Chiên Đàn: Từ nguồn đến đầm

PHÚ BÌNH 24/12/2023 08:45

Sử sách xưa nhiều lần nhắc đến địa danh Chiên Đàn. Tìm hiểu trong thư tịch và trên thực địa biết được địa danh ấy gắn liền với các vùng đất trải dài từ núi cao vùng thượng du đến sông đầm vùng hạ du của huyện Hà Đông ở phía nam Quảng Nam.

Hình vẽ đầm An Thái (Chiên Đàn) trích trong Đồng Khánh địa dư chí. Ảnh: PHÚ BÌNH
Hình vẽ đầm An Thái (Chiên Đàn) trích trong Đồng Khánh địa dư chí. Ảnh: PHÚ BÌNH

Tên Chiên Đàn bao gồm các vùng địa lý như nguồn, đầm; còn dùng để chỉ các địa bàn hành chính như tổng, xã, trại; đặc biệt còn chỉ định phạm vi cư trú riêng của một tộc họ mở đất.

Nguồn Chiên Đàn

Cụm từ “nguồn Chiên Đàn” được ghi trong sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776) ở đoạn: “Nguồn Chiên Đàn hàng năm tiền thuế 2.060 quan, trước kia cấp ngụ lộc cho quan nội hữu, phải nạp bạc tốt 20 hốt 6 lạng” (bản dịch NXB Khoa học Hà Nội, 1964, tr.232). Trong dân gian, địa danh này hẳn đã có từ rất xa xưa, có thể từ lúc nhà Hồ đưa dân vào lập trấn Tân Ninh ở vùng thượng nguồn Quảng Nam (đầu thế kỷ 15).

Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, khi mô tả núi Tà Mi cũng đã nói về nguồn Chiên Đàn như sau: “Núi Tà Mi ở cách huyện Hà Đông 58 dặm về phía tây nam là cực giới của huyện; núi rất nhiều cây quế. Nguồn Chiên Đàn ở đây, là chỗ phát nguyên của sông Trung An, phía tây bắc là bảo Bảo Định có quân quan đóng giữ, sông Trung An từ đấy ra, phía đông có khe Bạch Thạch là chỗ phát nguyên của sông Trạm, phía tây núi có các xứ Nước Xa, Nước Viên, Nước Luật, Nước Oa” (nguyên văn: Tà Mi sơn tại huyện tây, cực giới, đa sản quế, Chiên Đàn nguyên tại yên. Tây bắc hữu Bảo Định bảo, Trung An giang xuất yên. Kỳ đông hữu Bạch Thạch khê, Trạm giang hữu xuất yên. Sơn chi tây hữu Xa Thủy, Viên Thủy, Luật Thủy, Oa Thủy đẳng - Đại Nam nhất thống chí, bản chữ Nho ký hiệu HNV-209, trang 649, lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội TP.Hồ Chí Minh).

Các xứ đất Nước Xa, Nước Viên, Nước Luật, Nước Oa (nay vẫn còn tên) cho biết điểm xuất phát của nguồn Chiên Đàn nay thuộc địa bàn của huyện Nam Trà My nằm dưới chân núi Ngọc Linh.

Sách “Đại Nam thực lục” chép việc của năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) cho biết: “Dân 11 sách man ở nguồn Chiên Đàn, thuộc Quảng Nam đến trường giao dịch, đầu thú và chịu phục, xin bỏ lệnh cấm về việc làm ăn thông thương. Quan tỉnh xét rõ tình thực tâu lên, Dụ sai tuyên dương uy đức triều đình, khiến họ biết sợ và mến, thực lòng chịu phục mãi mãi” (bản dịch, NXB Giáo dục Hà Nội, tập 5, tr. 8).

Sách cho biết thêm: “Nguồn Chiên Đàn trong tỉnh là nơi tụ tập buôn bán. Những kẻ xấu phần nhiều lén đi doanh thương ở các trại Man, đến nỗi thường hay gây hấn sinh sự. Lính lệ ở thủ sở thì ít, xét hỏi không chu.

Vua xuống dụ cho dựng một cái đồn nhỏ ở nơi yếu hại tại chỗ nguồn ấy, gọi là đồn Chiên Đàn (ở gò đất xã Đại An cách chỗ thủ sở 550 trượng. Bốn mặt đồn chu vi 80 trượng, cao 5 thước; hào rộng 6 thước, sâu 3 thước); phái 1 suất đội, 50 biền binh thuộc tỉnh, luân lưu đến đóng giữ, 3 tháng 1 lần thay phiên (sđd, tập 5, trang 1.026).

