Sấy dẻo dứa bản địa Hiệp Đức
(QNO) - Nhằm nâng cao giá trị thương phẩm của trái dứa (thơm) cho người dân Hiệp Đức, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (thôn Bắc An Sơn, xã Quế Thọ, Hiệp Đức) đã nghiên cứu áp dụng công nghệ sấy lạnh cho loại trái cây này. Sản phẩm nguyên chất 100%, đoạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và được công nhận chuẩn 3 sao chương trình OCOP.
Hồi sinh cây dứa bản địa
Những năm gần đây, một số cánh rừng keo của người dân ở Hiệp Đức sau khi thu hoạch đã được người dân trồng thay thế bằng các loại cây bản địa như gạo lứt, dứa, chuối...
Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) đã thuê hơn 34.000m2 đất ở xã Hiệp Thuận mà trước đây người dân trồng keo để chuyển sang trồng khoảng 15.000 cây dứa giống bản địa, đồng thời khuyến khích và liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện trồng loại cây này để tạo nguồn nguyên liệu cho chị thu mua.
"Nhiều năm trước, người dân phá bỏ các loại cây bản địa để trồng keo vì loại cây lấy gỗ này tuy thời gian chăm sóc dài nhưng ổn định và được giá. Thế nhưng gần đây, các thương lái thu mua keo bắt đầu ép giá, chi phí vận chuyển, công lao động cũng tăng nên người trồng keo không thu được bao nhiêu sau 5 - 7 năm chăm sóc. Vì vậy, chúng ta cần phải đổi cây trồng có giá trị hơn và cây dứa là một sự lựa chọn đáng lưu ý cho bà con" - chị Hằng nói.
Trước đó, khi nghiên cứu tạo ra sản phẩm từ các loại nông sản bản địa, chị Hằng đã sản xuất các sản phẩm làm từ gạo lứt như bánh gạo lứt rong biển, ngũ cốc - trà gạo lứt... Và thời gian gần đây, chị đã thành công áp dụng phương pháp sấy lạnh cho quả dứa bản địa Hiệp Đức. Sản phẩm có thể bảo quản trong thời gian dài và giữ được giá trị dinh dưỡng 100%.
[VIDEO] - Chị Hằng chia sẻ về dự án dứa sấy dẻo của mình:
Chị Hằng chia sẻ: "Trước đây, mỗi mùa thu hoạch, dứa được thương lái mua vào với giá khá rẻ bởi loại trái cây này nhanh bị hư nên người dân muốn bán nhanh. Giờ đây, khi liên kết với các hộ dân, tôi thu mua giá ổn định, bởi sản phẩm dứa sấy dẻo không có thể bảo quản lâu".
Mở rộng sản xuất
Sản phẩm dứa sấy dẻo được sản xuất tương đối đơn giản, dứa sau thi được thu mua từ vườn về được rửa sạch, qua sơ chế cắt gọt vỏ, mắt dứa và thái lát. Sau đó khử trùng qua công nghệ rửa sục khí ozone và đưa vào máy sấy lạnh. Lát dứa được sấy lạnh hơn 20 giờ đồng hồ, cô đặc dưỡng chất một cách chậm dần đều. Khi lát dứa được rút hết nước và các chất vi sinh, chị Hằng cho vào mỗi lát vào túi riêng và đóng hộp.
Ngoài thị trường Quảng Nam, sản phẩm dứa sấy dẻo hiện có mặt ở các tỉnh thành như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương...
Chị Nguyễn Thị Nga (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) - một khách hàng thường xuyên của cơ sở sản xuất thực phẩm sạch Hằng Moon cho biết: "Lát dứa không còn mọng nước như dứa tươi, nhưng khi ăn có đầy đủ các vị chua nhẹ, ngọt thanh và rất thơm. Giống dứa bản địa khu vực miền núi mà cở sở Hằng Moon thông tin trên sản phẩm giống như kiểu đồ quê, đồ rừng, không ngọt đậm như những loại sản phẩm công nghiệp khác. Tôi mời bạn bè mình dùng và ai cũng khen ngon".
Trong năm 2023, sản phẩm dứa sấy dẻo của cơ sở sản xuất thực phẩm sạch Hằng Moon đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ngoài ra, tại cuộc thi Dự án/ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam năm 2023, dự án này cũng đoạt giải Ba, vì tận dụng lợi thế địa phương, chế biến sâu nông sản nâng cao giá trị kinh tế cao.
Sản phẩm dứa sấy dẻo dựa trên ý tưởng mới, nên chị Hằng cân nhắc trong đầu tư các loại máy móc vào quy trình sản xuất. Vì vậy, sản lượng tương đối thấp, khoảng từ 500 - 700 hộp sản phẩm, tương đương với khoảng hơn 120kg, mang về doanh thu khoảng 70 triệu đồng/tháng.
"Vì vụ thu hoạch dứa trong thời gian ngắn nên áp lực sản xuất tương đối cao. Thời gian tới, trước mùa vụ thu hoạch, tôi sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống sơ chế dứa theo dây chuyền và lắp đặt thêm máy sấy lạnh, nâng cao năng suất. Ngoài ra, Hằng Moon tiếp mục mở rộng diện tích trồng dứa và liên kết với các hộ dân để chủ động nguồn nguyên liệu" - chị Hằng nói.