Gỡ khó cho nông sản sạch

VIỆT NGUYỄN 26/12/2023 09:30

Quảng Nam định hướng sản xuất, kinh doanh nông sản chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững. Tuy vậy quá trình thực hiện vướng không ít khó khăn, cần tháo gỡ.

Sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh cần được tiếp sức để phát triển sâu rộng. Ảnh: Q.VIỆT
Sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh cần được tiếp sức để phát triển sâu rộng. Ảnh: Q.VIỆT

“Sạch” là xu thế

Trên địa bàn TP.Hội An hiện có 23ha rau an toàn, gồm 3,1ha rau hữu cơ, 18,5ha rau VietGAP, còn lại là rau đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.

Mỗi ngày, vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, Hội An) cung cấp hơn 50kg rau, củ, quả sạch đến tay khách hàng trong và ngoài tỉnh. Làng rau không chỉ đơn thuần bán rau mà còn là điểm tham quan, chia sẻ kỹ thuật trồng rau sạch cho những nhà nông tìm đến học tập kinh nghiệm.

Ông Trần Hùng Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hội An cho biết, để yếu tố an toàn thực phẩm của rau quả Thanh Đông được minh bạch, đơn vị phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Khuyến nông, đại diện người tiêu dùng kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ tại vườn, lưu lại số liệu, nhật ký đồng ruộng, mẫu vật phẩm...

Tổng diện tích sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn Quảng Nam hiện có 85,1ha, trong đó chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn là 41ha, chứng nhận VietGAP là 44,1ha. Trên địa bàn có nhiều mô hình chăn nuôi sinh thái, hữu cơ hiệu quả, và tỉnh định hướng hình thành các chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng để giảm chi phí, tăng giá trị.

Từ khi ra đời hoạt động đến nay, các sản phẩm nông nghiệp rau quả hữu cơ Thanh Đông dựa trên bộ tiêu chuẩn PGS Việt Nam (hệ thống chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo các nguyên tắc và quy chuẩn hữu cơ).

“Đều đặn hằng tháng, chúng tôi kiểm tra hàm lượng nitrat trong đất. Nếu vượt quá ngưỡng cho phép thì rau tại luống đất đó sẽ buộc dừng sản xuất. Rất vui là việc này chưa xảy ra” - ông Cường nói.

Tại Tiên Phước, bà Lê Thị Sáu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, địa phương đang sở hữu cơ cấu cây trồng phong phú gồm cây ăn quả, cây công nghiệp, dược liệu…

Những năm qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết với nông dân để ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao sản xuất các chuỗi rau quả an toàn. Đối với VietGAP, trên địa bàn có 1ha trồng tiêu ở xã Tiên Sơn cung ứng 3 tấn/năm; 11ha lòn bon ở xã Tiên Châu cung cấp 125,5 tấn/năm; 1ha trồng cam giấy ở xã Tiên Hà đưa ra thị trường 12 tấn/năm; 5,2ha trồng chuối ở xã Tiên Lập bán ra 25 tấn/năm.

Về sản xuất hữu cơ, trái lòn bon ở xã Tiên Lãnh đã đạt tiêu chuẩn với sản lượng 10 tấn/ năm. Về cấp mã vùng trồng, cây chuối ở xã Tiên Phong đã được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cấp giấy xác nhận với diện tích 1.500m2.

Nhìn chung, phương thức sản xuất của nông dân Tiên Phước là hữu cơ, VietGAP. Để thúc đẩy nông sản sản sạch, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến khích phát triển thêm các mô hình trồng rau quả an toàn, liên kết chuỗi gắn với chế biến, quảng bá, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, cấp mã vùng trồng, sẽ mở rộng thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, bảo vệ người tiêu dùng, phát triển bền vững nông nghiệp.

Gỡ khó để phát triển

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) nhận định, vẫn còn những điểm nghẽn trong phát triển nông sản an toàn.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu phân tán, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến còn hạn chế. Hạ tầng nông nghiệp chưa đồng bộ, liên thông; chính sách về tích tụ đất đai còn vướng… nên các doanh nghiệp lớn không mạnh dạn đầu tư. N

gười tiêu dùng, người sản xuất ít quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, thông tin chứng nhận nông sản sạch nên rất khó chuyển đổi sang hệ thống tiêu dùng hiện đại, thông minh. Hình thức xử lý sản xuất, kinh doanh nông sản nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng đủ sức răn đe.

Đến nay mới chỉ có 6/18 địa phương đã tham mưu UBND cấp huyện ban hành kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Trần Hùng Cường đề xuất, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn cho hệ thống kênh phân phối hiện đại, các ngành chức năng cần thường xuyên tổ chức hội chợ thương mại để hợp tác xã mang rau quả an toàn đến giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thông qua đó có thể ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng thêm nhiều thương hiệu rau quả an toàn để nâng cao giá bán ra thị trường.

Theo bà Lê Thị Sáu, ngành nông nghiệp tỉnh cần tham mưu Bộ NN&PTNT gỡ vướng sản xuất nông sản an toàn hiện nay là giá dịch vụ chứng nhận các tiêu chuẩn quá cao trong khi thời hạn các các tiêu chuẩn đó quá ngắn (chỉ 2 - 3 năm).

Chi phí đó rất khó hạch toán vào giá thành sản phẩm nông sản an toàn. Một vấn đề khác cần giải quyết là thị trường nông sản hiện nay chưa có sự phân khúc giữa sản phẩm chất lượng cao với sản phẩm thông thường.

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, Sở NN-PTNT cần tham mưu UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT có cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, chế biến sâu; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, nhất là kết nối tiêu thụ nông sản sạch bằng nhiều hình thức.

VIỆT NGUYỄN