Gian nan phòng chống gian lận thương mại
(QNO) - Năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, xử lý hơn 1.800 vụ việc, thu nộp ngân sách hơn 211 tỷ đồng, khởi tố hình sự 227 đối tượng... Dù vậy tình hình gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng lậu trên địa bàn tỉnh vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng.
Diễn biến phức tạp
Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lân thương mại, hàng giả năm 2023 tại cuộc họp tổng kết hoạt động Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Nam (Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam) vừa diễn ra sáng nay 27/12, ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam khẳng định, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, các hàng hóa có nhiều chuyển biến phức tạp, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Các đối tượng lợi dụng thời tiết, đặc điểm địa hình, sự sơ hở của các lực lượng chức năng tập kết hàng hóa vận chuyển hoặc thuê vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Không ít trường hợp lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để gian lận, khai báo gian dối nhằm qua mắt cơ quan hải quan trong quá trình làm thủ tục… để buôn lậu, gian lận thương mại. Nhiều vụ việc liên quan đến ma túy, tiền tệ đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Gian lận thương mại cũng diễn ra ở hầu hết địa bàn, địa phương trong tỉnh, tập trung vào các hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm các chất ma túy, pháo nổ, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, lâm sản, đường cát, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, đồ điện tử, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, hàng gia dụng...
Năm 2023, các đơn vị, lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra phát hiện, bắt giữ 1.825 vụ việc (tăng 5,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 100 vụ). Cụ thể, đã phát hiện, bắt giữ 320 vụ việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 28,89% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 130 vụ) và 1.480 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 16,96% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 215 vụ), 22 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 214,29% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 13 vụ).
Xử lý vi phạm hành chính 1.652 vụ (tăng 12,84% so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng tăng 188 vụ), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 211 tỷ đồng (giảm 43,61% so với cùng kỳ, tương ứng giảm trên 136 tỷ đồng). Khởi tố hình sự 150 vụ với 227 đối tượng.
“Phương thức thủ đoạn hoạt động của những đối tượng này là trà trộn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... với hàng hóa hợp pháp để bày bán tại các chợ, cửa hàng, hộ kinh doanh hoặc tập kết, cất giấu hàng cấm, hàng hóa vi phạm ở kho, bãi, địa điểm khác nhau, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua và thấy an toàn thì mới bán hàng. Đáng nói là lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) hoặc các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh... để trả trộn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, gian lận thuế... vào kinh doanh” - ông Tịnh dẫn giải.
Khó khăn phòng chống gian lận thương mại điện tử
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu - Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam, một số hành vi gian lận thương mại liên quan đến các hoạt động, sản phẩm như mạo danh sâm Ngọc Linh, chất lượng thuốc tân dược hay thất thu thuế trong TMĐT dù diễn ra thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý hiệu quả, triệt để… nên các cơ quan liên quan cần nghiên cứu tìm giải pháp.
Ông Nguyễn Việt Xuân - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam thừa nhận, nếu như với các sàn TMĐT đảm bảo nộp thuế đầy đủ thì việc quản lý thu thuế các hoạt động kinh doanh trên mạng khó khăn hơn rất nhiều, kể cả phối hợp với an ninh mạng, do các hoạt động đều giao dịch trên môi trường mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… Trong năm 2023, ngành thuế Quảng Nam chỉ thu được khoảng 700 triệu đồng tiền thuế từ các hoạt động thương mại, bán hàng online qua mạng.
Theo ông Lương Viết Tịnh, việc phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ việc kinh doanh, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, gian lận thuế... trên môi trường TMĐT, nhất là trên các trang mạng xã hội còn ít, chưa tương xứng với diễn biến tình hình thực tế. Nguyên nhân, do việc xác định địa điểm, nơi các đối tượng vi phạm trên môi trường mạng hết sức khó khăn bởi những chủ thể kinh doanh không cần mặt bằng, địa điểm kinh doanh, các đối tượng sử dụng không gian mạng làm “môi trường kinh doanh”, chỉ cần một khu vực chứa, lưu trữ hàng hoá như nhà riêng, thuê phòng trọ... là có thể thực hiện toàn bộ các hoạt động chào bán, nhận, chốt, gửi đơn hàng và thanh toán qua ví điện tử hoặc hình thức chuyển tiền khác.
Trong khi việc đăng ký thông tin, mở tài khoản người bán hàng trên các trang mạng xã hội có chủ thể quản lý ở nước ngoài như Facebook, Twiter, Tiktok... khá dễ dàng, các đối tượng lợi dụng để tạo, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng nhưng không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có số diện thoại giao dịch khiến việc truy xuất dữ liệu, thu thập thông tin đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn.