Tiếng chuông ngân
Hồi nhỏ, mỗi lần ai hỏi ước mơ của Ken là gì, cậu bé nói rất nhanh: “Ken ước giống như ba, được kéo chuông nhà thờ mỗi ngày”.
Có một lần Ken đi theo ba, xin ba cho kéo chuông. Ba đồng ý, ba còn chỉ cặn kẽ cách để nắm sợi dây chuông vừa chặt mà vừa không bị đau tay. Khi ấy, Ken còn tưởng mình đã kéo chuông được rồi. Chuông sẽ đổ liên hồi tiếng kinh kong nghe rộn rã, vui tai như mọi lần. Nhưng mọi thứ không đơn giản như Ken nghĩ.
Khi bàn tay nhỏ với các ngón tay bé tí của Ken nắm chặt sợi dây chuông bằng dây thừng to xù xì, Ken đã dùng hết sức lực, đến nỗi muốn đu cả người lên dây thì sợi dây chuông vẫn đứng im không nhúc nhích. Dù chẳng bị ai chọc quê, nhưng Ken biết phải cao lớn, có sức khỏe như ba thì mình mới kéo chuông được.
Ken thích tiếng chuông nhà thờ. Từng hồi chuông ngân vang như một khúc nhạc rộn rã. Mẹ nói, ba bắt đầu phụ trách công việc kéo chuông cho giáo xứ từ khi Ken còn nằm trong bụng mẹ. Mỗi lần tiếng chuông đổ, mẹ lại thì thầm với Ken, là ba con kéo đó, tiếng chuông nghe hay phải không con?
Có vài lần, mẹ lên nhà thờ kéo chuông cùng ba trước giờ thánh lễ. Ở dưới tháp chuông, thanh âm vọng ra nghe còn kỳ diệu hơn nữa. Ken đã lớn lên trong thanh âm ấy mỗi ngày.
Nhưng phải thật lâu sau đó, Ken mới biết tiếng chuông không phải lúc nào cũng vui tươi. Khi trong xóm đạo có ai mất, tiếng chuông vang lên, chỉ một hồi duy nhất chứ không kinh kong rộn rã như những giờ chuông đổ khác, là biết tiếng chuông loan báo tin buồn đến những con chiên trong xóm đạo.
Ngày ba Ken rời cõi tạm, năm đó Ken vừa tròn mười tám. Không biết ai đã kéo chuông mà tiếng chuông nghe buồn quá. Cảm giác lạc lõng, chơ vơ xâm chiếm tâm can Ken.
Ken nhìn về phía tháp chuông, có bầy chim sải cánh thiên di như thể chẳng có điểm dừng. Và gió, gió thốc lên từ tứ phía. Gió chuyển mùa, ẩm ương khó đoán định. Một lát thì mưa. Mặc kệ, Ken đứng giữa trời để mặc cho nước mắt tuôn rơi.
Sau đám tang ba, mẹ nói với Ken rằng, nơi chân trời khác sẽ chắp cánh cho ước mơ của Ken bay xa, như tiếng chuông ngày nào ba kéo, ngân mãi khúc ca rộn rã trong tâm hồn. Ở nơi đây sẽ là miền ký ức đẹp với những tháng ngày êm đềm tuổi thơ Ken.
“Nhưng còn mẹ?” - Ken thấy lo lắng cho mẹ sau chuyến rời đi vĩnh viễn của ba. Mẹ từng nói với Ken, mọi thứ đến, đi, được, mất… cũng chỉ là bình thường. Chẳng phải thời tiết vô thường nên xua tan những cơn nóng rát bỏng chỉ sau một đêm đó sao? Vậy nên Ken của mẹ hãy đi đến chân trời xa hơn, để thêu dệt những giấc mơ thành hiện thực. Nơi này, tiếng chuông nhà thờ vẫn đổ, thanh âm của yêu thương ấy chờ đón bước chân con quay về.
Mẹ nói vậy vì biết Ken mê âm nhạc. Từng nốt thăng, giáng trong âm nhạc như sự chuyển động kỳ diệu với Ken. Ken có thể lắng nghe, tìm tòi về từng giai điệu, nốt nhạc cả ngày không chán. Tiếng guitar của Ken vang lên mỗi đêm như một chương trình âm nhạc có sức làm mê hoặc những tâm hồn thi sĩ. Nhưng ở vùng quê này, tiếng đàn, lời ca chỉ gói trọn trong mảnh vườn, bờ đê, chẳng thể nào vọng ngân xa hơn được.
