Rộng mở cánh cửa dịch vụ để phát triển: Nhu cầu tất yếu và hội nhập xu thế

NGUYỄN QUANG 07/01/2024 08:00

Những năm qua, ngành dịch vụ đã chứng tỏ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng lớn về quy mô, đa dạng loại hình và còn nhiều dư địa phát triển.

Ngân hàng số của Agribank Quảng Nam vừa thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng vừa tạo động lực phát triển đa dạng dịch vụ khác. Ảnh: Q,VIỆT
Ngân hàng số của Agribank Quảng Nam vừa thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng vừa tạo động lực phát triển đa dạng dịch vụ khác. Ảnh: Q,VIỆT

Dịch vụ ngân hàng bắt kịp 4.0

Cách mạng 4.0 đang bùng nổ vừa là tiền đề vừa là hệ quả cho phát triển sâu rộng các dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng điện tử (E-banking) đang ngày càng phổ biến và được khách hàng đánh giá cao về tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

Ông Lê Đức Quang - Phó Giám đốc Agribank Quảng Nam cho biết, tổ chức tín dụng đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, bảo mật. Hạ tầng công nghệ ngân hàng được đầu tư nâng cấp, nhất là hệ thống ATM tạo xuyên suốt giao dịch, thanh toán ở các khu vực đô thị, nông thôn và miền núi Quảng Nam.

Thanh toán bằng QR code, Samsung pay, thanh toán thẻ không tiếp xúc đã tối ưu hóa tiện ích, gia tăng tính bảo mật trong giao dịch cho chủ thẻ... 

Theo ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, các tổ chức tín dụng xây dựng nền tảng đa dịch vụ giúp khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Mobile Banking và Internet Banking.

Bên cạnh đầu tư cho hệ thống máy móc, phần mềm ứng dụng, ngành ngân hàng chú trọng đầu tư cho con người có trình độ làm chủ công nghệ. Tất cả nhằm giảm thiểu thủ tục giấy tờ hành chính, thời gian đi lại, tiếp cận và sử dụng dịch vụ, làm tăng sự hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm dịch vụ, hướng đến ngân hàng hiện đại.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tinh trong năm 2023 tiếp tục phát triển tín dụng và các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại quản lý tốt chất lượng tăng trưởng, tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay và luôn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn để khôi phục, phát triển kinh tế. Đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 103.106 tỷ đồng (tăng 4,87% so với đầu năm).

Đa dạng các dịch vụ ngân hàng như cho vay đầu tư nhà ở xã hội, tín dụng chính sách, cho vay xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ 2% lãi suất... đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển dịch vụ logistics

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, phát triển dịch vụ logistics là nhiệm vụ quan trọng. Quảng Nam từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm logistics, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa, khai thác hiệu quả thị trường dịch vụ logistics, nhất là nâng cao trình độ, đạt mức tiên tiến trong khu vực.

Cảng Chu Lai - một trong các yếu tố góp phần đưa Quảng Nam trở thành trung tâm logistics khu vực. Ảnh: P.L
Cảng Chu Lai - một trong các yếu tố góp phần đưa Quảng Nam trở thành trung tâm logistics khu vực. Ảnh: P.L

Chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh ngành dịch vụ logistics ở Quảng Nam không chỉ là một lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để tỉnh bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Và trong xu thế đó, để hội nhập, Quảng Nam đã kịp nhận diện những hạn chế của ngành logistics Quảng Nam để định hướng khắc phục, như: chi phí dịch vụ logistics còn khá cao; thiếu sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của doanh nghiệp logistics còn yếu, năng lực cạnh tranh còn thấp, tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể...

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong logistics mặc dù là định hướng tạo đột phá nhưng thực tế triển khai hiện vẫn còn ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được doanh nghiệp đầu tư đúng mức vì nhiều lý do.

Trong đó, rào cản lớn là khó khăn về nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm tổ chức, quản lý. Logistics Quảng Nam mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh về vị trí, nguồn hàng nhưng chưa thực sự tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để tạo cú hích phát triển dịch vụ logistics, Quảng Nam định hướng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, chất lượng, tạo điều kiện đảm bảo an toàn giao thông cho các doanh nghiệp tham gia vận chuyển hàng hóa, sản phẩm dịch vụ kịp thời. Chủ trương của tỉnh là liên kết cơ sở hạ tầng liên vùng và biên giới để hỗ trợ phát triển kinh tế, khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở.

Quảng Nam tập trung triển khai đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn như mở rộng các quốc lộ 14D, 14E, mở rộng cầu Tam Kỳ và đường dẫn, xúc tiến đầu tư cảng biển Quảng Nam, kêu gọi đầu tư sân bay Chu Lai, mở rộng khu neo đậu tàu thuyền và kết hợp cảng cá Hồng Triều, kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại.

Từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, tỉnh ưu tiên đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch có tính kết nối vùng và các công trình phòng chống lụt bão, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tạo động lực phát triển

Quảng Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hút doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Động lực cho phát triển là chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới phương thức quản lý, quản trị hiện đại, phát huy tiềm năng, khuyến khích cải tiến lao động, nâng cao giá trị gia tăng, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cảng Chu Lai - cửa ngõ trung chuyển hàng hóa. Ảnh: P.L
Cảng Chu Lai - cửa ngõ trung chuyển hàng hóa. Ảnh: P.L

Trong bối cảnh đó, phát triển dịch vụ có vai trò quan trọng củng cố sự liên kết và tác động lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển mạnh các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao…

Tỉnh mở hướng phát triển dịch vụ cảng biển và cửa khẩu, dịch vụ vận tải biển, du lịch biển, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá để đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ. Trong xu thế mới, tăng kết nối giữa các phương thức vận tải, khuyến khích phát triển vận tải đa ngành và logistics. 

Xu thế phát triển dịch vụ hiện nay là tập trung vào các ngành có lợi thế, công nghệ cao như hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử cùng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh khác.

Quảng Nam không nằm ngoài xu thế tất yếu đó, và giải pháp là đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Nam; phát triển mạnh dịch vụ thông tin truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ; chú trọng phát triển thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu hàng hóa Quảng Nam. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối với hiệp hội và cơ quan quản lý để phát triển mạnh thị trường trong và ngoài nước.

NGUYỄN QUANG