Tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm dịp tết
Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024, từ nay đến 20/3, sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cấp xã, trong đó tập trung kiểm soát các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp này...
Lo ngại thực phẩm bẩn
Nhận định bắt đầu từ nay cho đến Tết Nguyên đán, thực phẩm các loại sẽ được tiêu thụ với số lượng lớn nhất trong năm, cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả được trà trộn đưa vào thị trường, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).
Năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập 13 đoàn kiểm tra về ATTP. Đơn vị này đã tiến hành kiểm tra đối với 163 cơ sở được kiểm tra, trong đó số cơ sở có vi phạm là 47 cơ sở. Sở Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP với số cơ sở được kiểm tra là 45 cơ sở và đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 cơ sở...
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP cấp tỉnh, hiện tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế, công thương và nông - lâm - thủy sản chủ yếu ở quy mô nhỏ, hoạt động gia đình, thường xuyên dừng hoặc thay đổi địa điểm sản xuất là điều khó khăn trong công tác quản lý.
Các chợ cóc, chợ tạm nông sản phục vụ dân sinh còn nhiều, người tiêu dùng lại có thói quen tiện đâu mua đấy, ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Trong thời gian qua, từ Cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đến các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử lý nhiều cơ sở vi phạm, cũng như thu hồi, cho tiêu hủy nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc.
Các hành vi vi phạm vẫn chủ yếu là sử dụng phụ gia (hàn the) ngoài danh mục được phép trong sản xuất thực phẩm, kinh doanh hàng hóa thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Đối với các cơ sở ăn uống, lỗi vi phạm thường gặp là thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đảm bảo; chưa đảm bảo quy định của pháp luật về bảo quản thực phẩm...
Thực tế, thực phẩm tiêu thụ tại Quảng Nam phần nhiều từ các địa phương khác đổ về. Trong đó, hệ thống phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa thực phẩm tươi sống, 70% còn lại ở các chợ đầu mối và chợ truyền thống.
Tuy nhiên, sản phẩm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống gần như chưa được kiểm soát. Chưa kể, đối với các sản phẩm bánh mứt, thực phẩm dùng trong ngày tết, tình trạng hàng không đảm bảo chất lượng, không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng vẫn tràn lan.
Nhiều hộ kinh doanh tạp hóa hiện nay đã nhập các mặt hàng thực phẩm bán tết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không thể kiểm soát đầu vào bởi đa số đều là đại lý cấp 3, hàng được vận chuyển đến tận nơi.
Chị L.T.T. - chủ tạp hóa ở phường Tân Thạnh, Tam Kỳ cho biết, với các loại hạt, bánh mứt, thực phẩm dọn tết, lâu nay có một đầu mối lớn từ TP.Đà Nẵng cung cấp cho đa số đại lý lớn của Tam Kỳ. Họ đảm bảo về nguồn gốc chất lượng, tuy nhiên lại không có nhãn mác và đa số đều được vận chuyển với số lượng rất lớn.
Tăng cường các đợt kiểm tra
Cùng với việc huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn đến người dân, các đoàn kiểm tra liên ngành đồng loạt ra quân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã, từ nay đến hết ngày 20/3/2024. Đây là yêu cầu của UBND tỉnh nhằm siết chặt quản lý ATTP vào dịp trước, trong và sau tết.
Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và lễ hội xuân, như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống,... với mục đích kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm ATTP để người dân yên tâm vui xuân, đón tết.
Đối với tuyến tỉnh sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tiến hành kiểm tra tại 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hướng dẫn cơ quan chuyên môn ở cấp huyện, xã triển khai các hoạt động truyền thông, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP nhằm ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường.