Lắng nghe tiếng nói người uy tín

ALĂNG NGƯỚC - HỒ QUÂN 25/12/2023 08:05

Lần đầu tiên, một cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với các già làng và người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số được tổ chức. Nhiều nội dung đã được trao đổi thẳng thắn, giúp tiếng nói của người có uy tín được lan tỏa, góp phần xây dựng và đưa vùng biên phát triển. 

Hội nghị thu hút gần 400 già làng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh tham dự, với sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường.

Người uy tín phát biểu kiến nghị các nội dung phát triển miền núi. Ảnh: NGƯỚC - QUÂN
Người uy tín phát biểu kiến nghị các nội dung phát triển miền núi. Ảnh: NGƯỚC - QUÂN

Cùng góp… tiếng lòng

Đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến các chính sách ưu tiên cho vùng miền núi, già làng Bh’ling Hạnh, người có uy tín ở xã Zuôih (Nam Giang) dành phần lớn thời gian cho những đề xuất về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Theo già Bh’ling Hạnh, thời gian qua, lãnh đạo các cấp luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vùng cao. Nhiều địa phương đã thành lập các đội văn nghệ cộng đồng, góp phần bảo tồn nhiều loại nhạc cụ, các nghi thức truyền thống.

Tuy nhiên, việc bảo tồn một số nghề truyền thống vẫn chưa được quan tâm đúng mức và đang có nguy cơ bị mai một, nhất là lớp trẻ chưa được tiếp cận, học tập nhiều.

Vì thế, già Hạnh đề nghị lãnh đạo các cấp quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng các làng nghề truyền thống theo văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, gắn với xây dựng đội nghệ nhân “đứng lớp” làm nhiệm vụ truyền đạt cho lớp trẻ.

“Phải đưa nghề truyền thống này vào trường học để các cháu được biết, được học nhiều hơn” - già Bh’ling Hạnh đề xuất.

Từ vai trò “cầu nối” của người có uy tín, diện mạo nông thôn miền núi trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: NGƯỚC - QUÂN
Từ vai trò “cầu nối” của người có uy tín, diện mạo nông thôn miền núi trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: NGƯỚC - QUÂN

Già Hạnh cũng băn khoăn về việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng bằng nguyên liệu là xi măng, tôn và gạch, ảnh hưởng đến giá trị truyền thống của đồng bào DTTS.

Đại diện người có uy tín của huyện Nam Trà My - ông Lê Thành Hà cho rằng, công tác sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh là chủ trương lớn, góp sức hiệu quả cho câu chuyện ổn định đời sống người dân miền núi.

Song, khi triển khai lại xuất hiện một số vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn, số hộ được bố trí, sắp xếp tại các khu tái định cư hằng năm vượt chỉ tiêu so với nghị quyết giao, do ngày càng có nhiều hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Bên cạnh đó, kinh phí phân bổ hằng năm thấp nên việc hỗ trợ kinh phí chủ yếu ưu tiên các hạng mục san lấp nền nhà, hỗ trợ công trình nhà vệ sinh, nước sinh hoạt. Trong khi việc hỗ trợ về đất sản xuất, đường dân sinh vẫn chưa đảm bảo, liên tục rơi vào tình trạng chờ nguồn vốn. “Phần lớn người dân thuộc đối tượng sắp xếp dân cư đều có hoàn cảnh khó khăn, việc đối ứng kinh phí thực hiện khó. Do đó, đề nghị lãnh đạo các cấp quan tâm, tăng mức hỗ trợ làm nhà; mở rộng đối tượng hỗ trợ để người dân an tâm sinh sống, sản xuất” - ông Hà kiến nghị.

Góp “tiếng lòng” cho phát triển miền núi, rất nhiều kiến nghị, đề xuất được người uy tín bày tỏ với lãnh đạo tỉnh. Trong đó, có các đề xuất về tăng nguồn hỗ trợ đối với người có uy tín; ưu tiên nguồn vốn vay phát triển kinh tế; nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 40B, 14G và một số tuyến liên huyện; các vấn đề liên quan đến đất sản xuất, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; các cơ chế về bảo vệ phát triển rừng, phát triển kinh tế vườn, trồng dược liệu dưới tán rừng,…

Phát huy vai trò “cầu nối”

Lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của các già làng, người có uy tín, Bí Thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định, thời gian qua, các cấp luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho phát triển miền núi.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: NGƯỚC - QUÂN
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: NGƯỚC - QUÂN

Riêng nhiệm kỳ 2021 - 2025, Quảng Nam dành nguồn vốn hơn 8.000 tỷ đồng cho miền núi, đó là chưa kể các nguồn vốn Trung ương và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bằng nhiều nỗ lực, đến nay, diện mạo miền núi dần thay đổi. Hạ tầng giao thông từng bước phát triển, thuận lợi lưu thông từ miền xuôi lên miền núi. Các cấp, ngành của tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm, đầu tư mở rộng các tuyến 14D, 14G; đồng thời xem xét, đưa vào đầu tư công các tuyến đường liên huyện.

Liên quan đến trăn trở của người có uy tín về xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng bằng xi măng để thay gỗ, đồng chí Phan Việt Cường cho rằng, chủ trương hiện nay phải bảo vệ rừng, không được phép khai thác gỗ rừng để làm nhà truyền thống như trước đây. Giải pháp hiện nay làm trụ xi măng nhưng giả gỗ; còn các vật liệu khác như tre hay mây thì có thể sử dụng vì nằm trong nhóm lâm sản ngoài gỗ. Đây là chủ trương chung, nên rất cần sự đồng thuận từ người có uy tín, cũng như vận động cộng đồng chấp hành tốt.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 7.821 ngôi nhà di dời về nơi ở mới, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 968 tỷ đồng.

Theo nghị quyết này, hộ nằm trong vùng sạt lở và rừng đặc dụng sẽ hỗ trợ tổng cộng 125 triệu đồng cho các hạng mục san lấp nền nhà, xây dựng nhà, nhà vệ sinh, điện, nước, đường bê tông,…

Gần 400 người uy tín trong cộng đồng DTTS tham dự buổi gặp mặt, đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường. Ảnh: NGƯỚC - QUÂN
Gần 400 người uy tín trong cộng đồng DTTS tham dự buổi gặp mặt, đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường. Ảnh: NGƯỚC - QUÂN

Trong trường hợp các địa phương có phát sinh thêm số hộ do ảnh hưởng thiên tai, đề nghị UBND huyện báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh nguồn hỗ trợ ở những khu vực không có sạt lở sang khu vực sạt lở. Nếu các hộ di dời gặp khó khăn, kinh phí hỗ trợ không đủ xây nhà thì cấp huyện có thể xem xét, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

“Thời gian tới, để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, người có uy tín cần tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước. Tích cực vận động người dân không trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ của Nhà nước mà phải nỗ lực vươn lên, tự thân thoát nghèo.

Ngoài ra, người có uy tín tập trung định hướng con cháu cảnh giác với thông tin không lành mạnh, thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội và bài trừ hủ tục, tảo hôn, từng bước xây dựng đời sống văn hóa, văn minh và hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng miền núi” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao đổi với các già làng, người có uy tín.

ALĂNG NGƯỚC - HỒ QUÂN