Lực đẩy từ chuyển đổi số

VIỆT NGUYỄN 07/01/2024 08:05

Quảng Nam tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số là bệ phóng phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ thời gian đến.

Phiếu mua hàng điện tử của Co.opMart Tam Kỳ với những mệnh giá tương đương như phiếu mua hàng giấy hiển thị trực tiếp trên thiết bị di động dưới hình thức mã code sẽ giúp khách hàng thanh toán nhanh chóng. Ảnh: Q.VIỆT
Phiếu mua hàng điện tử của Co.opMart Tam Kỳ với những mệnh giá tương đương như phiếu mua hàng giấy hiển thị trực tiếp trên thiết bị di động dưới hình thức mã code sẽ giúp khách hàng thanh toán nhanh chóng. Ảnh: Q.VIỆT

Dịch vụ ngày càng số hóa

Co.opMart Tam Kỳ tạo điểm nhấn về thương mại điện tử bằng cách tích hợp trải nghiệm AI (trí tuệ nhân tạo) để thấu hiểu hành vi khách hàng, qua đó kết nối với đối tác kinh doanh, người tiêu dùng được hiệu quả hơn.

Không chỉ vậy, hợp tác chiến lược của đơn vị chủ quản Saigon Co.op với công ty khởi nghiệp UrBox về số hóa phiếu mua hàng đã giúp Co.opMart Tam Kỳ mở ra vận hội mới trong kinh doanh. Các E-Voucher (phiếu mua hàng điện tử) của Co.opMart Tam Kỳ với những mệnh giá tương đương như phiếu mua hàng giấy hiển thị trực tiếp trên thiết bị di động dưới hình thức mã QR-code sẽ giúp khách hàng thanh toán nhanh chóng, dễ dàng khi mua hàng.

Đây cũng là động thái không ngừng số hóa trong quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng của siêu thị. Tính năng tiện lợi của hình thức thương mại điện tử trên chưa dừng lại ở đó mà với cách thức này, khách hàng có thêm lựa chọn tích hợp các phiếu quà tặng để không bị lo thất lạc hay lãng quên dẫn đến phiếu hết hạn sử dụng nhưng chưa kịp mua sắm.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ nói: “Hoạt động của Co.opMart Tam Kỳ hướng đến tăng trải nghiệm cho khách hàng một cách thú vị, thuận tiện hơn cũng như đa dạng dịch vụ hệ sinh thái kết nối đồng bộ nền tảng số trong bán lẻ”.

Số hóa trong khu vực dịch vụ khá rộng khắp trên địa bàn tỉnh, trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến hiện đại như SMS Banking, Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến trên các thiết bị thông minh... để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng.

Đến nay, tổng số thẻ giao dịch ngân hàng đã phát hành còn đang hoạt động là hơn 1.606 nghìn thẻ (tăng 7,66% so với năm 2022). Toàn địa bàn hiện có 288 ATM và có 2.530 POS đang hoạt động phục vụ tiện ích cho giao dịch, thanh toán của người tiêu dùng, khách hàng.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán (đơn vị cung ứng điện, nước, dịch vụ viễn thông, trang thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng mua sắm...) thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua các kênh thanh toán trực tuyến tăng trưởng cả về số lượng và giá trị. Giao dịch thanh toán qua ATM tăng 10,7% về số lượng và tăng 15,9% về giá trị so với năm 2022.

Tương tự, giao dịch qua POS tăng 40,37% về số lượng và tăng 67,64% về giá trị. Giao dịch thanh toán qua Internet Banking, QRCode, Mobile Banking và qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt khác tăng 64,42% về số lượng và tăng 11,22% về giá trị so với năm 2022.

Ứng dụng công nghệ số

Không khó nhận ra, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng mô hình bán hàng, cung ứng dịch vụ đa kênh. Việc cập nhật, lưu thông tin, địa chỉ nhận hàng của khách hàng và hỗ trợ thanh toán online đã tạo tiện lợi, tin tưởng, gắn bó của khách hàng với doanh nghiệp.

Các cửa hàng tiện ích, cơ sở bán lẻ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng từng bước ứng dụng nền tảng số để đa dạng hóa hoạt động bán hàng. Triển khai các giải pháp số hóa đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người cung ứng và tiếp nhận dịch vụ, qua đó thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế sau giai đoạn COVID-19.

Luồng gió mới trong hoạt động dịch vụ Quảng Nam là trào lưu xây dựng website để thông tin, quảng bá, cung ứng sản phẩm dịch vụ; bán hàng hóa trên mạng internet; gắn mã QR sản phẩm; thanh toán bằng thẻ và ví điện tử; ứng dụng phần mềm bán hàng, cung ứng dịch vụ, phần mềm quản trị doanh nghiệp, phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, chữ ký số với nhiều tiện ích đã khơi thông thế mạnh hoạt động dịch vụ Quảng Nam.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngành tập trung tuyên truyền, phát triển các sản phẩm, giải pháp số hóa thương mại, dịch vụ cũng như hỗ trợ đào tạo kỹ năng chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Đó là cách để rộng mở đầu ra cho các ngành hàng xuất khẩu, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa, phân phối sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ sản xuất nông nghiệp trên các nền tảng số.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tất yếu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Quảng Nam phát triển trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Chuyển đổi số đa ngành dịch vụ đang đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ người dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng. Để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, Quảng Nam phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành mới các ngành dịch vụ trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên phát triển các loại hình dịch vụ mới có tính liên ngành.

VIỆT NGUYỄN