Quyết liệt ngăn pháo lậu
Trong đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cùng công an các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, phát hiện hàng chục vụ vi phạm liên quan đến pháo lậu.
Cảnh báo tàng trữ pháo lậu
Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm, có ít nhất 7 vụ tàng trữ, mua bán trái phép pháo nổ bị công an phát hiện ở nhiều địa bàn. Gần đây nhất, vào tối 29/12, tổ công tác của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) phát hiện N.H.Th. (SN2001, khối phố Tứ Hà) và L.H.Tr. (SN1996, khối phố Giang Tắc, cùng phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) có hành vi tàng trữ 5 hộp pháo với tổng trọng lượng 7,9kg. Các đối tượng khai nhận loại pháo này do Thái Lan sản xuất, được mua từ mạng xã hội để bán lại kiếm lời.
UBND tỉnh kêu gọi toàn dân thực hiện cuộc vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Trong đó, vận động nhân dân tích cực phát hiện, tố giác, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép để vận động giao nộp, thu hồi hoặc đấu tranh xử lý.
Đối với thông tin liên quan pháo nổ, người dân có thể báo về cơ quan công an số điện thoại tổng đài Cảnh sát 113; đường dây nóng công an tỉnh hoặc thông qua ứng dụng VnelD, các trang Zalo, Fanpage của lực lượng công an, các hòm thư góp ý, tố giác tội phạm hoặc trực tiếp tại trụ sở công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Trước đó, vào chiều 28/12, Công an phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn) cũng bắt quả tang Đ.T.N. (SN1992, khối phố Quảng Lăng A, phường Điện Nam Trung) vận chuyển 700 viên pháo, gồm 600 viên pháo xoáy, 100 viên pháo bướm. Số pháo nổ này cũng được đặt mua từ mạng xã hội, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, vào dịp cuối năm, tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép diễn ra khá phức tạp. Các đối tượng thường liên hệ mua pháo từ mạng xã hội, sau đó mang về chia nhỏ, bán lại cho nhiều người dùng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Lợi nhuận là nguyên nhân chính khiến các đối tượng bất chấp thủ đoạn để buôn bán, vận chuyển pháo trái phép.
Một hộp pháo hoa trên mạng xã hội được các đối tượng mua chỉ khoảng 300 nghìn đồng, nếu vận chuyển trót lọt về tới nơi tiêu thụ có thể bán với giá từ 500 nghìn đồng trở lên, thậm chí cả triệu đồng. Do đó, tội phạm mua bán trái phép pháo nổ vẫn tái diễn. Có vụ việc công an phát hiện các đối tượng tàng trữ đến hơn 37kg pháo nổ trái phép.
Ngăn chặn từ xa
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiểm họa từ pháo nổ, công an các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn các đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền người dân chấp hành tốt các quy định, kịp thời giao nộp vật liệu nổ, pháo.
Trung tá Đặng Ngọc Khoa - Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang nói, nhờ làm tốt việc vận động, tuyên truyền đến từng bản làng, phát huy vai trò của người có uy tín và cộng đồng, tình hình an ninh được kiểm soát tốt, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ trái phép.
Công an huyện cũng đã xây dựng thành công mô hình đổi vũ khí, vật liệu nổ hoặc công cụ hỗ trợ để lấy sinh kế, được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa. Tại các địa bàn đồng bằng, công an vào cuộc mạnh mẽ nhằm phát hiện, đấu tranh với hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo nổ trái phép để tạo hiệu ứng răn đe.
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2023, toàn quốc đã phát hiện hơn 2.300 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu giữ hơn 40 tấn pháo. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn việc thẩm lậu pháo trái phép vào Việt Nam.
Bộ Công an cũng khuyến cáo mọi người dân tuyệt đối không tàng trữ, chế tạo, sản xuất, vận chuyển, mua bán pháo trái phép. Đồng thời chỉ đạo công an các địa phương phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép.