TechFest Điện Bàn 2023: Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp địa phương

ĐÔNG ANH 25/12/2023 09:00

Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, chuỗi hoạt động sự kiện Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Điện Bàn lần thứ I - TechFest Điện Bàn 2023 với chủ đề “Điện Bàn - Sáng tạo khác biệt để phát triển” đã kết thúc vào sáng qua 24/12.

Hoạt động trưng bày, kết nối sản phẩm diễn ra sôi nổi tại TechFest Điện Bàn 2023. Ảnh: ĐÔNG ANH
Hoạt động trưng bày, kết nối sản phẩm diễn ra sôi nổi tại TechFest Điện Bàn 2023. Ảnh: ĐÔNG ANH

Hội tụ

Lần đầu tiên, thị xã Điện Bàn tổ chức sự kiện TechFest. Với sự đồng hành, hỗ trợ của Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp (KN) sáng tạo tỉnh, sự kiện đã được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo sự kết nối, lan tỏa mạnh mẽ. Khu phố chợ Vĩnh Điện (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) là địa điểm diễn ra toàn bộ chuỗi sự kiện TechFest.

Ngoài chuỗi sự kiện diễn đàn, hội thảo với nhiều chủ đề, TechFest Điện Bàn là nơi hội tụ của 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm KN, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thị xã Điện Bàn và nhiều địa phương trong tỉnh.

Không gian trưng bày được chia làm 2 khu nằm trên trục đường Cao Sơn Pháo, một cho sản phẩm thị xã Điện Bàn, khu còn lại dành cho sản phẩm các địa phương bạn. Là dịp cuối năm, nhiều chủ thể đã tranh thủ cơ hội mang sản phẩm đến TechFest Điện Bàn để giới thiệu.

Tham gia TechFest Điện Bàn, đại diện Công ty CP Quế Trà My có nhà máy sản xuất tại thị trấn Bắc Trà My (huyện Bắc Trà My) cho biết, đến nay doanh nghiệp đã cho ra thị trường gần 90 sản phẩm các loại, chủ lực là về tinh dầu tự nhiên, dầu gió...; trong đó, có một số sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Singapore.

Tham gia TechFest Điện Bàn, nhờ sản phẩm đa dạng, giá thành vừa phải, lại trùng vào dịp thời tiết khá lạnh, nên các sản phẩm của Công ty CP Quế Trà My được nhiều khách hàng ưa chuộng.

 

Ông Trần Viết Hùng - Giám đốc Công ty CP Quế Trà My cho biết, có cơ hội là doanh nghiệp mang sản phẩm đi quảng bá, dù bất cứ đâu. Mục đích chính nhằm kết nối, lan tỏa, để mọi người biết quế Trà My là gì.

“Sản phẩm của mình chưa thể xâm nhập các siêu thị, qua các kênh như thế này là cơ hội tốt để quảng bá. Và đi cùng với chất lượng được khẳng định thì thương hiệu Quế Trà My mới “sống” lại” - ông Hùng chia sẻ.

Đến từ Hội An, chị Mai Thị Kim - chủ Cơ sở sản xuất Kim Sen Sẻ (phường Cẩm Châu, Hội An) cho biết, lần đầu tiên mang sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu. Tại gian hàng của mình, chị Kim nhiệt tình mời khách dùng thử sản phẩm tắc xí muội.

Chị Kim nói: “Các sản phẩm của tôi làm từ nguyên liệu hạt sen và các loại ngũ cốc. Tôi làm các sản phẩm này vì muốn giữ hồn quê, giới thiệu đến du khách, bạn bè, người thân, đặc biệt muốn dựng lại thương hiệu Sen Sẻ Quảng Nam. Đến nay, nhiều sản phẩm đã có nhãn mác, đóng gói cẩn thận, nên tôi muốn truyền thông, lan tỏa đến nhiều khách hàng hơn”.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp

Trong khuôn khổ TechFest Điện Bàn 2023 đã diễn ra 4 diễn đàn, tọa đàm với các chủ đề: “Mô hình hoạt động hội KN sáng tạo địa phương”; “KN phát triển ẩm thực đặc sản xứ Quảng - Điện Bàn 2023”; “Phụ nữ Điện Bàn sáng tạo KN và chuyển đổi xanh”; “Nông dân Điện Bàn KN, sáng tạo từ sản phẩm địa phương gắn với thương mại điện tử”.

Ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội KN quốc gia chia sẻ tại diễn đàn “Mô hình hoạt động hội KN sáng tạo địa phương” trong khuôn khổ TechFest Điện Bàn 2023. Ảnh: ĐÔNG ANH
Ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội KN quốc gia chia sẻ tại diễn đàn “Mô hình hoạt động hội KN sáng tạo địa phương” trong khuôn khổ TechFest Điện Bàn 2023. Ảnh: ĐÔNG ANH

Đáng chú ý, một số diễn đàn có sự tham dự của các chuyên gia, diễn giả đến từ Hiệp hội KN quốc gia, các trung tâm ươm tạo, hội đồng cố vấn KN… Cộng đồng KN, đại diện các Hội KN sáng tạo các địa phương trong tỉnh đã về tham dự, chia sẻ tại diễn đàn mở “Mô hình hoạt động hội KN sáng tạo địa phương”.

Đánh giá cao về mô hình hội KN sáng tạo địa phương, ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội KN quốc gia lưu ý: “Hội hay hiệp hội, nền tảng cốt lõi đều là con người, đó là thành viên, hội viên. Nếu từng cá nhân trong hội không tích cực thì hội chỉ là cái hộp rỗng”.

Còn ông Phạm Khắc Thịnh - Chủ tịch Hội KN sáng tạo Điện Bàn khẳng định: “Chất lượng hội viên là vấn đề hội quan tâm. Tham gia vào hội, hội viên phải có phẩm chất, tính cộng đồng, biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau”.

Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KHCN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh cho biết, đến nay toàn tỉnh có 14 huyện thành lập Hội KN sáng tạo. Mục tiêu của ban điều hành và lãnh đạo tỉnh là phấn đấu hỗ trợ 4 huyện còn lại tổ chức đại hội thành lập Hội KN sáng tạo trước tháng 6/2024.

Chuyên gia Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo KN Sông Hàn đề xuất, Quảng Nam cần tiếp tục phát triển mạng lưới các hội, chi hội để xây dựng hệ sinh thái KN mạnh mẽ hơn. Các hội KN phải nâng cao năng lực, thu hút hàm lượng tri thức, công nghệ; khuyến khích thu hút nhiều chuyên gia để kết nối, chia sẻ, hỗ trợ hội viên…

Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Trưởng ban Tổ chức TechFest Điện Bàn 2023, thành công chính là sự sáng tạo khác biệt mà chúng ta mang đến cho người khác.

Đây cũng chính là chủ đề của ngày hội, là thông điệp mà địa phương muốn gửi đến toàn thể cộng đồng. Điện Bàn là một trong những địa phương của tỉnh có phong trào KN sáng tạo phát triển sôi nổi, hiệu quả và lan tỏa.

Bà Châu cho rằng, khát vọng KN cùng truyền thống hiếu học là nhân tố quan trọng tạo nên sự khác biệt để phát triển Điện Bàn trở thành đô thị sinh thái, hiện đại.

Đến nay, thị xã Điện Bàn đã thành lập Hội KN sáng tạo thị xã với 30 hội viên; có 15 ý tưởng dự án, mô hình KN được Trung ương, tỉnh công nhận. Nhiều ý tưởng dự án đã được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Đáng chú ý, có 3 dự án đoạt giải Nhất Cuộc thi ý tưởng KN cấp tỉnh.

ĐÔNG ANH