Sức hấp dẫn của những "hiểm địa"

BẢO ANH 24/12/2023 09:30

“Hiểm địa văn chương” (NXB Hội Nhà văn 2023) là tập tiểu luận - phê bình của PGS, TS. Phùng Gia Thế, đem đến cho bạn đọc góc nhìn sâu về con đường đến với văn chương dù nhiều khổ ải nhưng biết cách vượt qua thì bên trong sẽ là khu vườn đầy quả ngọt.

Tác giả Phùng Gia Thế và bìa tập sách “Hiểm địa văn chương”.
Tác giả Phùng Gia Thế và bìa tập sách “Hiểm địa văn chương”.

“Hiểm địa” của mỗi người

Tên tập sách lần này của anh được lấy theo tên của bài tiểu luận về “tục thi” của Đỗ Anh Vũ - loại thơ “được xem là một vùng đất hiểm của văn chương”. So với 26 bài viết còn lại trong tập thì bài “Hiểm địa văn chương” không thật “bề thế”.

Thế nhưng, đó chính là “gợi ý” của tác giả để tiếp cận một vấn đề gai góc và muôn thuở: Con đường đến với văn chương là con đường đầy thách thức như đi vào “hiểm địa” và trong sáng tạo văn chương, phải làm thế nào để có thể khai thác vấn đề nhạy cảm của đời sống...

Với “tục thi” - thơ tục của Đỗ Anh Vũ, bằng cách tiếp cận “chủ yếu nghiêng về mô tả”, Phùng Gia Thế bóc tách và cố gắng chỉ ra những dấu hiệu lấp lánh ở những bài thơ nói về vấn đề mà trong quan niệm truyền thống là xấu xí...

Và từ việc nhận ra con đường xuyên qua “hiểm địa” hết sức mong manh, đầy thách thức nhưng hấp dẫn của Đỗ Anh Vũ, Phùng Gia Thế cho rằng “trong đời sống văn học, bao giờ cũng xuất hiện những không gian đặc biệt, không dễ được chấp nhận, thậm chí luôn gây tranh cãi”...

Với Phạm Duy Nghĩa, một nhà văn quân đội đình đám, Phùng Gia Thế đọc và nhận ra những “hiểm địa” khác. Sau gần 10 năm sáng tác, Phạm Duy Nghĩa đóng đinh tên bằng những truyện ngắn sắc lẹm, đầy ấn tượng, để rồi anh phải viết để “vượt qua danh tiếng ấy”.

Tập truyện mới nhất của Phạm Duy Nghĩa “Người bay trong gió xanh” là một minh chứng cho sự vượt thoát ấy, nhưng cũng chính ở đấy, nhà văn quân đội này còn phải vượt qua một loạt “hiểm địa” khác, khi mà truyện của anh chạm rất sâu vào những vấn đề thời cuộc, về cái ác, sự tha hóa, vô cảm của con người cùng những thân phận đầy bi kịch.

Thật may là, “những tìm tòi bứt phá ở mạch truyện luận đề xã hội nhân sinh và tâm linh kỳ ảo, bằng lối viết gai góc, kỹ lưỡng, biến hóa tự nhiên, sát ván nhưng tinh tế, vừa chua chát đắng cay vừa lãng mạn u sầu, Phạm Duy Nghĩa tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu của mình trong bản đồ văn học Việt Nam đương đại”.

Cũng bằng cách tìm kiếm, soi chiếu qua “lăng kính” của những “hiểm địa”, Phùng Gia Thế phác họa sắc nét chân dung, tầm vóc của nhiều tác giả khác, từ Nguyễn Đức Sơn, Phùng Văn Khai, Đỗ Tiến Thụy, Cao Kim Lan... đến Uông Triều, Tống Ngọc Hân, Lê Anh Hoài, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Thế Hùng... 

Và “hiểm địa” của văn chương Việt

Tham chiếu từ luận đề “Cái chết của tác giả” của Roland Barthes, Phùng Gia Thế bàn về hành trình, nỗ lực đổi mới của văn học Việt Nam thông qua một số tác giả tiêu biểu.

Đó là những kiểu “làm văn” lạ lẫm, chưa từng có, như Nguyễn Huy Thiệp với nhiều truyện ngắn mà “quyền quyết định câu chuyện là ở bạn đọc”. Hay đó là tinh thần “phi trung tâm hóa chủ thể một cách có ý thức” trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà; là “kiểu tổ chức trần thuật đa chủ thể, đa điểm nhìn và việc thiết tạo những thế giới huyền thoại” trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh.

Cùng với đó là kỹ thuật dán ghép, hoán đổi, phân mảnh, trích dẫn, đánh tráo chủ thể... trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Đình Tú, Vũ Đình Giang, Phong Điệp...

Và không chỉ trong sáng tác, văn học Việt Nam cũng còn phải bước qua những “hiểm địa” trên lĩnh vực phê bình, khi mà xu thế đổi mới luôn thúc ép, “không thể dùng những khái niệm lý luận truyền thống mà không có những giải thích, đính chính, những tệp đính kèm cần thiết cho nó”.

Một vấn đề khác, đó là “xu hướng các-na-van hóa trong ngôn ngữ văn xuôi Việt Nam”, mà theo Phùng Gia Thế, được biểu hiện ở 3 bình diện cơ bản. Bao gồm: sự thông tục hóa phi thẩm mỹ ngôn từ, sự bành trướng của cái biểu đạt và sự hỗn loạn của diễn ngôn.

Xu hướng này từng khiến nhiều người kinh ngạc, khó chịu, thậm chí là có phản ứng trái chiều dữ dội; nhưng rồi trong sự vận hành tự thân và có tính tất yếu của mình, nó đã có được những giá trị nhất định, ít nhất là ở chỗ làm cho văn chương thật hơn, đời hơn, gần hơn, thậm chí là ở ngay trong đời sống...

BẢO ANH