Cộng đồng nâng cao ý thức giữ rừng

HỒ QUÂN 28/12/2023 08:45

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ của chủ rừng, các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tây Giang ngày càng nâng cao nhận thức, kiến thức và xử lý tốt các vấn đề liên quan đến lâm phận quản lý.

Cán bộ quản lý địa bàn thuộc BQL rừng phòng hộ Tây Giang phối hợp với cộng đồng tuần tra rừng. Ảnh: H.Q
Cán bộ quản lý địa bàn thuộc BQL rừng phòng hộ Tây Giang phối hợp với cộng đồng tuần tra rừng. Ảnh: H.Q

Đồng hành tuần tra rừng

Cộng đồng thôn Pơ’Ning (xã Lăng, Tây Giang) nhận khoán bảo vệ rừng của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tây Giang với tổng diện tích hơn 1.800ha. Theo kế hoạch, thôn sẽ tuần tra 4 lần/tháng. Tổ tuần tra chủ yếu là thanh niên và những người có sức khỏe, am hiểu địa hình rừng núi.

Theo ông Bh’ling Phát – Trưởng thôn kiêm Trưởng BQL rừng cộng đồng thôn Pơ’Ning, cán bộ BQL rừng phòng hộ Tây Giang tham gia tuần tra cùng cộng đồng 3 lần/tháng.

Hoạt động phối hợp này ngoài việc nâng cao hiệu quả tuần tra còn giúp các thành viên trong tổ tuần tra của thôn nắm bắt các kiến thức về sử dụng các thiết bị tuần tra, ghi lại lịch sử tuần tra.

Ông Võ Viết Tân – cán bộ BQL rừng phòng hộ Tây Giang phụ trách địa bàn xã Lăng cho biết, toàn xã có 5 cộng đồng nhận khoán, với tổng diện tích là 17.000ha. Trung bình một tháng, cán bộ sẽ tham gia tuần tra 2 - 3 lần/cộng đồng, nhiệm vụ chính là phối hợp cùng tổ tuần tra đi sâu vào rừng tháo gỡ các loại bẫy thú.

Đáng chú ý, vào mùa phát đốt nương rẫy, tổ tuần tra sẽ tuần tra dọc khu vực giáp ranh giữa rừng phòng hộ và khu vực đất sản xuất người dân. Đồng thời tuyên truyền tại chỗ, giám sát việc phát, đốt nương rẫy và hướng dẫn người dân tạo đường băng cản lửa để tránh tình trạng xâm lấn rừng trái phép và xảy ra các sự cố cháy rừng.

“Kinh nghiệm của người dân bản địa kết hợp với các kiến thức của cán bộ địa bàn sẽ phát huy hiệu quả trong việc tuần tra, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Và khi không có cán bộ phối hợp, người dân vẫn biết cách tuần tra theo đúng lịch trình, xử lý thông tin về trường hợp xâm phạm rừng và tuyên truyền cho nhiều người. Nhờ đó, diện tích rừng giao khoán trên địa bàn xã Lăng luôn được bảo vệ hiệu quả” – ông Tân cho biết.

Nâng cao kiến thức về bảo vệ rừng

Hiện nay, tổng diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên lâm phận BQL rừng phòng hộ Tây Giang hơn 49.577ha, trong đó giao khoán cho 64 cộng đồng tổng diện tích hơn 37.453ha và tự bảo vệ hơn 12.124ha.

Với Khu bảo tồn loài Sao La, tổng diện tích chi trả DVMTR tại Tây Giang hơn 8.600ha, trong đó giao khoán cho 7 cộng đồng với diện tích hơn 3.350ha, còn lại tự quản lý, bảo vệ. Mỗi năm 2 chủ rừng này sẽ tạm ứng chi trả DVMTR thành 4 đợt.

Ông Phan Văn Sen – cán bộ BQL Khu bảo tồn loài Sao La cho biết, trong mỗi đợt chi trả, ngoài minh bạch thông tin về số tiền cộng đồng nhận tạm ứng, đơn giá, diện tích thì đơn vị sẽ phối hợp kiểm lâm địa bàn lồng ghép tuyên truyền về chính sách DVMTR, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn động vật hoang dã.

“Tháng 10 vừa qua, một người dân thôn Azứt, xã Bhalêê bị lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang khi đang buôn bán động vật rừng quý hiếm, nguy cấp. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu kiến thức về động vật hoang dã, các chủng loại, các hành vi bị phạt hành chính, xử lý hình sự… Nội dung nóng này chúng tôi vừa lồng ghép khi tạm ứng chi trả DVMTR đợt 3 vừa qua để người dân nâng cao nhận thức, tránh trường hợp vi phạm tương tự” – ông Sen nói.

Ông Lê Hoàng Sơn – Giám đốc BQL Khu bảo tồn loài Sao La cho biết, đơn vị luôn đa dạng hình thức tuyên truyền để phù hợp với từng cộng đồng, lứa tuổi. Đặc biệt tập trung tuyên truyền cho đội ngũ già làng, người có uy tín; phối hợp với nhà trường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về rừng và động vật hoang dã; tọa đàm với lãnh đạo các địa phương về công tác giữ rừng…

“Ý thức của cộng đồng nâng cao thể hiện rõ qua việc, trong 3 năm qua không có vụ việc xâm phạm trái phép vào rừng hay cháy rừng nào xảy ra trên lâm phận khu bảo tồn. Số bẫy thú phát hiện, tháo gỡ cũng giảm dần qua từng năm” – ông Sơn cho biết.

Còn BQL rừng phòng hộ Tây Giang định kỳ hàng quý sẽ tổ chức cuộc họp giao ban với cộng đồng nhận khoán để đánh giá tình hình hoạt động. Thông qua giao ban, chủ rừng này sẽ chỉ ra những điểm hạn chế của các cộng đồng thông qua kết quả tuần tra, bảo vệ. Đồng thời đưa các giải pháp, nhiệm vụ theo từng thời điểm cụ thể để cộng đồng quản lý, bảo vệ hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tây Giang cho biết, diện tích rừng giao khoán cho cộng đồng nhiều gấp 3 lần diện tích mà ban tự quản lý, bảo vệ. Song nhờ người dân hiểu được ý nghĩa của chính sách chi trả DVMTR nên có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy và tham gia tích cực trong các hoạt động phát triển rừng, làm giàu rừng.

HỒ QUÂN