Xanh những cánh rừng ngập mặn

NGUYỄN QUANG 26/12/2023 09:45

Huy động cộng đồng bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, tạo sinh kế cho người dân là cách làm hiệu quả của ngành chức năng và các địa phương ven biển.

Rừng dừa nước Tịch Tây hoang sơ cần được “đánh thức” phát triển du lịch. Ảnh: Q.VIỆT
Rừng dừa nước Tịch Tây hoang sơ cần được “đánh thức” phát triển du lịch. Ảnh: Q.VIỆT

Phục hồi những cánh rừng giữ biển

Rừng ngập mặn có tác dụng duy trì cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học. Đặc biệt, vai trò phòng hộ của rừng ngập mặn được ví như “lá chắn” bảo vệ bờ biển, đê biển, hạn chế xói lở, các tác hại của bão lụt.

Ông Lê Văn Vinh - Trưởng ban Mặt trận thôn Tịch Tây (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) cho biết, nhờ huy động nguồn lực cộng đồng cư dân mà rừng dừa nước Tịch Tây ngày một phát triển. Trước đây, chính người dân đã vun trồng từng gốc dừa nước, thu hoạch khi lá già để làm nón, lợp mái nhà đồng thời đó là cách giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh.

“Người dân biết rõ lúc nào thì khai thác dừa nước, cắt lá sao cho cây lại ra lá non nhanh. Rừng dừa nước Tịch Tây hiện nay có rất nhiều loài cá, cua, chim, thú sinh sống. Đây cũng chính là đê ngăn mặn và giúp người dân sinh kế bằng đánh bắt thủy sản, đan lá dừa và từng bước phát triển du lịch sinh thái” - ông Vinh nói.

Rừng dừa nước Tịch Tây, điểm đến thú vị

Rừng dừa nước Tịch Tây mang vẻ đẹp hoang sơ, thoáng đãng. Du khách đến có thể khám phá sinh thái bằng cách chèo thuyền thúng hay ghe nhỏ thưởng ngoạn kết hợp với câu cá lóc, câu lươn, bắt cua xanh, tôm đất để chế biến món ăn kết hợp với cơm dừa đặc sản tạo ẩm thực đặc sắc. Xung quanh rừng dừa nước Tịch Tây có rất nhiều cò trắng sinh sống, du khách có thể khám phá vẻ đẹp thơ mộng của vùng sông nước này.

Hệ thống rễ chằng chịt của các loài cây rừng ngập mặn sẽ giữ lại trên bề mặt đáy các trầm tích, góp phần mở rộng không gian sinh thái ra phía biển.

Rừng dừa nước, đước, bần, mắm trên địa bàn tỉnh hấp thụ chất ô nhiễm, kim loại nặng từ các cửa sông đổ ra biển, bảo vệ sinh vật vùng ven bờ, bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.

Rừng dừa nước Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, Hội An) đã được Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An thiết lập khu bảo tồn cộng đồng và là vùng lõi thứ 2 trong khu dự trữ sinh quyển. Nơi đây là bãi đẻ để các loài thủy sản vùng cửa sông, vùng ven biển sinh sản và phát triển.

Vai trò của cộng đồng cư dân Cẩm Thanh đã được khẳng định trong bảo vệ, phát triển rừng dừa nước Bảy Mẫu. Người dân cũng đã tận dụng tài nguyên rừng dừa nước để sinh kế bằng đánh bắt thủy sản, du lịch và sáng tạo nhiều sản phẩm, hàng hóa từ dừa nước.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, địa phương không thể hình dung nổi tai hại sẽ thế nào nếu rừng ngập mặn suy thoái, suy giảm. Hội An bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn cũng là bảo vệ sinh thái biển, vùng ven sông, khu bảo tồn biển, khu dự trự sinh quyển Cù Lao Chàm, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Phát triển rừng ngập mặn là bổn phận với tài nguyên, môi trường, sinh thái, sinh học và cũng là trách nhiệm với mai sau” - ông Hùng chia sẻ.

Kết hợp nuôi thủy sản

Tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan, khai thác hải sản cường độ mạnh vùng ven bờ đã để lại nhiều hệ lụy cho người dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành). Các thảm cỏ biển, rong biển, nhiều loài hải sản quý hiếm như tôm càng xanh, cá mú, cá hồng ở khu vực Bàn Than cần được bảo tồn. Trong khi đó, rừng ngập mặn ở Tam Hải đã liên tục suy giảm diện tích.

Năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình kết hợp trồng rừng ngập mặn với nuôi cá tôm tạo sinh kế cho người dân xã đảo Tam Hải. Mô hình được thực hiện với trồng rừng đước, sú, bần, mắm và thả nuôi tôm sú, cá dìa, cua xanh ở các rừng này. Quy mô của mô hình là 2ha với 5 hộ dân triển khai ở thôn Long Thạnh Tây, thời gian từ tháng 3 đến tháng 11.

TS. Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và nuôi thủy sản ở rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện địa bàn, được các hộ dân nắm bắt nhanh. Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật luôn theo dõi, kiểm tra định kỳ và hướng dẫn người dân xử lý kịp thời tình huống bất thường.

“Kết quả mô hình cho thấy các hộ dân đã thu lãi được 100 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, thành quả còn được ghi nhận ở các khía cạnh môi trường, đa dạng sinh học, nhất là có thể nhân rộng mô hình ra các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh” - TS. Lương Thị Thủy nói.

NGUYỄN QUANG