Chính sách cho cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính: Quy định hoàn trả kinh phí hỗ trợ là phù hợp

HÀN GIANG 27/12/2023 09:00

Cả đơn vị chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định, phản biện chính sách đều khẳng định, việc quy định về hoàn trả kinh phí hỗ trợ nếu cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 60 tháng, kể từ ngày được hưởng chính sách là phù hợp, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh trao đổi về nội dung quy định “hoàn trả kinh phí...” theo thiết kế của khoản 3, Điều 3 dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh. Ảnh: N.Đ
Đại biểu Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh trao đổi về nội dung quy định “hoàn trả kinh phí...” theo thiết kế của khoản 3, Điều 3 dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh. Ảnh: N.Đ

Giữ quy định hoàn trả kinh phí hỗ trợ

Do còn có ý kiến khác nhau nên tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh chưa ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo tờ trình của UBND tỉnh.

Trước đó, trong các phiên thảo luận, một số ý kiến đề nghị dự thảo không quy định phải nộp trả số tiền được hỗ trợ nếu trong 5 năm sau khi nghỉ việc đối tượng được tiếp nhận, tuyển dụng lại vào vị trí cán bộ, công chức.

Vì mục tiêu hỗ trợ một lần khi nghỉ việc do sắp xếp là tạo điều kiện để đối tượng tìm kiếm công việc, sớm ổn định cuộc sống; nếu quy định phải nộp trả rất khó áp dụng trên thực tế. Có nghĩa là bỏ quy định tại khoản 3 Điều 3 theo thiết kế của dự thảo nghị quyết.

Tại Tờ trình 2858 ngày 20/12/2023, Sở Nội vụ đề nghị UBND tỉnh tiếp tục trình HĐND tỉnh xem xét thông qua nghị quyết nêu trên tại Kỳ họp thứ 19 sắp tới. Giải trình về quy định việc hoàn trả kinh phí hỗ trợ tại khoản 3 Điều 3 dự thảo nghị quyết, theo Sở Nội vụ, tại điểm g, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29 ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác thực hiện chế độ chính sách tinh giản biên chế. Cụ thể quy định: “Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ thêm đối với đối tượng tinh giản biên chế”.

Ngoài ra, tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 29 của Chính phủ quy định nguyên tắc tinh giản biên chế: “Đối tượng tinh giản biên chế nếu được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 60 tháng kể từ ngày thực hiện tinh giản biên chế thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chi trả trợ cấp”.

Viện dẫn các quy định như trên, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa khẳng định: “Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 Điều 2 dự thảo nghị quyết đã hưởng chính sách hỗ trợ nếu được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 60 tháng kể từ ngày thực hiện tinh giản biên chế thì phải hoàn trả lại số tiền hỗ trợ đã nhận do cơ quan, tổ chức, đơn vị chi trả là đảm bảo thực hiện đúng quy định”.

Tránh vướng mắc trong thực hiện

Theo đề án được UBND tỉnh xây dựng làm cơ sở trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Nam tiến hành sắp xếp 2 ĐVHC cấp huyện và 10 ĐVHC cấp xã; cùng với đó, 40 cơ quan, đơn vị trực thuộc các ĐVHC cũng được sắp xếp, tổ chức lại.

UBND tỉnh cho biết, sau sắp xếp ĐVHC, số lượng cán bộ dôi dư khá lớn, với 352 người. Trong đó có 44 cán bộ, công chức ở khối đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, 70 CBCCVC thuộc UBND cấp huyện, 40 viên chức sự nghiệp y tế; 142 cán bộ, công chức cấp xã và 56 NHĐKCT cấp xã. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư vẫn còn thấp.

Bên cạnh đó, phần lớn tuổi đời của cán bộ, công chức đang còn trẻ, khung vị trí việc làm tại các xã, phòng, ban cấp huyện của các cơ quan, đơn vị, địa phương nói chung và các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc diện sắp xếp cơ bản đã bố trí đủ số lượng theo quy định.

Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc tái bố trí, sắp xếp lại cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Mặt khác, chế độ, chính sách hỗ trợ CBCCVC và NHĐKCT cấp xã khi thôi việc chưa đảm bảo cuộc sống hay bắt đầu công việc khác, đây là khó khăn trong chính sách công tác cán bộ sau sắp xếp.

Việc trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết nhằm động viên, khuyến khích và hỗ trợ đối với CBCCVC; cán bộ, công chức và NHĐKCT cấp xã tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Chia sẻ thêm về quy định “hoàn trả kinh phí hỗ trợ…” được thiết kế tại khoản 3 Điều 3 dự thảo nghị quyết, bà Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh vẫn giữ quan điểm như đã trao đổi tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh (khóa X).

Bà Hiền nói: “Đây là chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh để giải quyết cán bộ dôi dư khi sắp xếp ĐVHC theo lộ trình quy định. Cụ thể, sau sắp xếp các địa phương có thời hạn 5 năm để giải quyết dôi dư thì chính sách của tỉnh hướng đến các trường hợp đăng ký nghỉ trước thời hạn quy định (2 năm đối với CBCCVC và 1 năm đối với NHĐKCT).

Mặt khác việc quy định hoàn trả kinh phí hỗ trợ trong 60 tháng nếu được tuyển dụng lại là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tránh vướng mắc trong thực hiện”.

Chủ trì hội nghị phản biện đối với dự thảo nghị quyết này, ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, ban đầu dự thảo không có quy định. Ông Hùng đề nghị bổ sung như tại khoản 3, Điều 3 của dự thảo nghị quyết nhằm đúng theo quy định của Nghị định 29. Nếu không bổ sung thì sau này Kiểm toán sẽ xuất toán.

HÀN GIANG