang bằng mộng vược, cùng với liên kết mộng của hệ dầm dọc (đỡ ván sàn) tạo thành hệ kết cấu đà sàn vững chắc, giúp ổn định, bền vững cho hệ trụ đá cũng như kết cấu khung gỗ bên trên và cho toàn bộ công trình” - ông Ngọc phân tích.
Cùng theo ông Ngọc, xét về hình thức của cầu giao thông liên quan đến yếu tố chịu lực, cầu hiện đại hay truyền thống nhìn chung đều có xu hương cong cao lên ở giữa nhằm tăng cường khả năng chịu tải trọng. Vì vậy, hình thức sàn cầu ở giữa được nâng lên cũng là sự lựa chọn phù hợp. Đồng thời, mặt sàn ở giữa cầu cong có sự đồng điệu với nét cong của lan can, hành lang, mái ngói sẽ tôn thêm nét duyên dáng cho Chùa Cầu vốn đã là hình ảnh quen thuộc, in sâu trong ký ức của nhiều thế hệ người Hội An và du khách.
Tiếp tục nghiên cứu
Một số ý kiến tại buổi tọa đàm không đồng tình với quan điểm về trùng tu Chùa Cầu theo hướng sàn cầu cong. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người có nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc gỗ đặt câu hỏi, nếu hồ sơ trùng tu năm 1986 không rõ ràng thì tại sao phải bám theo đó để trùng tu sàn cầu cong. Do vậy, phải nghiên cứu kỹ lại hồ sơ, hiện trạng, quá trình trùng tu nên chọn phương án nào có thể tỏa sáng được giá trị di tích nhất, đảm bảo Chùa Cầu đáp ứng được 3 chức năng gồm đi lại, tín ngưỡng và thư giãn.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An gay gắt khi cho rằng việc nghiên cứu tư liệu lịch sử Chùa Cầu chưa kỹ càng, thiếu thuyết phục, kể cả trích dẫn văn bia trùng tu Chùa Cầu lập năm 1817 cũng không đầy đủ để lý giải cho câu chuyện sàn cầu cong hay thẳng. Do đó, phải tôn trọng yếu tố gốc chứ không thể nhìn nhận chủ quan cảm tính.
“Chùa Cầu dù qua tu sửa nhiều lần có thể thay đổi một vài chi tiết hoa văn nhưng hình dáng tổng thể di tích vẫn không thay đổi. Quan điểm của tôi cũng như nguyên tắc trùng tu là khi hạ giải nếu thấy những sửa chữa ban đầu bị sai thì phải làm lại” - ông Sự nói.
Cuối tháng 12/2022, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu chính thức được khởi công, tổng mức đầu tư dự án 20,2 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh 50% và Hội An 50%. Ngoài ra, dự án có sự tài trợ về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ tổ chức JICA Nhật Bản. Thời gian thi công dự án là 360 ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, do tính chất của Chùa Cầu là một biểu tượng của Hội An cũng như là di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời thể hiện mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản nên việc trùng tu thời gian qua hết sức thận trọng, trong khi không có đủ tư liệu để xác định sàn cầu trước đây cong hay phẳng nên việc tổ chức các hội nghị tham vấn là cần thiết. Dù vậy, việc trùng tu cũng phải dựa trên các nguyên tắc quy định về tính chân xác, an toàn, phù hợp với điều kiện, cuộc sống đương đại.
“Chùa Cầu là công trình có lịch sử hơn 400 năm và đã qua quá nhiều lần trùng tu do đó các yếu tố gốc đã bị thay đổi rất nhiều, trong khi hồ sơ lưu lại quá ít, nên trách nhiệm của thành phố, người dân và những người làm công tác bảo tồn phải làm sao trùng tu công trình Chùa Cầu vững chắc nhất, hợp lý nhất, đảm bảo tính khoa học nhất và để lại bộ hồ sơ cho các lần trùng tu tiếp theo dễ dàng” - ông Sơn bày tỏ quan điểm.
Vì vậy, trước mắt tạm dừng triển khai trùng tu theo hồ sơ đã phê duyệt. Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu kỹ hơn thực trạng và hình ảnh tư liệu, bổ sung hồ sơ trùng tu.
Đặc biệt, cần xây dựng 3 phương án trùng tu sàn cầu gồm phương án 1 là mặt cầu phẳng như năm 1915 và cong như từ năm 1986 đến nay. Phương án 2 dựa trên hồ sơ đã được phê duyệt hiện nay và phương án 3 dựa trên cơ sở khảo sát lại, lập hồ sơ mới.
Tất cả 3 phương án trên sẽ được niêm yết công khai tại Chùa Cầu lấy ý kiến người dân, nhà nghiên cứu. Thời gian bắt đầu từ dịp Tết Nguyên đán và kéo dài đến quý I/2024.
Sau khi lấy ý kiến sẽ hoàn chỉnh hồ sơ tiếp tục triển khai khi công, phấn đấu hoàn thành trùng tu Chùa Cầu trước mùa mưa 2024.