Những việc khó của công tác dân vận, người đứng đầu phải "ra tay"
(QNO) - Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác dân vận sáng nay 28/12, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường yêu cầu, người đứng đầu các địa phương đi đầu trong công tác dân vận, không được phó thác, phải cùng lăn lộn với chính quyền, cơ sở để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Dự hội nghị có ông Đỗ Thịnh - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP.Đà Nẵng; ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Chuyển biến dân vận chính quyền
Năm 2023, Quảng Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác dân vận các cơ quan nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân.
Đáng chú ý, trong năm, tỉnh thành lập các ban chỉ đạo, các tổ công tác để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, nhất là tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tại TP.Tam Kỳ, trong số rất nhiều sản phẩm công tác dân vận chính quyền, nổi bật là công tác tuyên truyền vận động bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư.
Ông Nguyễn Duy Ân - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ cho biết, ở các dự án trọng điểm với những trường hợp khó khăn, cản trở thực hiện dự án quá lâu, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố trực tiếp gặp gỡ người dân, trao đổi giải thích, tìm cách tháo gỡ từng trường hợp… Nhờ chú trọng dân vận, năm 2023, thành phố đã giải ngân vốn giải phóng mặt bằng hơn 280 tỷ đồng (khoảng 90 dự án).
Trong khi đó, bà Phan Thị Mỹ Tú - Phó ban Dân vận Huyện ủy Hiệp Đức cho biết: "Với những cách làm hiệu quả, công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư, đến nay huyện đã bàn giao mặt bằng 15,5/30,9km cho đơn vị thi công của dự án nâng cấp quốc lộ 14E” - bà Tú chia sẻ.
Trong năm 2023, toàn tỉnh tổ chức tiếp 13.108 lượt (tăng 4,9%)/14.731 người (tăng 11,4%) với 12.948 vụ việc (tăng 4,9%); trong đó có 37 đoàn đông người. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp tiếp nhận 9.404 đơn các loại; đã giải quyết 236/312 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 75,6%).
Không "phó thác" công tác dân vận
Tại hội nghị, đại diện Ban Dân vận Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã phát biểu ghi nhận, đánh giá những kết quả đạt được của công tác dân vận năm 2023; đồng thời gợi mở, định hướng những nội dung, giải pháp nhằm triển khai hiệu quả công tác dân vận năm 2024.
Năm 2023, tỉnh thực hiện đạt 13/16 chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 24,6 nghìn tỷ đồng (đạt 92,2% dự toán); trong đó thu nội địa ước đạt hơn 21,2 nghìn tỷ đồng (đạt 101,3% dự toán). Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội hơn 35.491 tỷ đồng, chiếm 31,4% GRDP.
Theo Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, bên cạnh kết quả, một số cấp ủy, chính quyền còn "khoán trắng" công tác dân vận; một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong công tác dân vận, nhất là khi tiếp xúc với dân, tiếp dân; chưa kịp thời nắm bắt và giải quyết thấu đáo những khó khăn, kiến nghị chính đáng của người dân.
Năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo. Đối với Quảng Nam, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu đạt thấp, một số chỉ tiêu dự báo khả năng khó hoàn thành.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị, trước hết, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích thấu đáo, kiên trì thuyết phục theo phương châm "mưa dầm thấm lâu" để nhân dân thống nhất, đồng thuận trong triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong đó cần chú trọng tuyên truyền ổn định tình hình nhân dân, nhất là ở vùng triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm nắm bắt kịp thời, chính xác tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Đồng chí Phan Việt Cường đề nghị: “Những việc khó nhất đòi hỏi dân vận thì bí thư, phó bí thư các địa phương phải ra tay làm. Các đồng chí phó thác hết cho dân vận là không được. Phải cùng làm, phải nắm, lăn lộn với cuộc sống, cùng chính quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc".
Ngoài ra, hệ thống ban dân vận cấp ủy các cấp phải chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tế để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận… Ban bân vận tỉnh, huyện phải thường xuyên đi xuống địa phương cùng lăn lội với cơ sở...
Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu
Năm 2023, công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân, doanh nghiệp đạt nhiều kết quả rõ nét. Ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thời gian đến, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác dân vận theo chức năng, nhiệm vụ được gia.
Trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trang chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính”.