Sức ép cân đối ngân sách địa phương

TRỊNH DŨNG 28/12/2023 08:00

Thu, chi theo dự toán đều giảm, liệu có thể dễ dàng cân đối ngân sách địa phương?

Dự báo thu ngân sách sẽ không gia tăng nhiều dẫn đến chi cho đầu tư phát triển ngày càng hạn chế. Rất khó để cân đối ngân sách địa phương (ảnh minh họa). Ảnh: T.D
Dự báo thu ngân sách sẽ không gia tăng nhiều dẫn đến chi cho đầu tư phát triển ngày càng hạn chế. Rất khó để cân đối ngân sách địa phương (ảnh minh họa). Ảnh: T.D

Thu, chi đều giảm

Quảng Nam đã ấn định dự toán thu cân đối ngân sách địa phương năm 2024 khoảng 31.044 tỷ đồng. Con số này đã bao gồm các khoản thu bổ sung từ ngân sách trung ương (thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư chương trình mục tiêu), thu chuyển nguồn (kể cả cải cách tiền lương và nguồn tiết kiệm chi năm 2023 chuyển sang cân đối cho năm 2024).

Tổng dự toán chi ngân sách địa phương khoảng 31.368,4 tỷ đồng. Bội chi ngân sách địa phương năm 2024 không đáng kể, khi chỉ “bù” khoảng 324,8 tỷ đồng.

Số liệu này cho thấy cả thu, chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 đều thấp hơn dự toán và thực tế của năm 2023.

Theo phân tích của Sở Tài chính, dự toán thu nội địa chỉ khoảng 20.100 tỷ đồng. Số này chỉ bằng 96,35% dự toán và thực hiện năm 2023. Tuy nhiên, số thu nội địa này, địa phương chỉ được hưởng 16.815 tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán 2023, bằng 96,4% ước thực hiện năm 2023 (kể cả thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết 2.800 tỷ đồng).

Nếu loại hai khoảng này thì ngân sách địa phương chỉ được hưởng khoảng 14.015 tỷ đồng. So với dự toán năm 2023, số thu nội địa này đã giảm đến 962 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh giảm đến 1.518 tỷ đồng, nhưng ngân sách cấp huyện, xã tăng 556 tỷ đồng).

Một phân tích khác cho thấy hiện vẫn tồn tại nghịch lý không dễ tháo gỡ là trong khi chi đầu tư phát triển chỉ bằng 98,9% so dự toán năm 2023 thì chi thường xuyên không hề dừng lại, tăng 4,6% so dự toán năm 2023.

Số chi này được phân bổ tăng ở chi sự nghiệp y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ, phát thanh truyền hình, thể thao, môi trường, nhất là quản lý nhà nước về đảng, đoàn thể tăng đến 17% và chi khác đã tăng gấp 4 lần so dự toán 2023. Tuy nhiên, khoản chi này sụt giảm ở chi sự nghiệp quốc phòng, an ninh, văn hóa thông tin, đảm bảo xã hội, sự nghiệp kinh tế.

Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính nói năm 2024 dự báo chưa hết khó khăn. Nguồn tăng thu dường như không có (hoặc có cũng rất ít). Tiết kiệm chi không nhiều.

“Không có tăng thu chuyển sang mà còn giảm thu so năm trước mấy nghìn tỷ đồng, nên cân đối ngân sách địa phương chưa bao giờ khó khăn như năm 2024. Khác xa với sự cân đối ngân sách thuận lợi như năm 2023 khi nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 chuyển sang rất lớn” – ông Phong nói.

Quảng Nam phải tự cân đối ngân sách, điều tiết về trung ương (18%), nhưng phải bảo đảm các nguồn trả nợ vay, thực hiện các chính sách an sinh xã hội... Khoảng kinh phí tự đảm bảo ấy rất lớn, sẽ tạo sức ép lớn trong cân đối ngân sách địa phương thường niên. Chắc chắn áp lực điều hành, cân đối, bảo đảm thu, chi luôn là gánh nặng đè trên vai ngân sách địa phương.

Kỷ luật ngân sách

Theo ông Đặng Phong, khó nhưng không có nghĩa là không cân đối được ngân sách hay đúng hơn là sẽ bằng mọi giá để cân đối cho được. Cơ quan quản lý đã lường trước khó khăn, phòng xa nên đã tiết kiệm chi năm 2023 một khoản, chuyển sang cân đối vào ngân sách 2024. Sẽ tiếp tục rà soát, cân đối tiếp cho ngân sách, bảo đảm sẽ không cắt giảm bất kỳ khoản chi tiêu nào trong định mức đã phân bổ và được duyệt.

Ông Phong phân tích, việc phân bổ vốn đầu tư vẫn đảm bảo, chi thường xuyên cho 18 huyện, thị, sở, ngành vẫn sẽ đủ định mức, không thiếu đồng nào. An sinh xã hội dù cân đối chưa đảm bảo theo đúng như yêu cầu, nhưng ngay trong năm sẽ cân đối đủ. Việc khó khăn này chỉ là không có dư dự nguồn nhiều để có thể đầu tư mạnh mẽ, tăng chi đầu tư phát triển, sự nghiệp kinh tế hay tăng chi nhiều cho các chế độ chính sách an sinh xã hội.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức cho rằng phải thực hiện đúng kỷ luật ngân sách. Việc chi ngân sách phải bám sát, đúng dự toán, chế độ, chính sách, định mức. Kiên quyết cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Hạn chế chuyển nguồn sang năm sau.

Các địa phương có số thu đạt thấp chủ động rà soát, cắt giảm, sắp xếp nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên hợp lý, đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách đã phân bổ. Tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tăng chi đầu tư phát triển.

Giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% trong tổng chi cân đối ngân sách. Chỉ đề xuất ban hành cơ chế, chính sách mới khi đảm bảo nguồn lực tài chính, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách từng cấp.

Dễ thấy khi nền kinh tế suy giảm, địa phương thường phải đối mặt với tình thế khó khăn khi không thể tìm kiếm thêm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng do nguồn thu suy giảm.

Ngân sách khó khăn không đủ để chi thì một vấn đề cần đặt ra là tự chủ khai thác nguồn lực tài chính hợp lý, tạo động lực phát triển cân đối toàn diện, tạo sức bật cho mỗi địa phương.

Nhưng, phân bổ các khoản chi ngân sách hiệu quả, cơ cấu khoản chi thường xuyên, chuyển nguồn lực sang cho đầu tư phát triển không dễ. Bởi lẽ, để đạt được điều này, cần sự thay đổi từ những người làm chính sách vì “tăng chi dễ, giảm chi lại rất khó”.

Đứng trước ngân sách khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách bám sát tiến độ thu và bám sát dự toán chi được giao.

Cơ cấu lại chi thường xuyên trong từng lĩnh vực, đảm bảo kinh phí thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các chế độ chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, đảm bảo chi quốc phòng an ninh, hạn chế tối đa chi tiêu, tiếp khách.

Chủ động sử dụng ngân sách địa phương xử lý các trường hợp thiên tai, dịch bệnh phát sinh, sắp xếp nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng để điều hành, cắt giảm chi tiêu và sử dụng các nguồn vốn khác trong trường hợp thu không đạt dự toán.

Ngoài ra, chi tiêu ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định, tiết kiệm chống lãng phí, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát chi. Kiên quyết không giải ngân, không quyết toán những khoản chi không đúng chế độ, chính sách, không có trong dự toán.

Không để phát sinh nợ hoặc để chuyển nguồn lớn các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Nếu có nhu cầu cấp bách chi phát sinh, các ngành, địa phương phải chủ động sắp xếp từ nguồn tăng thu, bố trí lại chi tiêu và dự phòng ngân sách cấp mình.

Ngân sách tỉnh chỉ xem xét, giải quyết những khoản chi thật sự bức xúc do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, vượt quá khả năng cân đối ngân sách trong dự toán ngân sách đã giao cho từng cấp, từng ngành…

TRỊNH DŨNG