[eMagazine] – Đưa hương quế bay xa…
(QNO) - Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA, và là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga... Để đưa hương quế sang các thị trường xuất khẩu thì doanh nghiệp, người dân và địa phương cần tận dụng tốt hơn các FTA, kết nối thị trường, chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA, và là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga... Để đưa hương quế sang các thị trường xuất khẩu thì doanh nghiệp, người dân và địa phương cần tận dụng tốt hơn các FTA, kết nối thị trường, chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Nam Trà My, Bắc Trà My là 2 địa phương có sản lượng quế lớn với những vườn quế trong nhân dân đang được bảo tồn nguồn gốc, khai thác để bán. Chính quyền vào cuộc giúp nhân dân phát triển vườn quế, người dân có ý thức hơn trong giữ giống quế gốc, trồng thêm quế tạo nên những rừng quế giữa đại ngàn.
Tại Bắc Trà My, quế được trồng ở nhiều xã, vùng lõi quế tập trung ở Trà Giáp, Trà Giác. Quế Trà My là cây dược liệu gắn liền với đời sống văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của người Co, Ca Dong, Xê Đăng, Bh'noong… tại vùng đất Trà My.
Diện tích quế tăng dần qua các năm chủ yếu là do nhân dân tự trồng và phát triển bên cạnh sự hỗ trợ từ chính sách, cây giống của Nhà nước. Nhu cầu và giá thành quế trên thị trường những năm gần đây tăng mạnh, tạo niềm tin trong nhân dân. Với những rừng quế từ 15 - 20 năm tuổi, người dân khai thác theo phương pháp tỉa dần, diện tích khai thác bình quân mỗi năm ước khoảng 80 - 100ha, sản lượng khoảng 180 - 200 tấn quế vỏ.
Các sản phẩm phụ như cành, lá được tận dụng và cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất tinh dầu, thân cây quế cung cấp cho các cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ, các nhà máy thu mua nguyên liệu giấy… giúp nhân dân có thêm thu nhập từ sản phẩm phụ từ cây quế.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, xuất phát từ nhu cầu cần phải bảo tồn quế Trà My, Sở KH-CN thực hiện dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Trà My cho sản phẩm quế của tỉnh Quảng Nam” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà My năm 2011 và sản phẩm vỏ quế năm 2015 với logo riêng. Từ đó giúp nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ, giá trị sản phẩm.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển cây Quế Trà My và HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 40/2017 về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025.
[VIDEO] - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói về bảo tồn và phát triển cây quế Trà My:
Cả 2 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My đều đã triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng quế. Nhờ đó, vườn ươm quế giống của các doanh nghiệp, hợp tác xã kết hợp với các vườn ươm giống cây lâm nghiệp và vườn ươm của hàng chục hộ gia đình trên địa bàn đã tạo thành hệ thống vườn ươm tại chỗ, giúp tiết kiệm được chi phí vận chuyển, bảo đảm giữ vững chất lượng cây giống.
Đây là cơ sở để xây dựng vùng nguyên liệu quế theo hướng hữu cơ, hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ hiện nay và hướng đến thực hiện việc cấp mã số vùng trồng để tham gia thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, Nam Trà My đang tiếp tục các chính sách hỗ trợ cây giống, các chương trình mục tiêu quốc gia, vận động bà con nhân dân phát triển, mở rộng vùng trồng quế. Theo kế hoạch, trên diện tích 7 xã còn lại của huyện sẽ phát triển khoảng 12.000ha quế, hình thành vùng nguyên liệu quế Trà My quy mô tập trung. Đây cũng là cơ sở cho việc đề xuất thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ của tỉnh Quảng Nam”.
[VIDEO] - Tại vùng Trà My hiện nay còn nhiều vườn quế cổ thụ của đồng bào:
Số liệu từ Bộ NN-PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu toàn cầu các sản phẩm từ cây quế mỗi năm đạt khoảng 6,5 tỷ USD, trong đó nhóm quế thô ước đạt 1 tỷ USD và nhóm hàng xuất khẩu từ tinh dầu quế đạt hơn 5,5 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều dư địa và cơ hội, nhưng sản phẩm quế Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn khi tham gia vào thị trường xuất khẩu. Đến nay, nhà nước vẫn chưa có một chính sách nào cụ thể dành riêng cho ngành quế. Hiện quế vẫn được xếp chung vào nhóm hàng gia vị và các sản phẩm cây trồng công nghiệp lâu năm.
Cạnh đó, quy mô sản xuất manh mún, bất cập trong quy hoạch vùng trồng, chưa quy hoạch đủ số lượng vùng trồng để cung cấp đủ yêu cầu và lợi ích kinh tế đối với ngành quế. Một vấn đề mấu chốt chính là chưa ứng dụng khoa học công nghệ. Hầu hết sản phẩm quế Việt Nam xuất khẩu thô, thiếu các sản phẩm tinh chế do hạn chế về công nghệ và hạn chế về vốn.
