Sáng lại "những ngọn hải đăng"
“Ngọn hải đăng” ở đây được ví von như vai trò của các không gian nghệ thuật trong nền kinh tế sáng tạo, từ nhận định của các chuyên gia Hội đồng Anh (British Council). Khung cảnh nghệ thuật phong phú cho những tiếng nói đa chiều mở ra, cũng là niềm hy vọng về một xứ sở chủ động tiếp cận, dung chứa và đón nhận cái mới cho một năm mới...
Những hình dung phong phú
Bà Trương Uyên Ly - nhà nghiên cứu độc lập về không gian văn hóa sáng tạo, cho rằng những không gian tại Việt Nam thời gian qua đã giữ được sự tăng trưởng ổn định ngay cả trong đại dịch và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư để kiến tạo những không gian mới.
“Không gian TOONG co-working đã mở nhiều địa điểm tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Lào và Campuchia đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư để kiến tạo những không gian mới.
Thành công này có một phần không nhỏ nhờ các hoạt động nghệ thuật được tổ chức thường xuyên như trưng bày triển lãm nghệ thuật, các khóa học chia sẻ kỹ năng nghệ thuật cho mọi người, các buổi trao đổi trò chuyện nghệ thuật. Chính yếu tố nghệ thuật đã tạo ra cho TOONG giá trị vượt trội với bản sắc độc đáo” - bà Trương Uyên Ly nói.
Mới đây nhất, ra mắt năm 2022, Trung tâm nghệ thuật đương đại The Outpost tại Hà Nội lại là một ví dụ mới mẻ về không gian sáng tạo trẻ trung và đầy tiềm năng. The Outpost bao gồm các không gian chức năng dành cho trưng bày, sự kiện, workshop, hội trường đa năng, cửa hàng, cà phê.
Thành lập dựa trên bộ sưu tập của cá nhân nhà sưu tập Ariel Phạm (bao gồm 148 tác phẩm đa dạng chất liệu của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam và thế giới), The Outpost hướng đến trở thành bảo tàng nghệ thuật đương đại tư nhân. Chủ nhân không gian mong muốn kết nối nghệ thuật và công chúng, cũng như các cộng đồng sáng tạo khác nhau, tạo dựng nhóm khán giả nền tảng cho nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Trong những ngày cuối năm, công chúng yêu nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng lại hồ hởi với triển lãm “Trong ngọc trắng ngà” - được xem như làn gió mới cho cộng đồng yêu nghệ thuật tại Đà Nẵng bằng những tác phẩm quý hiếm của 14 danh họa đại diện cho Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 1945).
Đây cũng là sự kiện chính thức ra mắt Phù Sa Art Foundation tại không gian mở rộng của Nhà hàng Madame Lân. Mong muốn đem đến những dự án cống hiến cho công chúng trong tương lai, Madame Lân dự kiến sẽ trở thành một điểm đến văn hóa - ẩm thực mới tại TP.Đà Nẵng.
Từ khắp mọi miền đất nước, các không gian nghệ thuật, sáng tạo ngày càng trở nên đông đúc. Báo cáo từ các không gian sáng tạo Việt Nam đưa ra một con số rất phấn khởi, khi số lượng các không gian sáng tạo gia tăng cả về chất và lượng qua từng năm.
Nếu năm 2014 chỉ có 40 không gian thì ước tính đến năm 2023, con số này đã lên đến hơn 200 không gian. Bà Trương Uyên Ly cho rằng, đây là hiện tượng phát triển mới với sức mạnh và tầm ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Không chỉ vậy, mối quan tâm đến các không gian sáng tạo từ các tập đoàn hay công ty lớn cũng có chiều hướng gia tăng. Một số tập đoàn như VinGroup, SunGroup, Sovico, Flamingo Group cùng một số công ty lớn khác đã và đang xây dựng những dự án không gian sáng tạo quy mô. Ngoài ra, còn có các bảo tàng nghệ thuật tư nhân và các nhà sưu tập nghệ thuật cá nhân ở Việt Nam cũng đang vận hành theo phương thức của không gian sáng tạo...
Kết nối cộng đồng
Trong các hạng mục phát triển công nghiệp văn hóa, việc hình thành và phát triển các không gian sáng tạo là điều phải làm để đạt các mục tiêu đặt ra với ngành công nghiệp mới này. Từ tái tạo sinh khí và văn hóa mới mẻ cho địa phương đến câu chuyện tìm tòi, tái tạo và nâng cao giá trị sản phẩm bản địa, xây dựng thương hiệu... là các giá trị mà không gian sáng tạo đã hình thành.
Bà Trương Uyên Ly cho rằng, các không gian văn hóa sáng tạo ở Việt Nam đã trải qua thời kỳ đầu tự phát, bắt đầu bước sang thời kỳ hoạt động bài bản có tổ chức, hoàn toàn đủ năng lực và kinh nghiệm để hợp tác ở cấp độ thành phố, quốc gia và quốc tế nhằm tạo ra sức mạnh lớn hơn.
Điều này càng hợp lý khi tại Việt Nam, ba địa phương Hà Nội, Đà Lạt, Hội An đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong đó, Hà Nội trở thành thành phố thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian.
Chính sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Và cũng đến lúc cần thiết tạo nên một hệ sinh thái dành cho không gian sáng tạo. Các không gian nghệ thuật ở Việt Nam đang giúp người bản địa hiểu hơn về thế giới và xã hội, trong đó có một số dự án đồng thời kết nối các cộng đồng.
Kết nối cộng đồng cũng là mục tiêu cần phải hướng đến tại Hội An song song với hệ sinh thái các không gian sáng tạo. Nghệ sĩ đương đại Chinh Ba - người sáng lập CAB Hoian cho rằng, cần thiết phải xem xét đến tính đa dạng và hội nhập của 2 lĩnh vực mà Hội An định danh thành phố sáng tạo.
Yêu cầu đầu tư nhiều hơn vào con người, khởi xướng các dự án sáng tạo với cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ sức sống văn hóa. Bao gồm: mở rộng và thúc đẩy các không gian sáng tạo của phố như không gian công cộng, không gian làm việc và studio, không gian bán lẻ sáng tạo, không gian sống - làm việc tại nhà cho những người thực hành sáng tạo… được đặt ra cho Hội An trong thời gian sau này.
Tại hội nghị phát triển công nghiệp văn hóa mới đây, các nhà sáng tạo đề xuất Chính phủ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các dự án sáng tạo công tư như một cách nghiên cứu thực tế. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và chính sách, tạo lập quỹ công tư ươm mầm các dự án văn hóa sáng tạo...
Những không gian sáng tạo cởi mở ngày một nhiều hơn, như nhen lên mầm hy vọng về cách tiếp cận cùng những tiếng nói đa chiều trong nghệ thuật, để những “ngọn hải đăng” tiếp tục tỏa sáng...