Đồng dao cổ tích
(VHQN) - Một vở nhạc kịch lấy cảm hứng từ đồng dao, cổ tích và các loại hình âm nhạc dân gian truyền thống, ngõ hầu khơi lại dòng chảy của âm nhạc Việt đã tạo nên hiệu ứng gắn kết, trùng phùng giữa ký ức, hiện tại...
Khi đồng dao vào nhạc kịch
Dự án “Đồng dao cổ tích” vốn khởi đi từ một nhóm những người trẻ tuổi tại Hà Nội. Quyên Trần - người khởi xướng dự án chia sẻ, cô mong rằng sẽ có một không gian mà ở đó chỉ có âm nhạc Việt, có những người lớn lên từ tiếng ru hời và cũng cho con tiếng ru để lớn, có những người vẫn luôn ngoảnh lại nhìn quá khứ bằng tự hào...
“Và ở đó có những giấc mơ được nuôi dưỡng bởi niềm tin vào tương lai được tạo dựng bởi nội lực và sự lương thiện. Khơi mở dòng chảy của văn hóa và tâm hồn Việt từ trong thế giới của cổ tích chính là thông điệp của Đồng dao cổ tích” - Quyên Trần nói.
Những đứa trẻ sinh vào khoảng cuối thế hệ 8X chúng tôi lớn lên còn mang theo trong mình ký ức luôn có hình ảnh người chị vừa dỗ em vừa nghêu ngao: “Cù cưa cút kít/ Con nít nhà ai/ Thì về nhà đó”. Và lũ bạn chạy đồng suốt cả buổi trưa vừa chơi vừa nhẩm như một trích đoạn sân khấu thời nay: “Bớ bà chủ nhà/ Ai kêu ngoài ngõ?/ Cho xin chút lửa/ Lửa tắt/ Cho xin chút giấm/ Giấm chua/ Cho xin càng cua/ Cua kẹp/ Cho xin tấm nẹp/ Nẹp gãy/ Cho xin chiếc đẫy/ Đẫy rách/ Cho xin cái xách/ Xách lủng/ Nhà bà nuôi heo chi?/ Heo lang/ Lang chi/ Lang hùm/ Hùm chi?/ Hùm thịt/ Thịt chi?/ Thịt heo!”. Nhẩm lại, mà lòng rưng rưng...
Cuộc trùng phùng giữa ký ức và hiện tại thông qua câu chuyện của âm nhạc như “Đồng dao cổ tích” làm không mới.
Nhưng điều khiến vở nhạc kịch này gây tiếng vang trong giới, chính là sự kết hợp tài tình giữa âm nhạc, chuyện cổ tích, những câu chuyện nhân sinh... để cuối cùng đồng vọng cùng khán thính giả bằng những tấm lòng luôn hướng về điều tử tế.
Yếu tố “đồng dao”, như chính tên gọi dự án, được khai thác đậm đặc để làm xương sống chủ đạo xuyên suốt vở nhạc kịch, đồng thời lồng ghép thêm tinh thần, hơi thở thời đại thông qua ca từ lẫn phối khí.
Người xem nhận ra những trò chơi con trẻ thuở nào cùng tiết tấu hò, vè độc đáo trong lời thoại của những nhân vật cổ tích từ sân khấu.
Sự kết hợp giữa chất liệu đồng dao và cổ tích trong cùng một dự án nghệ thuật đương đại đã làm cho những giá trị truyền thống trở nên sống động. Chính việc khởi đi từ giá trị sâu bền của đời sống dân gian, sẽ dễ dàng nhận được đồng cảm, dẫu người ở vùng miền nào.
Lan tỏa giá trị truyền thống
Người ở miền Nam với ký ức đồng dao cùng những trò chơi câu vè định tính khác với trò chơi câu hát của những đứa trẻ ở bờ đê sông Hồng. Bởi đó là những dị biệt vùng miền làm nên đặc tính riêng có của văn học dân gian truyền miệng. Đây cũng là điều độc đáo của đồng dao.
Những bài hát có cấu trúc tương đối thô sơ về âm luật, tuy nhiên lại đồng dạng về mặt hát và nói, rất dễ bắt chước, dễ thuộc với những tần âm hẹp, tiết tấu ngắn. Hơn hết, nó luôn là giai điệu vui, thích hợp với nhịp điệu chạy nhảy có tính bản năng hơn là nghệ thuật. Chính điều này khiến đồng dao có ở mọi nơi, là bản sắc của trẻ thơ trên khắp dải đất Việt.
Nhạc sĩ Phan Văn Minh - người đã xuất bản mấy tập “Hát từ đồng dao” cho thiếu nhi từ những năm 2000, cũng là vị nhạc sĩ xứ Quảng sử dụng điêu luyện chất liệu đồng dao trong sáng tác của mình.
Trong cuộc chuyện khá lâu, ông cho rằng, có thể từ những bãi, những trảng, những gò chăn thả - nơi những đứa trẻ tụm lại trong lúc chờ trâu ăn cỏ chẳng hạn, chính là chiếc nôi của đồng dao và những trò chơi dân gian.
“Suốt những năm tháng hồn nhiên của tuổi thơ, những khúc đồng dao như là hơi thở, là tiếng nói, là máu thịt của tuổi thơ tôi. Nhưng bây giờ, tôi còn biết tìm chúng ở nơi đâu?” - nhạc sĩ Phan Văn Minh viết.
Quảng Nam đã từng có một thời gian phát triển rất mạnh dòng nhạc dành cho thiếu nhi mượn chất liệu từ đồng dao. Tuy nhiên, từ sau khi chương trình “Tiếng hát hoa phượng đỏ” dừng lại, những sáng tác không còn đất diễn, âm nhạc thiếu nhi cũng chững lại.
Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam cho biết, vào mỗi hè, các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi lại được khởi xướng. Tuy không tập trung vào một loại hình nhất định, nhưng từ các chương trình như “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ”, “Tìm kiếm tài năng âm nhạc”, trước đó là “Liên hoan tiếng hát thiếu nhi”... cũng được các em sử dụng âm nhạc dân gian truyền thống trong tiết mục biểu diễn của mình. Tuy không đậm đặc nhưng điều này như những ngọn lửa âm ỉ và bền bỉ kéo dài đời sống của âm nhạc dân gian, trong đó có đồng dao.
Từ các trường học, đặc biệt ở những bậc mầm non và tiểu học, đồng dao gần như là thể tài được lựa chọn để sân khấu văn nghệ nhà trường trở nên rộn ràng, nhiều màu sắc hơn.
Bắt đầu là phục trang, rồi các trò chơi dân gian được sân khấu hóa, những câu vè đồng dao cất lên, những bài hát thiếu nhi sử dụng chất liệu đồng dao quen thuộc, lại khiến người chứng kiến như được trở về tuổi thơ. Để thêm lần nữa, nhận ra điều gì là máu thịt của quê xứ, bằng cách này hay cách khác, sẽ nảy mầm từ chính sức mạnh nội sinh bền vững.