Thị trường đầu ra của cây quế khá tiềm năng, nhất là khi cây quế có nhiều tác dụng trong sản xuất và cuộc sống (sử dụng làm gia vị, hương liệu, làm thuốc chữa bệnh, để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm, sử dụng làm phân bón…).
Tuy các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến quế tập trung sản xuất hơn 50 sản phẩm từ quế như tinh dầu quế, bột gia vị, nước rửa chén, nước lau sàn, sát khuẩn, xịt đa năng, xịt phòng, dầu xoa bóp, xà phòng quế, đèn mỹ nghệ quế, các loại tranh từ vỏ quế, túi thơm quế, quế kẹp, quế vỏ cạo... nhưng thị trường chủ yếu trong nước. Với sản phẩm quế, vỏ quế hầu hết được thu mua qua thương lái và xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc, chưa có doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài.
Bà Nguyễn Thùy Linh – Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) phân tích, dư địa xuất khẩu các mặt hàng từ quế của Việt Nam rất lớn. Một số thị trường Việt Nam có thể nhắm tới gồm Mỹ và Trung Quốc. Riêng với thị trường EU, cần tập trung vào các nước Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp.
Theo bà Linh, sản phẩm từ quế có một phạm vi ứng dụng rất rộng như có thể sử dụng làm gia vị chế biến món ăn, đồ uống. Quế cúng sử dụng làm phụ gia thực phẩm, công nghiệp đồ uống, đặc biệt sử dụng trong mỹ phẩm, dược phẩm như sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Đây cũng là nhóm hàng làm gia tăng cao nhất giá trị sản phẩm từ quế.
Người trồng quế, hộ kinh doanh, sản xuất sản phẩm từ quế xưa nay chủ yếu mua bán nhỏ lẻ, chưa thể vươn tầm xuất khẩu. Gia nhập thế giới có vẻ như một khái niệm còn mơ hồ. Họ cần gì để có thể trở thành một mắt xích trong câu chuyện đưa "hương quế bay xa"?
Ông Nguyễn Văn Nam là một hộ dân trồng quế và thu mua quế tại huyện Nam Trà My. Thường xuyên gắn bó với người trồng quế nên ông Nam hiểu được tâm tư, lo lắng của họ. Theo ông Nam, những năm gần đây giá quế trên thị trường ngày càng tăng nên người dân cũng mong muốn tham gia trồng quế. Bởi họ hiểu quế không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ cuộc sống nhân dân sống dựa vào rừng. Nhưng cây quế có chu kỳ sinh trưởng lâu, ít cũng từ 15 năm trở lên, nên họ lo lắng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty Hương Quế nói ông đã dành gần như cả cuộc đời theo cây quế. Từng ngược xuôi trên các vùng quế ở Nam, Bắc Trà My, ăn ở với người dân, ông thấy rằng người dân đã gìn giữ giống quế gốc để nhân giống rất hiệu quả. Chất lượng quế Trà My rất tốt, sản phẩm của công ty ông cũng đã xuất khẩu sang các thị trường, được khách hàng tin tưởng, ưa chuộng.
Theo ông Lê Minh Thảo - Hiệp hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My, muốn gia nhập thị trường quốc tế thì doanh nghiệp cần được hỗ trợ về thủ tục, cơ chế chính sách. Hiện nay, có thể nói có cơ chế chính sách, nhưng còn rời rạc, chưa thành hệ sinh thái để tạo được đầu mối xâu chuỗi tất cả cơ chế, chính sách, nội dung.
Để đưa các sản phẩm từ quế xuất khẩu sang nước ngoài cần thương hiệu mạnh. Tuy nhiên, về chỉ dẫn địa lý hiện nay chưa có đăng ký bảo hộ ở các thị trường trọng điểm, chính vì thế mà cộng đồng doanh nghiệp mong sự hỗ trợ của các cấp ngành từ trung ương đến địa phương, cùng xây dựng chỉ dẫn địa lý để giúp nâng cao giá trị loại cây này trên thị trường quốc tế.
HTX quế Trà My Minh Phúc (Bắc Trà My) đã cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng từ chuyển giao công nghệ của các đơn vị uy tín trong và ngoài nước. Minh Phúc liên kết với hơn 30 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vùng nguyên liệu để bao tiêu sản phẩm, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ trồng và khai thác quế theo chuẩn GACP – WHO.
Xưởng sản xuất của Minh Phúc đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015, sản phẩm tinh dầu quế được công nhận OCOP 4 sao… được khách hàng đánh giá cao. Sản phẩm từ quế của Minh Phúc đang được bán tại thị trường Việt Nam và một số thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan qua nhiều kênh bán hàng khác nhau như trực tiếp tại cơ sở, bán cho khách du lịch...
Ông Phạm Minh Sỹ - đại diện HTX quế Trà My Minh Phúc chia sẻ, đơn vị được xem là mô hình hợp tác xã trẻ, khởi nghiệp với chuỗi liên kết sản xuất tuần hoàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để nâng cao thương hiệu quế. Tuy nhiên, hiện đầu ra các sản phẩm từ quế còn manh mún, chủ yếu ở thị trường trong nước, chưa tận dụng được thị trường FTA để xuất khẩu. Muốn tận dụng được các FTA, ông Sỹ mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ban, bộ ngành.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhìn nhận, mặc dù cây quế phổ biến nhiều nhất ở tỉnh Lào Cai và Yên Bái, nhưng một đặc điểm nổi trội của cây quế Trà My chính là lượng tinh dầu cao hơn so với những nơi khác. Với đặc điểm có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên quế Trà My được thị trường khá ưa chuộng và từng được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ, giá cả sụt giảm khiến nhiều diện tích cây quế bị người dân chặt bỏ. Bây giờ dù đã có bảo tồn, trồng mới, tăng diện tích nhưng thị trường xuất khẩu vẫn chưa được vực dậy. Vậy nên, việc gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm là hướng đi cần nghiên cứu, nhưng không phải vì thế bỏ qua các sản phẩm quế thô, bởi đây cũng đang là mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường rất lớn.
Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng sản phẩm nên tập trung vào các thị trường truyền thống, tiềm năng dựa trên tâm lý tiêu dùng của khách hàng sẽ đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm quế.
Cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng chính là quy hoạch vùng nguyên liệu lớn, tránh manh mún. Để hiện thực mục tiêu này trước hết phải lấy người nông dân làm trọng tâm, bởi đây là yếu tố quyết định vùng trồng. Đặc biệt, phải thành lập, củng cố được mối liên kết sản xuất giữa nhà xuất khẩu và hộ nông dân, nếu không có nhà xuất khẩu chống lưng thì không thể tập hợp kêu gọi được nông dân, HTX hình thành được vùng nguyên liệu có chất lượng đồng đều.
Để đưa sản phẩm quế ra thị trường thế giới, đầu tiên phải nâng cao chất lượng sản phẩm quế, bởi đó là giá trị cốt lõi của thương hiệu. Vì thế, bên cạnh sự đồng hành của các sở, ngành liên quan trong việc cung cấp những tài liệu thông tin để người dân, doanh nghiệp định hướng xây dựng kế hoạch, phát triển sản phẩm… thì yếu tố nguồn vốn hết sức quan trọng. Nhà nước cần bố trí nguồn tín dụng dành riêng cho cây quế, giúp mở rộng diện tích, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quế, hướng đến mục tiêu cao hơn chính là kết nối liên kết, nâng cao chuỗi giá trị thương hiệu chung cho cây quế Việt Nam vươn tầm ra thị trường thế giới.
Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương nói, tìm đầu ra cho cây quế rất khó, nhiều năm nay Quảng Nam đã loay hoay với vấn đề này. Sở đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu tiềm năng cây quế. Cùng đó, các lớp tập huấn cũng thường xuyên diễn ra nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị nắm bắt thông tin, yêu cầu kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có sản phẩm quế…
Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc do năng lực, nhân lực địa phương, doanh nghiệp còn hạn chế. Nguồn vốn doanh nghiệp yếu, khó thể đầu tư xây dựng, mở rộng nhà xưởng, đầu tư nghiên cứu phát triển chất lượng sản phẩm. Sản lượng quế hằng năm chưa cao nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Phần lớn sản phẩm từ cây quế chế biến ở dạng thô (vỏ quế), thị trường tiêu thụ hẹp, giá cả không ổn định. Chưa kể, quế được trồng ở khu vực miền núi nên việc khai thác, vận chuyển khó khăn, chi phí vận chuyển cao, ảnh hưởng đến giá cả thành phẩm, trong khi nhà nước chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người dân, hộ kinh doanh trồng chế biến cây quế.
Theo ông Hường Văn Minh, đã đến lúc phải đánh thức quế Trà My. Bên cạnh thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định, chính sách, thị trường, các đối tác thương mại về các mặt hàng nông sản cũng như mặt hàng quế đến người dân và doanh nghiệp, Sở Công Thương cũng sẽ nghiên cứu phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất chế biến quế có thể tham gia hoạt động xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng…
Đồng thời, có chính sách ưu đãi ban đầu đối với chủ nguồn giống như hỗ trợ tư vấn thiết lập hồ sơ công nhận nguồn giống, truy xuất nguồn gốc giống, hỗ trợ công tác công tác quản lý, chăm sóc, thu hoạch giống đảm bảo chất lượng nguồn giống. Kể cả, kết nối Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp/nhà phân phối tại các thị trường tiềm năng, có nhu cầu lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…