Bao giờ cho đến... ngày xưa
(VHQN) - Ca khúc phỏng đồng dao dành cho thiếu nhi, từng một thời được xem là nét đặc trưng làm nên dấu ấn và “thương hiệu” của những đội thiếu nhi, trong phong trào tiếng hát thiếu nhi được tổ chức hằng năm ở Quảng Nam. Những âm vọng của đồng dao, như dòng suối mát lành tưới tắm tâm hồn trẻ thơ và cũng từ đó nhiều con chim sơn ca xứ Quảng được chắp cánh bay đi với bầu trời âm nhạc…
Những tâm hồn thơ trẻ
Khi viết bài này, tôi nhớ những nhạc sĩ đã từng một thời dành trọn tâm huyết của mình để sưu tầm, phổ nhạc đồng dao cho tuổi thơ Quảng Nam ca hát. Nhạc sĩ Trương Đình Quang luôn say đắm trong những giai điệu dân gian của đất Quảng, cho đến lúc cuối đời vẫn miệt mài thổi vào đồng dao những giai điệu ngọt ngào dành tặng cho trẻ con.
Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ - một người Hội An thuộc lớp tân nhạc của thời Dương Minh Ninh, Lưu Trọng Nguyễn… gần như dành trọn đời mình chỉ để phổ nhạc đồng dao cho tuổi thơ Hội An, Quảng Nam vui hát. Chính ông cũng tự nhận mình là một “đứa trẻ” yêu đồng dao để cùng các em đi qua biết bao mùa hoa phượng đỏ lung linh.
Tuổi thơ Hội An, ai đã một lần được đứng trên sân khấu những mùa Hội diễn Hoa phượng đỏ… hẳn sẽ không bao giờ quên được nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ với ánh mắt trong veo cùng nụ cười hồn hậu. Ông hiểu được tâm hồn các em như tờ giấy trắng nên viết những ca khúc, trong đó hầu như là phỏng đồng dao được các em đón nhận, ca hát say sưa.
Sau lớp nhạc sĩ Trương Đinh Quang, Hoàng Tú Mỹ, phong trào ca hát thiếu nhi đất Quảng lại xuất hiện một lớp nhạc sĩ, nhà thơ… kế tục câu chuyện đồng dao để làm nên những “mùa vàng” cho sân chơi ca hát tuổi thơ. Họ là Thái Nghĩa, Trương Duy Huyến, Trịnh Tuấn Khanh, Phan Văn Minh, Huỳnh Ngọc Hải, Nguyễn Huy Hùng, Lê Xuân Bá…
Mỗi nhạc sĩ tiếp cận và hòa vào sân chơi ca hát tuổi thơ bằng một cách khác nhau, thế mạnh riêng. Những đóng góp của nhà thơ Phùng Tấn Đông trong việc sưu tầm đồng dao rồi cùng nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ chỉnh lý, ký âm giai điệu làm nên nhiều bài hát để lại dấu ấn đậm nét trong lòng tuổi thơ xứ Quảng sẽ mãi là niềm tự hào của bao thế hệ thiếu nhi phố Hội.
Nhạc sĩ Phan Văn Minh không chỉ dành cho tuổi thơ Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung rất nhiều bài hát thiếu nhi đặc sắc, mà còn để tâm hồn mình bay bổng, tung tăng vui ca cùng các em thiếu nhi trong những ca khúc anh phỏng đồng dao.
Những “Họ nhà kỳ nhông”, “Con nít con nôi”, “Cút kít dùng dằng”… của anh sẽ mãi ở đó như là một bầu trời tươi đẹp có chim muông, hoa lá, có đánh trận, vui đùa, nghịch ngợm của tuổi thơ một thuở.
Viết đồng dao cho trẻ, không thể không nhắc nhạc sĩ Lê Xuân Bá, anh vừa là người dàn dựng, biên tập vừa sáng tác ca khúc cho phong trào hoa phượng đỏ. Những năm tháng ấy, bằng tình yêu tuổi thơ, Lê Xuân Bá đã viết được rất nhiều ca khúc thiếu nhi phỏng đồng dao được các em vui hát say sưa như “Hạt mưa hạt móc”, “Con chim hay hát”, “Đồng dao họ nhà cá”, “Tung ta tung tấy”, “Xu xoa xu xuýt”…
Vắng sân chơi âm nhạc thiếu nhi
Ca khúc phỏng đồng dao sống được, tồn tại và làm đẹp tâm hồn tuổi thơ chính là nhờ được cất lên, bay bổng và lan tỏa từ hoạt động ca hát của các em. Có lẽ vì vậy, suốt một thời gian dài kể từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Quảng Nam đã luôn chú tâm kiến tạo nhiều sân chơi ca hát ở quy mô khác nhau để thiếu nhi có môi trường giải trí sau giờ học. Và cũng từ đó, các nhạc sĩ có “đất” để viết ca khúc thiếu nhi, trong đó có ca khúc phỏng đồng dao.
Một trong những sân chơi ca hát tồn tại khá lâu và được thiếu nhi đón nhận như món ăn tinh thần quý giá, đó là Hội diễn Hoa phượng đỏ được tổ chức vào mùa hè hằng năm. Đã có không biết bao thế hệ thiếu nhi Quảng Nam được đắm mình trong sân chơi này.
Và, các em đã được nuôi dưỡng tâm hồn bằng giai điệu vừa hồn nhiên, tươi vui của biết bao bài hát đồng dao. Từ sân chơi ca hát này, từ giai điệu và trò chơi của đồng dao, nhiều em có năng khiếu âm nhạc được chắp cánh theo đuổi đam mê. Thế nhưng, những sân chơi ca hát như thế bây giờ gần như không còn được tổ chức.
Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải - người từng đảm nhiệm việc tổ chức sân chơi ca hát tuổi thơ, vừa trực tiếp viết ca khúc, trong đó có nhiều bài hát phỏng đồng dao như “Cái kén, con tằm”, “Ngày hội của họ nhà chim”, “Kéo cưa lừa xẻ”, “Bài hát trồng cây”, trăn trở: “Những sân chơi ca hát dành cho tuổi thơ như Hoa phượng đỏ Quảng Nam ngày càng thưa vắng dần. Các em ít có điều kiện để hòa mình vào âm nhạc, vừa vui chơi, vừa ca hát.
Đồng thời mảng ca khúc viết cho thiếu nhi cũng đang thiếu và yếu, nhất là ca khúc phỏng đồng dao. Những người làm âm nhạc như chúng tôi cần có không gian, bối cảnh, có những sân chơi như Hoa phượng đỏ để sáng tác và đưa vào sử dụng. Hãy tạo nên những mùa hè đầy bổ ích, vui tươi như chúng ta đã từng làm trước đây, góp phần bồi đắp tâm hồn trẻ thơ qua từng giai điệu”.
Tuổi thơ hôm nay đang dần mất đi không gian vui chơi, mất đi dòng suối mát lành của lời ca, giai điệu đồng dao để nuôi dưỡng tâm hồn. Thay vào đó là cơ man trò chơi điện tử và biết bao loại hình giải trí hiện đại khác. Làm sao để các em lớn lên không chỉ là thể chất mà còn tâm hồn? Để các em biết yêu quý thiên nhiên, cây cỏ, biết trân trọng những giá trị tinh thần là câu chuyện đang cần sự quan tâm từ nhiều phía.
Tôi lại lẩn thẩn một mình: bao giờ cho đến ngày xưa!