Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Từ nhận thức đến hành động
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những quan điểm cơ bản, trọng yếu, xuyên suốt và bao trùm trong hệ thống quan điểm lý luận của Đảng, liên quan trực tiếp đến hệ tư tưởng của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Từ nhận thức...
Ngay từ khi Đảng còn chưa ra đời, năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh, “phải giữ chủ nghĩa cho vững”, “Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt” và chủ nghĩa chân chính, cách mạng, nhất là chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác - Lênin”.
Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề hệ trọng đầu tiên để giữ vững bản chất của một Đảng cách mạng chân chính, liên quan trực tiếp, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Cách đây hơn 35 năm, khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới tại Đại hội VI (1986), Đảng ta đã xác định: Đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là đổi mới có nguyên tắc, là kiên định con đường đã lựa chọn - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đảng ta nêu rõ, nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải ra sức bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh kiên quyết, phản bác sự xuyên tạc, truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống đối và phản động ở trong và ngoài nước nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta.
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” xác định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Các nhà nghiên cứu lý luận chính trị về công tác xây dựng Đảng đã chỉ ra rằng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hai mặt không tách rời của cùng một vấn đề mục tiêu: giữ vững niềm tin khoa học, tiếp tục đổi mới sáng tạo, bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của Nhân dân.
Một vấn đề lý luận cũng cần quan tâm khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó là cần nhận thức một cách đầy đủ nội hàm của khái niệm về quan điểm sai trái, quan điểm thù địch.
Quan điểm sai trái là quan điểm không đúng, khác biệt với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng…; quan điểm sai trái thường cổ xúy cho những tư tưởng, suy nghĩ, hành vi tiêu cực nhằm làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Quan điểm thù địch là những quan điểm đối lập với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xuất phát từ các thế lực cơ hội, bất mãn chính trị có mối hận thù sâu sắc với cách mạng Việt Nam, luôn tìm mọi cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Sổ tay Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phát hành năm 2022 đã đề cập, khi nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch, cũng cần phân biệt với những ý kiến khác với đường lối của Đảng.
Trong nhận thức những vấn đề liên quan đến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên không khỏi có những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng.
Có những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng hoặc chủ trương của cấp ủy đảng có thể do địa vị xã hội, lợi ích cụ thể, trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn hoặc do thiếu thông tin, hạn chế về nhận thức, từ đó có những ý kiến, cách tiếp cận khác với đường lối, quan điểm của Đảng.
Nhưng ý kiến khác cũng có thể do một số cán bộ, đảng viên có tư duy đổi mới, tầm nhìn vượt trước, những ý tưởng mới, sáng kiến mới của họ vượt khỏi giới hạn nhận thức cũ, vượt khỏi những chủ trương hiện hành khi đó, nhưng thời gian về sau lại được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn. Vì vậy, không thể quy chụp những ý kiến khác phân tích trên là những quan điểm thù địch. Có như vậy mới khuyến khích đổi mới tư duy, tìm tòi sáng tạo cái mới, đóng góp những ý tưởng mới, sáng kiến mới.
Tuy nhiên, trong khi các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các diễn đàn, nhất là mạng xã hội để tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những lời lẽ xúc phạm, thóa mạ, khiêu khích…, cán bộ, đảng viên nếu có ý kiến khác với đường lối quan điểm của Đảng có thể phản ánh lên cấp trên, cấp có thẩm quyền, có quyền bảo lưu ý kiến hoặc trình bày, thảo luận trong các hội thảo khoa học, hội nghị nội bộ mà không được tùy tiện phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng vì đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Sự phân định này là cần thiết để có thái độ đúng đắn với từng loại ý kiến, tránh thái độ cực đoan kiểu “vơ đũa cả nắm”.
... đến hành động
Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay có nhiều thuận lợi mới, song cũng có không ít khó khăn, thách thức.
Vì vậy, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng cần tiếp tục có giải pháp tuyên truyền, giáo dục, củng cố niềm tin khoa học, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trước hết, cần tăng cường công tác dự báo, nắm bắt tình hình, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội để kịp thời có các phương án xử lý những tình huống cụ thể, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn Quảng Nam.
Từng địa phương, đơn vị phải có kế hoạch cụ thể để tăng cường theo dõi, nắm chắc diễn biến trên không gian mạng, tổ chức triển khai thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, sai sự thật.
Từng cán bộ, đảng viên, nhất là những người đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan đảng, nhà nước, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và những người làm báo trên địa bàn tỉnh cần nhận thức sâu sắc rằng, những thông tin, hình ảnh xấu độc được đăng tải trên tài khoản cá nhân của mình, dù vô tình hay hữu ý thường thu hút sự chú ý, quan tâm, theo dõi của người dùng mạng xã hội, gây tác động không nhỏ đến nhận thức của họ, kéo theo những hậu quả và hệ lụy xã hội vô cùng lớn.
Cả “binh chủng tuyên truyền” của Quảng Nam qua nền tảng internet, mạng xã hội phải góp phần kiến tạo những giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ; “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”; lan tỏa những thông tin, hình ảnh tích cực, những mô hình, điển hình tiên tiến, truyền đi những thông điệp nhân văn làm cho cuộc sống quanh ta tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Đồng thời trước mỗi sự kiện, vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, thông qua các phương tiện truyền thông chính thống, các cơ quan chức năng cần cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác những thông tin cần thiết đến người dân.
Các cấp ủy thường xuyên củng cố tổ chức bộ máy và xây dựng lực lượng cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả; huy động mọi nguồn lực của hệ thống chính trị và toàn xã hội phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.