Sản phẩm OCOP miền núi: Bức tranh không chỉ màu hồng
Năm năm qua, nhiều sản phẩm OCOP tại các huyện miền núi đã ra đời, ghi tên vào bản đồ OCOP đa sắc của tỉnh. Nhưng đằng sau những bao bì, sản phẩm đa dạng đó, là câu chuyện dai dẳng, mà câu trả lời suôn sẻ không phải dễ.
Còn nhiều khó khăn
Chị Lương Nguyên Hà - Cơ sở sản xuất & kinh doanh Hà Vy xã Trà Mai (Nam Trà My) cho biết, như nhiều cá nhân, đơn vị khác ở miền núi có sản phẩm OCOP, thì cơ sở của chị cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Thứ nhất là vùng nguyên liệu không ổn định, giá thành cao khi thói quen sản xuất của người dân chưa khoa học, chưa tận dụng được hết diện tích đất đai, còn manh mún...
Thứ hai, về quy trình sản xuất cho đến thu hái, do địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi cũng ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào. Thứ ba là công nghệ chế biến chưa được đầu tư đồng bộ, còn thiếu các loại máy móc sơ chế, phải dùng biện pháp sơ chế thủ công.
Một cơ sở khác cũng khá có tên tại Nam Trà My với sản phẩm 3 sao là Cơ sở sản xuất Tuấn Quyên, với sản phẩm chuối ép sấy dẻo. Anh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn (chủ cơ sở) cho biết: “Đầu vào là… đau đầu nhất, khi chuối bà con bán không đều nhau về chất lượng. Chuối sinh khối ở đây bị sâu, hạt rất nhiều, rồi chuối không mọng, ít đường, không đồng đều, khiến chúng tôi phải lựa chọn kỹ càng, ví dụ 100 buồng thì chọn được chỉ 20 buồng.
Nguyên nhân là thói quen canh tác của người dân, họ trồng mà không chăm, được một mùa là bỏ. Đầu ra rất lớn, nếu có vùng nguyên liệu tốt, chắc chắn sẽ phát triển mạnh sản phẩm này. Chúng tôi cũng không có vốn lớn để đầu tư công nghệ, máy móc, muốn hoạt động hiệu quả, tốn ít hao phí, phải đến hàng trăm triệu…”.
Khó khăn vùng nguyên liệu là bài toán nan giải. Ông Lê Trung Thực – Chủ tịch UBND xã Trà Don cho rằng, doanh nghiệp muốn có diện tích lớn, không dễ, khi tâm lý dân sợ mất đất. Đất manh mún, khó tập trung. Thói quen canh tác tùy tiện, không chịu áp dụng kỹ thuật, thì lấy đâu ra sản phẩm chất lượng?
Bài toán đường dài
Để sản phẩm phát triển và đi xa hơn nữa, là câu chuyện không hề dễ, bởi cũng có sản phẩm khi dán nhãn rồi, cầm cự èo uột, khó cạnh tranh. Theo chị Lương Nguyên Hà, cần có quá trình xúc tiến thương mại truyền thống như: thông qua hội chợ thương mại, thông qua kênh sản phẩm quà tặng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp địa phương để quảng bá giới thiệu thì sẽ tăng sự tin cậy của khách hàng hơn, khách hàng cũng sẽ hiểu về sản phẩm hơn và thông qua truyền miệng sẽ mở rộng được mạng lưới khách hàng.
Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho rằng, hiện nay các sản phẩm của huyện cơ bản vẫn còn hoạt động, tuy nhiên một số hoạt động theo kiểu cầm chừng, hiệu suất buôn bán còn nhỏ lẻ.
Khó khăn hiện nay là địa phương nào trên cả nước cũng đều có sản phẩm của địa phương đó, đôi khi sản phẩm có sự trùng nhau về nguyên liệu nên cần hỗ trợ đầu ra bền vững hơn, chứ loay hoay ở 1 địa phương rất khó.
Năm năm qua, cơ chế chính sách của tỉnh cho các chương trình tạo sản phẩm OCOP rất lớn, tuy nhiên còn dàn trải không có chiều sâu, nên nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ cùng lúc nhưng số vốn thấp, doanh nghiệp nhỏ cũng nhận được hỗ trợ như với doanh nghiệp lớn, còn chạy theo số lượng sản phẩm/mỗi địa phương nên nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, không mang tính lâu dài.
Nhiều chủ cơ sở sản xuất tại các huyện miền núi cho biết, việc áp dụng các tiêu chí đánh giá phân hạng OCOP về mặt thủ tục thì văn bản khá phức tạp nhưng đội ngũ hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân để thực hiện còn hạn chế, chưa có đội ngũ tư vấn chuyên sâu nên dẫn đến hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá phân hạng OCOP phải sửa nhiều lần tốn chi phí...
Một câu hỏi… xa vời nhưng không thể không đặt ra: bao giờ những sản phẩm miền núi đặc sắc Quảng Nam có mặt trên thị trường thế giới?
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, đây là điều không đơn giản, bởi vùng nguyên liệu khó tập trung. Đi ra với thế giới, thì phải có mã vùng trồng, phải trả lời là trồng ở đâu, khi rừng rẫy tự nhiên như thế? Truy xuất nguồn gốc vườn ươm ở đâu? Mã vùng trồng không có, thì sao có vườn ươm danh chính ngôn thuận? Cây đầu dòng đâu? Có mẹ chính thức là vườn ươm thì mới có con là cây chứ? Rồi QR-Code, đâu dễ. Bốn vấn đề đó là cơ bản, tức là hạ tầng không giải quyết được, thì có làm chi cũng thua. Ngay cả sâm Ngọc Linh bây giờ đã bán chính thức ra nước ngoài được đâu?
Có ý kiến cho rằng, ta ham làm đại trà quá! Hãy chọn vài sản phẩm tiêu biểu, đầu tư thật lớn, nghiêm túc, làm đầy đủ các quy trình tại chỗ, sau đó rầm rộ xúc tiến, quảng bá, thì sẽ vươn ra thế giới được. Đó cũng là kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước đã làm thành công.
Sản phẩm OCOP đâu phải sinh ra là xong, nếu 3 năm sau kiểm tra lại không đạt chất lượng, hoặc tự chết vì hụt hơi. Làm ra để bán, cạnh tranh nhằm phát triển, kích thích sản xuất, tăng thu nhập, tạo ổn định bền vững sản xuất và đời sống, chứ không ai muốn tự sản tự tiêu và… tự sướng. Bức tranh còn lắm gam màu tối này, không thể đơn phương doanh nghiệp hay Nhà nước tự vẽ.