Phụ nữ Tây Giang giúp nhau thoát nghèo

LÊ ĐĂNG GIANG 28/12/2023 10:00

Bằng các chương trình hỗ trợ sinh kế, thời gian qua, các cấp Hội LHPN ở huyện Tây Giang đã tạo điều kiện giúp hội viên phụ nữ thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng hành thoát nghèo bền vững bằng các sản vật đặc trưng của vùng.

Rất nhiều mô hình sinh kế mới được hình thành giúp phụ nữ Tây Giang thoát nghèo. Ảnh: L.Đ.G
Rất nhiều mô hình sinh kế mới được hình thành giúp phụ nữ Tây Giang thoát nghèo. Ảnh: L.Đ.G

Sau thời gian thu mua, phân phối nông sản của người dân địa phương, Alăng Thị Mí (thôn Ariing, xã A Xan, Tây Giang) trở thành “đầu mối” giúp tiêu thụ sản vật của vùng cao. Alăng Thị Mí cho biết, cơ duyên để chị hình thành mô hình này, xuất phát từ trăn trở về đầu ra cho nông sản của địa phương.

Năm 2020, khi chứng kiến người dân trồng rau củ quả nhưng không bán được giá, chị nảy ra ý tưởng thu gom toàn bộ rồi kết nối vận chuyển xuống đồng bằng.

Sau thời gian ấp ủ, Alăng Thị Mí mạnh dạn vay vốn ngân hàng theo chương trình hỗ trợ của hội viên phụ nữ để thu mua nông sản bán “thử nghiệm”, trước khi mở rộng quy mô kinh doanh như bây giờ.

“Từ thuận lợi bước đầu, tôi bắt đầu kết nối với các thương lái miền xuôi để mở rộng thị trường tiêu thụ. Các mặt hàng nông sản của người dân miền núi vừa tươi ngon, giá cả lại rẻ nên được nhiều người ưa chuộng. Việc kinh doanh này giúp thu nhập ổn định cho bản thân và cả người dân vùng biên” - Alăng Thị Mí chia sẻ.

Bà Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang cho biết, những năm gần đây, ở địa phương xuất hiện các mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ. Từ mở rộng vườn trồng nông sản, chăn nuôi heo cỏ, buôn bán tạp hóa, cho đến hình thành mô hình thu mua nông sản của cộng đồng…, đã cho nguồn thu nhập đáng kể. Điều này hoàn toàn khác so với trước đây, khi đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nương rẫy và các mô hình sinh kế dưới tán rừng nhỏ lẻ.

Tiêu biểu như Alăng Thị Mí, Coor Thị Bân (xã A Xan); Coor Thị Nghệ (xã Ga Ry); Bh’nướch Thị Blắc (xã Bha Lêê)…, bằng mô hình khởi nghiệp từ nông sản vùng cao, đã cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tiếp tục mở hướng phát triển sinh kế mới, cùng giúp nhau thoát nghèo.

Để phụ nữ vùng cao vượt qua rào cản về định kiến, giúp tự tin làm kinh tế, thoát nghèo từ tài nguyên bản địa, các cấp hội phụ nữ huyện Tây Giang đã nỗ lực tuyên truyền, định hướng các mô hình phát triển mới phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời hỗ trợ vay vốn, tập huấn cho hội viên phụ nữ có có ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, kinh doanh.

“Đến nay, rất nhiều mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp do phụ nữ làm chủ đã hình thành, từng bước phát triển mở rộng, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Tiêu biểu như mô hình dệt thổ cẩm, chăn nuôi heo cỏ, trồng dược liệu dưới tán rừng… cho thu nhập đáng kể.

Ngoài ra, rất nhiều hội viên phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong các mô hình phát triển du lịch, kết hợp kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển lớn mạnh trong cộng đồng vùng cao” - bà Nem nói.

LÊ ĐĂNG GIANG