Đòn bẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ngày 22/12 tiếp tục nhận diện những rào cản, thách thức từ chính sách cho đến thực tế của các lĩnh vực liên quan đến ngành công nghiệp khá mới mẻ này....
Công nghiệp văn hóa (CNVH) càng có cơ hội xây nên nền tảng khi Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Bên cạnh đó, ở các lĩnh vực du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Quảng Nam cũng cho thấy tiềm năng mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp độc đáo này.
Nhận diện để mở lối
CNVH là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. Không gian phát triển của CNVH là văn hóa, nghệ thuật.
Tuy nhiên, quá trình tạo thành sản phẩm CNVH không dừng lại ở sáng tạo tác phẩm. CNVH chỉ thực sự hình thành khi sự sáng tạo này tạo nên một quy trình sản xuất, đóng gói, phân phối và lưu thông được vận hành, tạo nên nguồn doanh thu và lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó.
Cùng với câu chuyện nhận diện bức tranh phát triển CNVH Việt Nam, Hội nghị toàn quốc về phát triển CNVH lần đầu tiên sẽ có những con số đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực.
Bao gồm: điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ.
Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời xem xét bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới để thúc đẩy phát triển CNVH tại Việt Nam.
Cùng với số lượng doanh nghiệp văn hóa ngày càng tăng, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực CNVH cũng tỷ lệ thuận theo. Tính đến năm 2018, 12 ngành CNVH ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP.
Đồng thời với các không gian văn hóa sáng tạo ngoài công lập tăng lên con số hàng trăm, các cơ sở tham gia đào tạo văn hóa nghệ thuật cũng đã có nhiều tín hiệu vui. Đặc biệt, Việt Nam đã nhanh chóng tham gia vào danh sách các quốc gia xuất khẩu sản phẩm văn hóa với con số khá ấn tượng.
Cú hích từ thương hiệu địa phương
Tuy nhiên, nhìn nhận từ các chuyên gia văn hóa, ở ngành CNVH, văn hóa bản địa là một trong những điểm quan trọng để nhận diện sản phẩm văn hóa và thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ - được đánh giá là mũi nhọn để phát triển CNVH thì vẫn đang loay hoay.
“Khi bước ra thị trường thế giới, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có phần đuối sức so với mặt hàng cùng loại của một số quốc gia. Nghệ nhân ở các làng nghề phần lớn mới chỉ là thợ khéo tay chứ chưa phải là nhà thiết kế mẫu, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Chưa kể, nhiều làng nghề hiện chỉ sản xuất gia công theo mẫu thiết kế của nước ngoài, có rất ít sản phẩm mang thương hiệu riêng và tiếp cận được các yêu cầu sử dụng của thị trường thế giới. Hay như lĩnh vực du lịch, đặc biệt du lịch văn hóa là một thế mạnh của Việt Nam nhưng dường như đang trở nên bão hòa với nhiều sản phẩm, dịch vụ na ná nhau, thiếu bản sắc riêng” - nhận định từ một chuyên gia văn hóa.
Tại Quảng Nam, khi Hội An định vị là thành phố sáng tạo thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian, các sáng kiến hoạt động để nâng tầm nơi này trở thành điểm đến của các liên hoan thủ công, nghệ thuật dân gian cả nước và quốc tế đặt ra.
Cụ thể, trong 4 năm tới, Hội An sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác công - tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, mở rộng các chương trình khởi nghiệp cũng như khuyến khích phát triển kỹ năng và sáng tạo.
Đồng thời kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, huy động sự tham gia sáng tạo của mọi thành viên trong cộng đồng, từ người dân, nghệ nhân, nghệ sĩ, tầng lớp tinh hoa, bình dân, doanh nhân… Cùng với Hội An, các tiềm năng của Quảng Nam để phát triển CNVH vẫn còn khá lớn.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung quy hoạch phát triển du lịch cũng như tạo một số cơ chế, chính sách mời gọi các nhà đầu tư để phát triển các dịch vụ vui chơi - giải trí bổ trợ cho ngành du lịch.
Một số sản phẩm đã khẳng định thương hiệu như show “Ký ức Hội An” thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, các sản phẩm du lịch trải nghiệm sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My); lễ hội trái cây (huyện Tiên Phước); Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (thị xã Điện Bàn); du lịch sinh thái gắn với cuộc sống văn hóa đồng bào dân tộc ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang… chính là những bước đi để thúc đẩy CNVH mạnh mẽ hơn”.