Chuyển biến trong công cuộc giảm nghèo

DIỄM LỆ 27/12/2023 08:00

Công cuộc giảm nghèo bền vững gắn với phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” qua 3 năm thực hiện đã tác động toàn diện và đạt được nhiều thành quả.

Hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế làm ăn để thoát nghèo từ sự hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo. Ảnh: D.L
Hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế làm ăn để thoát nghèo từ sự hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo. Ảnh: D.L

Quyết tâm thoát huyện nghèo

Với huyện nghèo Phước Sơn, mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo: giảm bình quân 6 - 7%/năm, để đến cuối năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo (từ 55,15% vào đầu năm 2021 xuống còn 20,06%).

Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, mọi nguồn lực đầu tư cho huyện không gì khác ngoài mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã đăng ký thực hiện Đề án hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025.

Ban Thường vụ Huyện ủy Phước Sơn đã ban hành Chỉ thị số 27 về phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt cho hành trình đồng hành cùng nhân dân thoát nghèo của Phước Sơn.

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 7,59% (33.127 hộ nghèo) năm 2021 xuống còn 5,57% (24.669 hộ nghèo) năm 2023, bình quân mỗi năm giảm 1,01% (tương ứng giảm 4.229 hộ nghèo), trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân mỗi năm 7,92% (tương ứng giảm 3.402 hộ nghèo).

Nhiều công trình được đầu tư, dự án sinh kế cho hộ nghèo theo hướng liên kết chuỗi được ưu tiên. Việc phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, năng động trong nhân dân gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập người dân là hướng đi đang được Phước Sơn chú trọng.

Huyện đã kiên quyết loại khỏi danh sách hộ nghèo đối với những trường hợp có đủ năng lực, điều kiện (lao động, đất đai...) nhưng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ năm 2021 đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Phước Sơn còn 27,64% (1.933 hộ nghèo), cận nghèo là 863 hộ (tỷ lệ 12,5%).

Đồng hành

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sự chung tay của các tổ chức thành viên, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong toàn xã hội đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Một hộ nghèo chuẩn bị làm nhà ở theo chính sách hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo trong tỉnh. Ảnh: D.L
Một hộ nghèo chuẩn bị làm nhà ở theo chính sách hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo trong tỉnh. Ảnh: D.L

Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, Mặt trận chủ công trong hiệp thương phân công trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bằng những công trình, phần việc cụ thể. Đồng thời, vận động đóng góp Quỹ vì người nghèo các cấp, góp thêm nguồn lực cùng chính quyền thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

“Sự vào cuộc của cộng đồng xã hội trong ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, nhất là dịp tháng cao điểm “Vì người nghèo” hàng năm đã hỗ trợ cho hộ nghèo nhiều mặt. Từ nguồn lực vận động được gần 137 tỷ đồng, năm 2021 - 2023 đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, tập trung chăm lo tết cho người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội, phân công giúp đỡ 959 hộ thoát nghèo bền vững” - ông Lê Thái Bình nói.

Từng hội, đoàn thể ở cấp tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên thiết thực. Như Hội LHPN tỉnh giao mỗi cơ sở hội hàng năm giúp ít nhất 2 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo... được các cấp hội vận động nguồn lực thực hiện. Ngoài ra còn hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay, đào tạo nghề, chỉ cách làm ăn thoát nghèo cho phụ nữ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Kỳ vọng đạt mục tiêu

Theo Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ thực hiện của chương trình giảm nghèo bền vững hơn 1.239 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Nguồn lực được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi...

Ngoài ra, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng được triển khai đến hộ nghèo, chủ yếu chăn nuôi heo cỏ địa phương, nuôi bò cái lai và tiêu thụ bò thịt, chăn nuôi dê sinh sản, trồng và tiêu thụ môn hương, chuối lùn, trồng quế, trồng sâm Ngọc Linh. Người lao động được hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm trong và ngoài nước, vay vốn làm ăn...

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Cùng với các chính sách giảm nghèo bền vững, phong trào chung tay vì người nghèo, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đạt và vượt mục tiêu đề ra hằng năm. Ý thức giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững.

Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo phát huy hiệu quả, nhiều cách làm hay, sáng tạo. Các huyện nghèo, xã nghèo và thôn đặc biệt khó khăn đã được ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...”.

DIỄM LỆ