*
* *
Quyên cũng là một trong những hàng xóm nơi Ken ở trọ, mê từng ngón đàn, giọng hát nghêu ngao mỗi đêm của Ken, rồi làm quen, thành thân. Mỗi cuối tuần, cả hai lại về cùng một nhà. Có khi Ken đàn cho Quyên hát. Có khi Quyên chỉ ngồi nghe Ken đàn. Khi ấy, Ken thấy ngày trôi qua rất nhanh.
Dù cùng có đam mê âm nhạc, nhưng Quyên thực tế hơn Ken. Một lần Quyên nói với Ken: “Em ước có thật nhiều tiền. Chúng ta sẽ đi đến bất cứ nơi nào mình thích, ăn bất cứ món ngon nào mình muốn và sống trong một căn nhà khang trang, có sân vườn, hồ bơi, chứ không phải căn phòng trọ đầy tiếng ồn giữa khu dân cư lao động này”. Khi ấy, vòng tay Ken nới lỏng dần bờ vai Quyên. Không rõ Quyên có biết không. Cô ấy chồm lên người Ken, hỏi: “Anh cũng vậy phải không?”.
Ken không trả lời. Anh nghĩ đến mẹ. Không biết giờ này mẹ đang làm gì? Lần gần đây nhất khi Ken về thăm nhà, lúc trở lên thành phố, mẹ Ken vuốt từng đồng tiền cho thẳng thướm rồi dúi vào tay Ken: “Mẹ chỉ có chút ít, con cầm cho mẹ vui nghen!”. Ken ứa nước mắt chạm vào những đồng tiền khó nhọc của mẹ nơi quê nhà.
Ở mảnh vườn, mỗi ngày mẹ đều vun trồng, tưới tắm và đợi đến ngày thu hoạch để gom từng nắm rau, trái bầu, trái bí ra ngã ba đường để bán. Đó không phải là chợ, nhưng bà con trong vườn hay mang những thứ nhà trồng được ra bán. Có khi bán hết sớm, có khi chẳng ai mua. Bạn hàng lại đổi cho nhau. Người có rau, đổi lấy nước mắm, đường, người có thịt đổi gạo, cá, tôm… cứ như vậy, ai cũng hết hàng.
Mẹ nói, mẹ không cực khổ gì cả. May mà còn mảnh vườn để mà lao động chân tay, chứ ngồi không rảnh rỗi chỉ tổ thêm bệnh. Từ ngày Ken lên thành phố, nhờ may mắn, Ken có ngay chỗ dạy kèm đàn cho con của chủ nhà trọ.
Từ học trò đầu tiên đó, Ken có thêm những mối dạy kèm tại nhà khác. Rồi thỉnh thoảng Ken được mời đi hát. Số tiền kiếm được không nhiều nhưng cũng đủ trang trải, thỉnh thoảng mua cho mẹ món này món kia, khi nào về thì mang về.
Có khi còn dư chút đỉnh, Ken biếu mẹ để bữa ăn của mẹ đủ đầy hơn. Mẹ nói, mẹ chẳng có gì cho Ken cả, nên Ken nhận cho mẹ vui. Lần ấy, Ken cầm số tiền của mẹ mà dâng trào bao cảm xúc.
Một lần, trong bữa ăn mẹ hỏi Ken, bạn gái con là người như thế nào? Ken thật thà kể, cô ấy không biết nấu ăn ngon như mẹ. Mẹ chỉ cười bảo, từ nhỏ Ken đã là cậu bé có trái tim ấm áp, Ken rất tốt tính và hay giúp đỡ kẻ yếu hơn mình. Vì vậy, mẹ tin Ken sẽ tìm được hạnh phúc cho mình.
Khát vọng của Quyên khiến Ken nghĩ đến người mẹ tảo tần của mình ở quê. Nếu có cơ ngơi là căn nhà khang trang giữa phố, có vườn cây, có hồ bơi và Ken có đủ điều kiện kinh tế để đi đến bất cứ nơi nào anh muốn, thì người đồng hành với anh liệu có phải là Quyên? Từ ngày rời quê, Ken đã ước sau này sẽ có cuộc sống thịnh vượng để đón mẹ lên ở cùng. Hai mẹ con đi đâu cũng có nhau. Mẹ Ken xứng đáng để hưởng tuổi già trong yên vui, sung túc.
Ý nghĩ ấy khiến vòng tay Ken lỏng dần bờ vai Quyên.
*
* *
Ngày lễ Giáng sinh, Ken từ chối các show diễn để trở về bên mẹ. Tiền thì Ken cần chứ, nhưng nó chẳng thể nào mang lại hơi ấm cho Ken như khi được sum vầy cùng mẹ trong ngày lễ trọng đại mà cả hai mẹ con đều mong chờ trong năm.
Năm nay, Ken còn nghĩ sẽ đưa Quyên về ra mắt mẹ, chắc là mẹ mừng lắm. Nhưng có những sự việc chỉ nằm trong dự tính khi Ken và Quyên đã chia tay nhau. Ken nghĩ rằng, sẽ có người đàn ông khác đến và giúp Quyên thỏa mãn những ước vọng về cuộc sống đủ đầy - điều mà hiện tại Ken không thể mang đến cho Quyên. Ken có hơi trống trải trong lòng, khi không có Quyên.
Những ngày mùa đông trời bàng bạc, chuyến xe cập bến khi chiều vừa đổ sang đêm. Ken xuống xe, chỉnh lại cổ áo sơ mi trắng sau chặng đường dài. Xốc lại ba lô trong ấy toàn những món mà anh mua tặng mẹ, rồi sải những bước thật dài trên con đường quê thân quen.
Từ xa, giáo đường hiện ra lấp lánh ánh đèn. Những bản thánh ca du dương có, sôi nổi có, ngân nga khắp xóm đạo. Cảm giác như bàn chân Ken đang chạm đến một miền đất cổ tích nào đó, vừa thực vừa hư ảo.
Vừa lúc ấy, tiếng chuông giáo đường ngân nga vang lên. Đã bao nhiêu năm rồi, mỗi lần nghe tiếng chuông, Ken lại rung lên những bậc cảm xúc khó diễn tả. Ba từng nói với Ken mỗi dịp lễ Giáng sinh, các nhà thờ đều đổ những hồi chuông dài, giòn vang, con biết để làm gì không? Đó như một lời nguyện cầu cho mọi người được bình an! Vì vậy, đừng quên cầu nguyện bên người thân yêu của mình trong tiếng chuông ngân mỗi thánh lễ đêm Giáng sinh.
Trước mắt Ken, sân giáo đường nhộn nhịp hiện ra, vẻ mặt ai nấy đều rạng ngời. Trong số ấy, Ken nhận ra ngay mẹ. Có vẻ như mẹ đang trông ngóng Ken, ánh mắt bà dõi ra xa. Trong chiếc áo dài gấm hoa, tóc búi cao, ánh mắt mẹ sáng lên khi nhận ra người vừa bước qua cổng giáo đường là Ken. Ken cũng sải những bước thật dài để nhanh đến bên mẹ.
Dưới vòm ngực rộng, vòng tay dài của Ken ôm chặt lấy dáng người bé nhỏ của mẹ. Vài ánh mắt hướng về hai mẹ con với ánh nhìn yêu thương lẫn cảm động. Ken đã ước khoảng thời gian này dừng lại hẳn, để Ken được ôm mẹ lâu hơn nữa.
Vừa lúc ấy, tiếng chuông giáo đường ngân lên, báo hiệu giờ cử hành thánh lễ Giáng sinh bắt đầu. Ken với giọng yêu thương: “Con chúc mẹ Giáng sinh an lành!”. Mẹ cũng nhìn Ken, đưa bàn tay gầy gò với những sợi gân xanh nhô lên lớp da mỏng lên hai má Ken, nựng nịu như ngày Ken còn nhỏ: “Mẹ cũng có quà cho con đây!”.
Vừa nói xong, mẹ quay ra sau, ở trong số đông người chuẩn bị tiến vào nhà thờ dự thánh lễ, Quyên bất ngờ xuất hiện trong nụ cười tươi rói, giọng cô tự nhiên như giữa họ chưa từng có chuyện gì xảy ra: “Merry Christmas!”.
Ken ngỡ ngàng hết nhìn Quyên đến nhìn mẹ. Giọng mẹ Ken đầy tự hào: “Con dâu tương lai của mẹ còn về nhà trước con trai nữa cơ!”. Rồi mẹ cười. Trên khuôn mặt phúc hậu ấy, Ken dám chắc chưa bao giờ mẹ nở nụ cười tươi và đẹp đến như vậy!