Dân vận hiệu quả khi có trách nhiệm với dân
Năm 2023, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân.
Điểm sáng giải phóng mặt bằng
Theo ông Nguyễn Duy Ân - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ, chỉ tính trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI (2020 - 2025), Tam Kỳ đã và đang thực hiện bồi thường - giải phóng mặt bằng (GPMB) 128 dự án, với gần 3.500 hộ bị ảnh hưởng, trong đó giải tỏa trắng 509 hộ, đã phê duyệt 240 phương án bồi thường với hơn 770 tỷ đồng.
Ngoài ra, hơn 2 năm qua, thành phố đã vận động nhân dân hiến hơn 93.000m2 đất với giá trị khoảng hơn 38,6 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông liên xã, liên thôn, kiệt hẻm, nội thị.
Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 22 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, phân công người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp công dân, đối thoại với nhân dân theo quy định. Từ đầu năm đến ngày 30/11/2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp dân của tỉnh 11 buổi với 20 lượt người/16 vụ/124 người kiến nghị, phản ánh. Thường trực Tỉnh ủy tiếp nhận và xử lý 418 đơn, thư (đạt tỷ lệ 100%); bí thư cấp ủy cấp huyện tổ chức tiếp dân 80 cuộc, đối thoại 48 cuộc; bí thư đảng ủy xã tiếp dân 1.440 cuộc và đối thoại 208 cuộc.
Ông Ân cho biết: “Trong số rất nhiều sản phẩm công tác dân vận chính quyền của Tam Kỳ, nổi bật là công tác tuyên truyền vận động bồi thường, GPMB, tái định cư. Thành phố đã phát huy mô hình “dân vận khéo” từ thành phố đến cơ sở.
Trước hết, đặt vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chịu trách nhiệm cao nhất về tiến độ bồi thường - GPMB của địa phương, đơn vị mình trước Ban Thường vụ Thành ủy.
Ở các dự án trọng điểm với những trường hợp khó khăn, cản trở thực hiện dự án quá lâu, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố trực tiếp gặp gỡ người dân, trao đổi giải thích, tìm cách tháo gỡ từng trường hợp cụ thể…
Nhờ đó, nhiều vướng mắc, hạn chế ở các dự án đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời; một số công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ”.
Tại Hiệp Đức, bà Phan Thị Mỹ Tú - Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn qua địa bàn có khoảng 1.500 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, huyện đã bàn giao mặt bằng 15,5km/30,1km cho đơn vị thi công.
Dự án cầu Tân Bình và đường tránh quốc lộ 14E có 115 hộ dân bị ảnh hưởng với 16,4ha, đến nay có 111 hộ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công với 15,9ha; còn 4 hộ với 0,5ha vướng nguồn gốc đất đai, cơ quan chuyên môn đang thẩm tra, xác minh.
Tương tự, các dự án đường từ ngã ba Già Bang đến trung tâm xã Quế Lưu, dự án cụm công nghiệp Quế Thọ 2…, công tác bồi thường - GPMB cũng đạt nhiều kết quả, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án.
“Những kết quả trên có được nhờ chú trọng công tác dân vận. Mỗi công trình, dự án địa phương đều thành lập tổ tuyên truyền, vận động, trong đó chú trọng thành viên là những người có ảnh hưởng, uy tín trong cộng đồng dân cư.
Các tổ vận động theo phương châm “khéo léo, kiên trì trong vận động, linh hoạt trong cách làm” - vừa mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, vừa đảm bảo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, theo hoàn cảnh của từng hộ để phân loại nhằm tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả” - bà Tú chia sẻ.
Nâng cao trách nhiệm công vụ
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, năm 2023, Quảng Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác dân vận các cơ quan nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân.
Trong năm 2023, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Toàn tỉnh tổ chức tiếp 13.108 lượt (tăng 4,9%)/14.731 người (tăng 11,4%) với 12.948 vụ việc (tăng 4,9%); trong đó, có 37 đoàn đông người. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp tiếp nhận 9.404 đơn các loại; đã giải quyết 236/312 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 75,6%).
Trong năm, UBND tỉnh đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, nhất là Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thành lập các đoàn kiểm tra về công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số đối với 11 sở, ngành, địa phương… Công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách thủ tục hành chính trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân, doanh nghiệp đạt nhiều kết quả rõ nét.
Ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC và Chuyển đổi số tỉnh, năm 2023 Sở Nội vụ đã tích cực tham mưu ban hành khoảng 40 văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp.
Đặc biệt, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định “Không xếp hạng tốt về kết quả CCHC đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương có từ 5% hồ sơ trễ hẹn trở lên hoặc chỉ số hài lòng dưới 80%”.
“Thời gian đến, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Đồng thời triển khai công tác kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc thực hiện trách nhiệm công vụ, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp…” - ông Giang cho biết.