Tranh Giáng sinh của họa sĩ Alix Aymé

LÝ ĐỢI 25/12/2023 06:30

(VHQN) - Nữ họa sĩ người Pháp - Alix Aymé đã có bức họa chủ đề Giáng sinh mang phong vị Việt từ chất liệu lụa và trang phục của Đức Mẹ là áo dài...

Họa sĩ Alix Aymé mài tranh.
Họa sĩ Alix Aymé mài tranh.

Trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nữ họa sĩ Alix Aymé (1894 - 1989) là một trong vài sơ tổ của hội họa sơn mài Việt Nam, với nhiều tác phẩm xuất sắc cả về kỹ thuật, mỹ thuật và mang quan niệm - văn hóa - mỹ học Việt Nam. Bà đã có nhiều ảnh hưởng đến con đường hội họa của bậc thầy Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993).

Một trong vài nét đặc sắc nhất của mỹ thuật Thiên Chúa giáo Việt Nam - tạm gọi vậy, vì khái niệm Thiên Chúa khá rộng - là tinh thần Việt hóa, hoặc đưa phong vị Việt vào các tác phẩm đã thành mẫu mẹ/ nguyên mẫu (archetype, theo Carl Jung) của cả thế giới.

Nhiều tác phẩm của Alix Aymé là điển hình cho cách dùng phong vị Việt. Các tác phẩm của bà thường lấy quan niệm hội họa truyền thống Việt Nam làm trung tâm, sau đó kết hợp phong cách Nabis mà bà chịu ảnh hưởng.

Thủ pháp chính của Nabis là sử dụng những kiểu mẫu được lấy từ các nền văn minh nguyên thủy hoặc xa xôi để tái hiện suy nghĩ và cảm giác thông qua năng lực liên tưởng.

Alix Aymé là học trò cưng của họa sĩ Maurice Denis (1870 - 1943), một người theo chủ nghĩa Nabis, biểu tượng (symbolism) và tân cổ điển (neo-classicism). Sau chuyến công tác cùng chồng được Chính phủ Pháp bổ nhiệm ở Trung Quốc, rồi du lịch qua Lào, Campuchia và Việt Nam, Alix Aymé đã chọn Việt Nam sinh sống, dạy và vẽ trong gần 20 năm.

Alix Aymé từng sống ở Lào, có vẽ bức tranh tường rộng hơn 100 mét vuông cho hoàng gia, nay là bảo vật của Lào. Bà từng đi vẽ ở Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng Việt Nam vẫn để lại nhiều dấn ấn và tình cảm trong sự nghiệp.

Bức “Giáng sinh” mang phong vị Việt.
Bức “Giáng sinh” mang phong vị Việt.

Bà cùng với họa sĩ Joseph Inguimberty (1896 - 1971) đưa kỹ thuật sơn mài truyền thống vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương để nghiên cứu, giảng dạy, mở ra bộ môn, rồi khoa sơn mài. Riêng chi tiết này, Alix Aymé đã xứng đáng có một tên đường tại Hà Nội.

Còn nhớ, hồi tháng 9/2023 tại Paris, bức tranh Nativité (Giáng sinh, mực và màu trên lụa, 34,5x19,5cm) của Alix Aymé lên sàn đấu giá tại phiên Asian Painters, Major Works của nhà Aguttes. Với giá ước định từ 6.000 đến 8.000 EUR, kết quả bán 7.249 EUR, chưa tính thuế phí, quả là quá… “hữu nghị”.

Nghe nói một nhà sưu tập Việt Nam đấu thành công, tranh đã hồi hương. Nếu quan tâm đến chuyện người phương Tây vẽ lụa, hoặc phong vị Việt, thì bức này là một ví dụ điển hình.

Dù vẽ chủ đề gốc, bối cảnh Tây, nhưng phong thái, áo dài của Đức Mẹ có nhiều phong vị Việt. Nhiều sơn mài của Alix Aymé cũng chọn cả chủ đề, câu chuyện, phong cảnh, nhân vật Việt Nam để thể hiện.

Mà không chỉ có họa sĩ này. Ví dụ khi xem lại bộ sưu tập của Linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp (1926 - 1992), chúng ta có thể thấy rõ tinh thần Việt hóa này, qua nhiều nguyên mẫu và bí tích được thể hiện trong tranh, tượng của các tác giả Việt Nam. Một số bức trong bộ sưu tập này xứng đáng là kiệt tác.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam, con trai đầu của Alix Aymé bị ám sát, còn gia đình bị bắt đi tù. Sau khi rời nhà tù về Pháp, bà đã không trở lại Việt Nam lần nào nữa, nhưng niềm mong nhớ thì vẫn dạt dào.

Vô số thư từ và tranh sơn mài của bà minh chứng cho điều này. Trong một lá thư gửi bạn cũ năm 1982, ở tuổi 88, Alix Aymé viết: “Tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm niềm vui với sơn mài, với bút vẽ và nhựa thông. Nếu niềm vui này mà từ bỏ tôi, tôi sẽ khô héo và chết”. Bà mất khi đang mài một bức tranh, ở tuổi 95.

LÝ ĐỢI