Nghề truyền thống loay hoay tìm thị trường dịp tết
(QNO) - Còn hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hiện nhiều hộ sản xuất sản phẩm truyền thống đang tất bật chuẩn bị hàng hoá phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sức tiêu thụ giảm, thị trường thu hẹp nên người dân có nghề truyền thống không khỏi loay hoay.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh ú tro, bánh nổ, ông Đỗ Văn Tuấn (thôn Tân Thọ, xã Duy Châu, Duy Xuyên) cho biết, trước đây khi đến độ tháng 10 âm lịch là khách hàng trên địa bàn tỉnh và Đà Nẵng đặt hàng bánh ú tro chay, bánh ú nhân đậu đen lên tới hàng chục nghìn cái. Tuy nhiên những năm gần đây, lượng đơn hàng cũng dần ít đi.
Nếu như trước đây, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, gia đình ông làm 50 bao nếp với đường, đậu… còn năm nay, ông quyết định giảm đến 70% nguyên liệu vì sợ làm bánh ra khó tiêu thụ. Giá mỗi chục bánh bán ra giao động chỉ từ 15-20 nghìn đồng, tuỳ theo kích cỡ bánh.
“Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, làng bánh Tân Thọ đang khó khăn trong việc tìm hướng tiêu thụ, không cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thị trường. Thu nhập của người dân thấp khiến nhiều người dân cảm thấy chán nản. Tội lo sẽ dần mất đi nét đặc trưng làng nghề ở địa phương” - ông Tuấn chia sẻ.
Mặt khác, giá nguyên liệu như đường, nếp, đậu đều tăng từ 5 - 10 nghìn đồng/kg, sản phẩm làm ra để bán không đủ chi phí hoặc hoà vốn, đợi kinh tế thị trường ổn định trở lại, gia đình ông sẽ cân nhắc trong sản xuất. “Nếu giá các nguyên liệu tăng cộng với thị trường đầu ra giảm như thế này không ít người dân chuyển đổi sang những việc khác” - ông Tuấn nói thêm.
Theo ông Lê Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên), hiện nay trên địa bàn xã còn các làng nghề làm bánh ú tro, bánh nổ nhưng với quy mô nhỏ lẻ. “Thời gian qua, địa phương có thành lập hội nghề nghiệp nhưng chưa thể đưa sản phẩm vào OCOP vì không có thương hiệu, tiêu chuẩn chung nên việc quảng bá gặp khó. Cạnh đó, các hộ sản xuất sản phẩm truyền thống chưa phát triển chuỗi liên kết, khó tiêu thụ sản phẩm” - ông Hưng nói.
Tương tự, các công đoạn sản xiaáy, phân phối sản phẩm tại làng chế tác trầm cảnh ở Tiên Phước cũng còn riêng lẻ. Các hộ sản xuất tự tìm đầu ra và chưa có sự thống nhất về giá cả, quy chuẩn chung cho từng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hải (thôn Mỹ Thượng Đông, xã Tiên Mỹ) - chủ cơ sở chế tác trầm cảnh cho biết, các sản phẩm trầm cảnh chỉ sản xuất theo hướng cũ, không cần nhiều đến máy móc, nên có thể không được ưa chuộng bằng những sản phẩm bắt mắt khác.
Hiện tại, sản phẩm trầm cảnh cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hà Nội và Hồ Chí Minh. Mỗi tác phẩm có giá thấp nhất từ 200 ngàn đồng đến vài triệu đồng. Tính theo ngày công lao động, mỗi lao động thu được khoảng 500 nghìn đồng/ngày.
“Phục vụ thị trường tết Nguyên đán năm 2024, tôi và nhân công đang chế tác khoảng 500 tác phẩm lớn nhỏ. Làm nghề chế tác trầm cảnh còn phụ thuộc vào thời tiết, vì mưa sẽ không phơi được sản phẩm. Cạnh đó, thị trường tiêu thụ cũng quyết định đến đầu ra của sản phẩm. So với các năm, sản lượng trầm cảnh làm ra không giảm, nhưng tiêu thụ chậm vì ở địa phương có nhiều hộ gia đình làm nghề này” - ông Hải cho hay.
Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, thời gian đến huyện sẽ tập trung phát triển nhân rộng các mô hình để phát triển các sản phẩm của làng nghề truyền thống như trầm hương, bún, bánh tráng, các sản phẩm liên quan đến trái cây…
“Tiên Phước sẽ tổ chức, hình thành lại các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, tạo ra thị trường cạnh tranh để các sản phẩm truyền thống có điều kiện tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước. Đây là lợi thế lớn của Tiên Phước trong quá trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm này. Cạnh đó, huyện sẽ tổ chức nhiều sàn giao dịch, diễn đàn để các sản phẩm tiếp cận thị trường ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập của người dân trong thời gian đến” - ông Anh thông tin.
[VIDEO] - Các làng nghề đang hoạt động để cung ứng ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.