Đất nghèo chuyển mình vươn lên

VĂN SỰ - VINH ANH 29/12/2023 09:45

Sáng mai 30/12, xã Quế Minh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 40 năm thành lập xã (1983 - 2023). Từng một thời là xã nghèo khó, nhờ tập trung phát huy tối đa nội lực, đến nay Quế Minh đã thực sự thay da đổi thịt...

Diện mạo nông thôn Quế Minh ngày càng khởi sắc. Ảnh: S.A
Diện mạo nông thôn Quế Minh ngày càng khởi sắc. Ảnh: S.A

Nông thôn khởi sắc

Về lại xã Quế Minh, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê một thời nghèo khó này. Những con đường nhỏ hẹp, nắng bụi - mưa bùn của ngày trước giờ đã được mở rộng, nâng cấp, đổ bê tông kiên cố và rực rỡ sắc cờ hoa nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập xã.

Ông Nguyễn Phước Tâm - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Chương trình nông thôn mới (NTM) như luồng sinh khí mới thổi vào Quế Minh. Nhờ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh được quan tâm đầu tư xây dựng nên giờ đây nhiều làng quê đã thực sự khởi sắc”.

Theo ông Tâm, những năm qua địa phương nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để thực hiện mô hình NTM. Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây (2021 - 2023), Quế Minh đã đầu tư hơn 28,7 tỷ đồng xây dựng 49 công trình thiết yếu; trong đó có 38 công trình trị giá gần 22 tỷ đồng thuộc nguồn vốn của chương trình NTM và 11 công trình trị giá hơn 6,7 tỷ đồng từ các nguồn vốn lồng ghép.

Nhờ chú trọng đầu tư, đến nay toàn bộ 7,2km đường trục xã, liên xã và 9,5km đường trục thôn, liên thôn của Quế Minh đã được bê tông hóa; 15,6km trong tổng số 20,5km đường ngõ xóm được đổ bê tông, chiếm tỷ lệ 76%.

Trạm y tế xã và cả 3 ngôi trường từ bậc mẫu giáo đến THCS trên địa bàn đều được xây dựng kiên cố và đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, trung tâm văn hóa, khu thể thao xã và nhà sinh hoạt văn hóa, khu thể thao của 4 thôn Đại Lộc, Sơn Lộc, An Lộc, Diên Lộc đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa khang trang.

Nâng cao đời sống người dân

Những ngày này, người dân Quế Minh hối hả xuống đồng triển khai gieo sạ lúa đông xuân và nhiều người kỳ vọng có thêm vụ mùa bội thu. Ông Võ Văn Sanh - cán bộ nông nghiệp xã cho biết, hiện nay mỗi vụ nông dân địa phương sản xuất khoảng 206-213ha lúa, chủ yếu nhận nguồn nước tưới từ hồ chứa Việt An và đập dâng Cấm Dơi qua hệ thống hơn 20 tuyến kênh mương nội đồng đã được bê tông hóa.

“Bên cạnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, địa phương chú trọng chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm gạo. Năm 2023 năng suất lúa bình quân của xã đạt 58-60 tạ/ha, tăng 8-10 tạ/ha so với cách đây 10 năm” - ông Sanh nói.

Nếu cây lúa chỉ giúp người dân đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ thì lĩnh vực kinh tế vườn - rừng và chăn nuôi được xem là những hướng chủ lực mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình ở Quế Minh.

Ông Nguyễn Phước Tâm cho hay, những năm qua, nhờ tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi, người dân trên địa bàn xã có điều kiện đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu. Tính đến thời điểm này, toàn xã có 158ha rừng keo lai, chủ yếu ở 2 thôn Sơn Lộc và Đại Lộc. Bình quân mỗi năm, người dân khai thác bán ra thị trường khoảng 35ha với mức giá dao động 65-80 triệu đồng/ha.

Cùng với kinh tế rừng, mô hình kinh tế vườn ở Quế Minh cũng tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ông Tâm cho hay, hiện nay cả xã có khoảng 100 khu vườn có diện tích từ 500m2 trở lên chuyên trồng các loại cây như tiêu, mít, bưởi, chuối, thanh long, ổi…

Hằng năm, trung bình mỗi mô hình cho thu nhập 40-60 triệu đồng. Trong chăn nuôi, Quế Minh đã hình thành được 2 trang trại nuôi gà thịt thương phẩm với quy mô 10.000 con/lứa; khoảng 35-40 hộ nuôi heo thịt với số lượng 10-30 con/lứa và 20-25 hộ nuôi bò lai thâm canh với số lượng 5 con trở lên.

“Những năm qua, nhờ lĩnh vực kinh tế phát triển khá nên đời sống người dân địa phương cải thiện đáng kể. Theo kết quả khảo sát mới đây, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của Quế Minh đạt 47,5 triệu đồng, tăng 17,5 triệu đồng so với cách đây 10 năm. Nếu năm 1983 - thời điểm mới thành lập xã, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm đến 60-70% thì hiện nay giảm xuống còn 6,5%, nếu trừ các trường hợp bảo trợ xã hội thì chỉ còn 0,32%” - ông Tâm nói.

VĂN SỰ - VINH ANH