Thực hiện cải cách hành chính: Phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các ngành, địa phương
(QNO) - Tại Quyết định 2817 ngày 25/12/2023 ban hành kèm theo kế hoạch công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn cho các ngành, địa phương.
Năm 2024, UBND tỉnh khẳng định quyết tâm tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng chính quyền liêm chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Trong 7 nội dung trọng tâm của nhiệm vụ CCHC năm 2024, về cải cách thể chế, UBND tỉnh đặt mục tiêu 100% các văn bản hướng dẫn, thi hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Đối với nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, UBND tỉnh xác định triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Phương án tổng thể về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2023 - 2025. Thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn cho các ngành, địa phương theo Nghị quyết số 57 ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh.
Về cải cách tài chính công, theo UBND tỉnh, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đúng quy định để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Trên 85% vấn đề, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách được xử lý…
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất tại kỳ họp thứ 18, liên quan đến lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, HĐND tỉnh (khóa X) đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tăng cường quán triệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ về CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC nói chung và cải thiện Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI của tỉnh nói riêng. Khẩn trương chỉ đạo, khắc phục những tiêu chí có điểm số, thứ hạng còn thấp và thực hiện quy định về công bố, công khai, niêm yết danh mục và nội dung thủ tục hành chính đảm bảo đúng theo quy định.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá CCHC, bảo đảm tính khoa học, chính xác, khách quan. Rà soát đối chiếu nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI để đề ra giải pháp khắc phục, thực hiện nhằm cải thiện điểm số, nâng cao thứ hạng từng chỉ số trong năm 2024 và những năm tiếp theo.