Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
(QNO) - Hỏi: Tôi muốn hỏi quy định về độ tuổi nghỉ việc của người lao động trong năm 2024 được tính như thế nào?
Trả lời: Năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.
Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại quy định nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại quy định nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, hiện nay mỗi năm độ tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng lên. Cụ thể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Theo đó, năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường đối với lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.
Hỏi: Bà N. làm ở doanh nghiệp, đóng BHXH được 4 năm 10 tháng và đang mang thai 5 tháng. Do sức khỏe không tốt, bà muốn xin nghỉ việc. Vậy bà có được hưởng chế độ thai sản và bảo hiểm thất nghiệp không?
Trả lời: Điều 31 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật BHXH.
Hồ sơ trường hợp lao động nữ nghỉ việc trước thời điểm sinh con:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
- Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
+ Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai. Nếu hồ sơ này không thể hiện việc nghỉ dưỡng thai thì có thêm giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.
+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.
(Mẫu biểu trên theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế).
- Sổ BHXH kèm căn cước công dân.
Cơ quan BHXH kiểm tra, đối chiếu quá trình đóng ghi trên sổ BHXH của người lao động và trả lại sổ BHXH, căn cước công dân cho người nộp.
Về trợ cấp thất nghiệp, bà N. tham khảo Điều 49 Luật Việc làm số 38/2013/QH13.
Do bà N. không cung cấp mã số BHXH và không cung cấp số điện thoại liên hệ nên BHXH tỉnh không có cơ sở tra cứu hệ thống dữ liệu để trả lời. BHXH tỉnh trích một số văn bản để bà tham khảo hoặc liên hệ cơ quan BHXH địa phương nơi bà cư trú.