Nam Giang nỗ lực đầu tư hạ tầng
Tranh thủ nhiều nguồn vốn; nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023, huyện Nam Giang đã triển khai hàng loạt dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vượt khó
Kết nối từ quốc lộ 14D qua địa phận xã Chà Vàl, tuyến ĐH2.NG đi vào xã Zuôih bị hư hỏng, xuống cấp nặng. Nam Giang đã lồng ghép các nguồn lực để từng bước kiên cố hóa trục giao thông huyết mạch này. Riêng năm 2023, công trình khắc phục, sửa chữa hư hỏng do bão lũ của năm 2022 với tổng mức đầu tư khoảng 4,8 tỷ đồng được triển khai.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án - quỹ đất - đô thị huyện Nam Giang cho biết, đến thời điểm này, công trình thi công đạt hơn 90% và sẽ hoàn thành, đưa vào phục vụ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các tuyến ĐH3.NG và ĐH4 cũng được đầu tư kiên cố hóa để tạo thuận lợi đi lại, lưu thông hàng hóa và thực hiện nhiệm vụ quản lý, đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, việc thi công công trình ở các xã vùng cao nói chung, 3 tuyến liên xã vừa đề cập nói riêng gặp nhiều khó khăn do thời tiết thất thường. Ông Trần Thiện Hải - Giám đốc Ban Quản lý dự án - đô thị - quỹ đất huyện Nam Giang chia sẻ, đặc thù đường ở vùng cao có nhiều đoạn một bên là núi, một bên là vực sâu, nên muốn làm đường tránh tạm để thi công nền mặt đường như đồng bằng là không thể.
Nguồn cung ứng vật tư (đá, cát…) khan hiếm do mỏ vật tư trên địa bàn không có, nhiều nhà thầu đang triển khai cùng một lúc nên các mỏ lấy từ địa phương khác cung cấp không đủ. Một nhà thầu cho biết, việc cập nhật giá nguyên vật liệu, nhân công theo từng thời điểm còn chậm; đơn giá nhân công thấp hơn so với đồng bằng cũng là một bất cập, vì điều kiện sinh hoạt và chi phí ăn ở, đi lại của người lao động tại công trình miền núi khá cao…
Đầu tư đồng bộ
Ông Trần Thiện Hải cho biết, năm 2023, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án năm 2022 chuyển tiếp và năm 2023 với tổng số 79 công trình, tổng nguồn vốn đầu tư 400 tỷ đồng.
Theo đó, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là 46; đang thi công là 33. Trong đó, về giao thông, Nam Giang xây dựng 1 cầu treo, 6 cầu bê tông cốt thép và hơn 20km giao thông thôn, xã, liên thôn, liên xã, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa của nhân dân; hoàn thiện các tiêu chí hạ tầng đối với xã xây dựng nông thôn mới.
Tại xã Cà Dy, ngày 18/9/2023, các hạng mục nhà đa năng, sân nền, tường rào cổng ngõ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Cà Dy được khởi công xây dựng.
Theo thống kê, năm 2023, Nam Giang đã xây dựng 15 phòng học các cấp, 4 phòng công vụ giáo viên, 5 phòng hiệu bộ, 2 nhà đa năng, 8 phòng chức năng. Cạnh đó, hoàn thiện cơ sở vật chất của trường học như nhà ăn, nhà bếp, nhà kho, nhà vệ sinh, nhà tắm, sân chơi bãi tập với diện tích gần 3.000m2.
Tại thị trấn Thạnh Mỹ, trụ sở của Trung tâm VH-TT&TT-TH Nam Giang đang trong quá trình thi công hoàn thiện khối phòng làm việc, hội trường và các hạng mục phụ trợ khác với tổng mức khoảng 5,5 tỷ đồng. Các thiết chế văn hóa, thể thao xã và thôn phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân cũng được đầu tư.
Để giãn gần 35 hộ dân bị ảnh hưởng bởi đường điện cao thế và khu vực có nguy cơ sạt lở tại thôn Tà Đắc (xã Tà Bhing), Nam Giang đã xây dựng khu tái định cư 2,68ha, bố trí nơi ở mới cho người dân.
Huyện còn xây dựng 3 nghĩa trang nhân dân xã với diện tích khoảng 3,6ha nhằm góp phần chỉnh trang tại các xã vùng cao thực hiện nông thôn mới, đảm bảo vệ sinh môi trường. Một công trình thủy lợi được xây dựng để tưới tiêu cho các cánh đồng lúa nước, đảm bảo an ninh lương thực tại các xã Tà Bing và Đắc Tôi.
Việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hạ tầng đã đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ban Quản lý dự án - đô thị - quỹ đất huyện Nam Giang cho biết, thuận lợi là những công trình, dự án đều lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt đầu tư. Cạnh đó, những công trình nào thật sự bức thiết, huyện cử các ngành liên quan trực tiếp đi kiểm tra, xem xét tham mưu cấp thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh trong kế hoạch đầu tư trung hạn. Vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, ban giám sát cộng đồng tại cơ sở luôn được phát huy.