Xã Đại An nói trong đoạn trên chính là xã Đại An Thượng, được Địa bạ triều Nguyễn cho biết nằm trong địa giới của “Thuộc Kim hộ, tổng Tiên Giang Thượng” có tứ cận như sau: “Đông giáp núi, tây giáp núi, nam giáp núi, bắc giáp thôn Tà Mi”. Cùng với xã Đại An và thôn Tà Mi đã nói còn có các thôn Mậu Ỷ và thôn Tử Dương đều nằm trong địa bàn thuộc và tổng nói trên. Bốn thôn xã này nằm ở vùng trung tâm của “nguồn Chiên Đàn” xưa (nay thuộc địa bàn hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My).

Địa danh Chiên Đàn còn gặp ở hạ nguồn - vùng đồng bằng của huyện Hà Đông - Quảng Nam xưa.

Chiên Đàn trại

Từ “trại” chỉ một đơn vị hành chính - đoán là tương đương đơn vị thôn. Thường gặp địa hiệu này ở vùng giáp ranh miền núi và đồng bằng.

Trong Địa bạ Gia Long, “Chiên Đàn trại” (diện tích hơn 52 mẫu) thuộc phạm vi quản lý hành chính của “thuộc Liêm hộ”. Trại này không ghi giáp giới và nay địa bạ thất lạc nên không rõ nằm ở vị trí địa lý nào thuộc hai huyện Phú Ninh và Tiên Phước.

Chiên Đàn tộc

Hiện tìm thấy một văn bản ruộng đất lập ngày 11 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) cho biết, “Chiên Đàn tộc” là một xóm thuộc thôn Trung Đàn, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa xưa. Chi tiết này hoàn toàn trùng khớp với tứ cận được ghi trong Địa bạ Gia Long. Đối chiếu với hiện nay là thôn Trung Đàn, xã Tam Đại,  Phú Ninh. 

Tìm hiểu vùng này, biết được người tộc Ung ở làng Chiên Đàn từ thế kỷ 18 đã lên đây khai phá. Nhiều thế hệ người tộc Ung đã cư trú cùng một địa điểm lập nên một đơn vị hành chính nhỏ (nằm trong thôn Trung Đàn) gọi là “Tộc”.

Chiên Đàn xã

Đây là một xã có diện tích công điền lớn hạng nhì, ba ở nam Quảng Nam. Gia phả nhiều tộc họ ở xã này cho biết, các vị thủy tổ của họ đã cư ngụ ở vùng đất này từ rất sớm. Trong đó có tộc Ung (lĩnh tiền hiền làng) đã có mặt sớm nhất, tính đến nay đến đời thứ 21 - 22.

Truyền khẩu ở xã/làng Chiên Đàn cho biết, từ xa xưa, người làng này có một bộ phận ra cư ngụ ở mé phía nam đèo Hải Vân và trước 1945 vẫn còn nạp thuế ruộng đất (khai phá ở Hải Vân) về làng gốc. Chưa rõ tính xác thực của truyền khẩu này, nhưng nó củng cố giả thuyết: có dân cư sinh sống tại Chiên Đàn từ thời nhà Hồ (1400 - 1407) và một bộ phận đã bỏ chạy ra đèo Hải Vân khi người Chiêm nống ra vùng này vào thời điểm giặc Minh xâm lăng nước ta (đầu thế kỷ 15).

Chiên Đàn đàm

Đàm là đầm nước. Trong tập địa bạ làng Tứ chánh An Hà lập tháng 2 năm Gia Long thứ 13 (1814) còn lưu ở địa phương (nay là phường An Phú, Tam Kỳ), đầm Chiên Đàn được gọi là “công đàm” (đầm thuộc sở hữu công). Đầm này được sách “Đại Nam nhất thống chí” (bản chữ Nho ký hiệu HNV209 lưu tại thư viện Khoa học Xã hội TP.Hồ Chí Minh, quyển 5, trang 663) ghi là “đầm An Thái có tên cũ là đầm Chiên Đàn” (nguyên văn: An Thái đàm cựu danh Chiên Đàn đàm).

Sách “Phủ biên tạp lục” (bản chữ Nho ký hiệu HNV177 hiện lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội TP.Hồ Chí Minh, quyển 4 tập 32 trang 15b) ghi: “Quảng Nam xứ, Thăng Hoa phủ, Chiên Đàn đàm tuế thuế lục thập thất quan ngũ mạch tam thập văn (dịch: xứ Quảng Nam, phủ Thăng Hoa, đầm Chiên Đàn hàng năm tiền thuế 67 quan 5 tiền 30 đồng).

Các bản đồ trong sách “Đồng Khánh địa dư chí” (1886 - 1887) đã vẽ rất rõ hình thể đầm này và ghi tên đầm là An Thái nằm giữa các xã/thôn Tứ chánh An Hà, Mỹ Cang, Vĩnh Phước, Tân An và Quảng Phú (nay thuộc phường An Phú, xã Tam Phú và xã Tam Thăng).

Trong dân gian, trước năm 1945 đầm này được gọi là “đầm An Hà” và từ kháng chiến chống Pháp đến nay được gọi là “Bãi Sậy - Sông Đầm”.

PHÚ BÌNH