Một năm vui buồn với nghề biển ở Tam Quang
(QNO) - Năm 2023 đi qua, sản lượng khai thác thủy sản của Tam Quang - xã trọng điểm nghề cá của huyện Núi Thành đạt kế hoạch đề ra, tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Thế nhưng, một năm cũng gây nhiều thiệt hại, mất mát về người và tài sản cho ngư dân nơi đây.
Nghề khai thác thủy sản của xã Tam Quang đa dạng như lưới vây đêm, lưới vây ngày, câu mực khơi, lưới chuồn, câu hố, chụp mực và một số nghề đánh bắt thủy sản gần bờ, trên sông như lưới rê, lưới mực, lưới chuồn lộng, câu, lưới ghẹ, khai thác hàu…
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách nông - ngư nghiệp xã Tam Quang cho hay, năm 2023, thời tiết đầu vụ thuận lợi, các đội tàu đánh bắt thủy sản vươn khơi sớm hơn so với cùng kỳ. Vụ nam năm 2023, cá mực xuất hiện sớm hơn những năm trước, vào khoảng các tháng 6, 7, 8. Sản lượng khai thác hải sản đạt cao hơn so với năm 2022, giá cả tương đối bình ổn nên đời sống của ngư dân cũng khấm khá hơn.
Năm 2023, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản toàn xã 18.900 tấn, đạt 100% kế hoạch, chiếm gần một nửa tổng sản lượng khai thác thủy hải sản của cả huyện Núi Thành. Tổng giá trị sản lượng hải sản khai thác năm 2023 đạt gần 800 tỷ đồng. Kết quả trên là nhờ ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán phương tiện để vươn khơi. Năm 2023, thu nhập bình quân của mỗi lao động biển là 85 triệu đồng/vụ.
Năm 2023, xã Tam Quang có 371 phương tiện tàu thuyền với tổng công suất máy 136.308CV ra quân khai thác thủy sản, trong đó có 203 chiếc công suất máy từ 90CV trở lên, chiếm 54,7% tổng số tàu thuyền. Phần lớn tàu thuyền khai thác thủy sản ở Tam Quang đều được trang bị máy móc hiện đại như máy chụp, máy dò ngang, máy dò đứng, máy Icom…
Ông Huỳnh Thế Điểu - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang chia sẻ, năm 2023, ngành khai thác hải sản của Tam Quang bị thiệt hại không nhỏ. Trong năm, xã có 2 trường hợp ngư dân bị chết do gặp nạn trên biển, 8 ngư dân mất tích, 3 trường hợp ngư dân bị nước ngoài bắt, tịch thu tài sản, 46 trường hợp gặp nạn trên biển khi đang hành nghề, 2 tàu thuyền bị chìm trên biển.
Bên cạnh đó, tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, gây không ít khó khăn và làm cho ngư dân cảm thấy bất an khi tham gia sản xuất trên các vùng biển xa. Mặt khác, giá dầu tăng, giá cả đầu ra sản phẩm thủy sản không ổn định đã ảnh hưởng đến hiệu quả của các ngành nghề khai thác hải sản.
Theo ông Bùi Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang, địa phương đề nghị Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục mở lớp tập huấn phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn trên biển cho ngư dân, hướng dẫn vùng lãnh thổ, biên giới, hải phận cho ngư dân yên tâm đánh bắt trên các vùng biển xa. Các cơ quan chức năng đưa tàu tuần tra trên khu vực đánh bắt thuộc lãnh thổ Việt Nam, những vùng biển đánh bắt chung không thuộc đất nước nào để giảm bớt rủi ro khi ngư dân bị các nước bắt bớ, xua đuổi.
Đồng thời, đề nghị Chi cục Thủy sản tỉnh tham mưu xét duyệt hồ sơ hỗ trợ dầu và các khoản khác hằng năm kịp thời cho ngư dân. Cạnh đó, UBND tỉnh sớm triển khai các hạng mục công trình tại khu vực âu thuyền để tàu thuyền tránh, trú bão được an toàn và xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân tiêu thụ hải sản, sửa chữa tàu thuyền được thuận lợi. Năm 2023, Tam Quang đặt mục tiêu phấn đấu khai thác đạt 19.000 tấn hải sản.