Phát huy vai trò đảng viên ở vùng cao
Phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương, nhiều năm qua, các đảng viên miền núi trở thành “cầu nối” giúp cộng đồng triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thoát nghèo bền vững.
Những “cầu nối”
Ở tuổi 30, Bh’ling Phát - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) đã có nhiều năm kinh nghiệm làm trưởng thôn ở địa phương miền núi. Bằng tinh thần, tâm huyết vì cộng đồng, Bh’ling Phát như một “cầu nối” truyền tải các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với cộng đồng, nhất là các chính sách phát triển kinh tế xã hội gắn với giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Bh’ling Phát kể, ở địa phương, những người trẻ như anh được dân làng tín nhiệm bầu làm cán bộ thôn ngày càng nhiều, điều đó chứng tỏ cộng đồng rất tin tưởng vào năng lực cũng như sáng kiến của người trẻ đối với câu chuyện phát triển của địa phương.
Với vùng đặc thù là đồng bào DTTS, chủ yếu là Cơ Tu sinh sống lâu đời, những năm gần đây, với vai trò trưởng thôn, Bh’ling Phát vận động người dân xóa bỏ dần lối canh tác nương rẫy. Thay vào đó, là mở rộng diện tích trồng sâm ba kích dưới tán rừng, kết hợp trồng lúa nước, bảo vệ rừng và trồng cây ăn quả.
Từ đó, vài năm trở lại đây, người dân thôn Pơr’ning đã chuyển đổi dần sang phương thức canh tác mới, gieo trồng ruộng lúa nước đạt 7ha/năm. Đồng thời mở rộng diện tích trồng ba kích hơn 26ha; bắp, sắn hơn 8ha; cùng hàng chục héc ta cây ăn quả, cây nguyên liệu, cây gỗ lớn…
“Năm 2023, tổng đàn gia súc của thôn đạt gần 300 con, gia cầm gần 400 con, đảm bảo theo hướng chuồng trại kiên cố. Ngoài ra, toàn thôn có 21 ao nuôi cá, với khoảng hơn 10.000 con cá giống đang phát triển tốt” - Bh’ling Phát chia sẻ.
Ông Bh’ling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, ở địa phương, vai trò của các đảng viên người DTTS luôn được phát huy tối đa, xem đó là “cầu nối” quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng hiệu quả. Ngoài thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đảng viên, họ còn tham gia vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Bằng cách làm linh hoạt, sáng tạo, nhiều đảng viên chủ động góp sức cùng người dân phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, chuyển đổi phương thức canh tác mới trong lao động sản xuất, nhất là vận động người dân tham gia hiến đất để xây dựng khu tái định cư và các công trình dân sinh ý nghĩa phục vụ cộng đồng phát triển” - ông Mia nói.
Giúp dân thoát nghèo
Chủ tịch UBND xã Trà Linh (Nam Trà My) - Hồ Văn Thể cho biết, ở địa phương, vai trò của đảng viên được phát huy thông qua các hoạt động giúp dân ý nghĩa, đặc biệt là trong hỗ trợ thoát nghèo.
Điển hình trong các hoạt động này, phải kể đến mô hình “Một đảng viên quản lý, giúp đỡ 10 hộ dân nơi cư trú” đã và đang được duy trì triển khai hiệu quả, trở thành hướng mở giúp người dân phát triển, nâng cao đời sống.
Để mô hình thực sự đi vào đời sống, ông Thể nói, địa phương phân công mỗi đảng viên trẻ, có điều kiện về kinh tế xây dựng kế hoạch quản lý, giúp đỡ 10 hộ dân khó khăn vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cách làm này vừa phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên, vừa giúp người dân có chỗ dựa để phát triển kinh tế hộ gia đình.
“Với lợi thế về sâm Ngọc Linh, nhiều đảng viên hỗ trợ người dân về giống và cách chăm sóc, phát triển vườn sâm. Nhờ vậy, một số hộ khó khăn trước đây đã nhanh chóng thoát nghèo bền vững” - ông Thể cho biết.
Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho hay, năm 2023, địa phương được tỉnh giao chỉ tiêu giảm 376 hộ nghèo. Đến nay, kết quả rà soát sơ bộ, số hộ nghèo giảm được là 457 hộ. Hiệu quả trong công tác giảm nghèo này mang đậm dấu ấn của cán bộ, đảng viên địa phương qua các phong trào, mô hình cụ thể.
Tiểu biểu như phong trào “Ba cán bộ, đảng viên đồng hành với một hộ nghèo”, hay các mô hình “Một đảng viên giúp đỡ 10 hộ dân nơi cư trú”, “Thanh niên làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh” ở xã vùng cao Trà Linh,… đang được nhân rộng hiệu quả.
“Với phương châm “cho cần câu, không có con cá”, các đảng viên bám sát đời sống người dân và tập trung tuyên truyền, định hướng, từng bước thay đổi nhận thức của họ về tham gia lao động, sản xuất phát triển kinh tế, nhất là tham gia trồng dược liệu dưới tán rừng. Từ cách làm sáng tạo này, hằng năm, số hộ dân thoát nghèo ở Nam Trà My tăng đáng kể” - ông Hưng cho hay.