Cội mai xao xác lá vàng…

NGUYỄN ĐIỆN NAM 07/01/2024 08:39

“Em ơi em! Xuân đã sắp già rồi”. Đấy là cụ Nguyễn Văn Xuân từng trại thơ Xuân Diệu (em, em ơi, tình non đã già rồi), để trào tiếu về tuổi già và tiên báo sự ra đi về cõi vĩnh hằng.

Thật thế, như những cội mai trong tiết trời đông giá đã dần trút lá già, lá vàng trước xuân sang. Như ngay đầu năm mới, 1/1/2024, học giả Nguyễn Q.Thắng đã về miền mây trắng. Bay vào chốn “bồng lai tiên cảnh”, hẳn cụ Thắng sẽ lại được hội ngộ những người Quảng Nam “hay cãi” mà tài hoa rất mực, từng đóng góp lớn lao trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa.

Ở đó, người trước kẻ sau rời cõi tạm, chỉ kể sơ qua một số cội mai có thể gọi là “nhà Quảng Nam học” như Nguyễn Bội Liên (1911 - 1996), Hoàng Châu Ký (1921 - 2008), Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007), Nguyễn Q.Thắng (1939 - 2023), đều đã trổ một đời hoa dâng hiến đến tận cùng!

Khi lướt lại các trước tác của những người vừa kể, thực đáng nể khối di sản ký ức họ để lại. Và hình ảnh họ cũng mang tính cách đặc trưng mà cụ Nguyễn Q.Thắng từng khái luận rằng con người xứ Quảng ít khi thấy mình thảnh thơi mà luôn có “sự vươn lên của tâm hồn, tinh thần bất khuất, đức tính chịu khó chịu khổ, hăng hái làm việc nghĩa”.

Và với tâm thế kẻ sĩ, việc nghĩa họ luôn tâm đắc là xây đắp kiến văn và dẫn dắt thế hệ sau thừa kế di sản cha ông, học hỏi, nghiền ngẫm, phát huy tinh hoa văn hóa của tiền nhân để lại.

Ngoài những nghiên cứu đa dạng lĩnh vực, vùng miền, thì mỗi người tùy duyên tiếp cận của mình mà hình thành thế mạnh nghiên cứu riêng về xứ Quảng. Như cụ Bội Liên rành lịch sử kinh thương, nhất là cảng thị Hội An; thầy Ký rành về tuồng, biên khảo hàng chục đầu sách về nghệ thuật tuồng, đồng thời san định, nhuận sắc hàng chục vở tuồng, quy tụ những nghệ nhân tuồng nổi tiếng Quảng Nam và cả nước.

Riêng các cụ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Q.Thắng hiểu biết thâm sâu về lịch sử mở cõi Đàng Trong, về các lưu dân và danh nhân lịch sử, văn hóa, những phong trào yêu nước như Duy tân, Nghĩa hội...

Bộ toàn tập Nguyễn Văn Xuân khá đồ sộ được xuất bản năm 2020 (gồm 7 tập) có thể thành “sách gối đầu giường” cho ai muốn hiểu biết một phần di sản ký ức của người con vùng đất Dinh trấn Thanh Chiêm.

Hay như học giả Nguyễn Q.Thắng, chỉ với riêng 5 bộ sách: Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước; Quảng Nam - Đất nước và nhân vật; Huỳnh Thúc Kháng - con người và thơ văn; Tam Kỳ qua sóng phế - hưng;  Trường Xuân hương sắc, đủ để khẳng định ông là một nhà uyên bác về “Quảng Nam học”.

Điều đặc biệt của lớp người sinh trong quãng từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước được hấp thụ những nền tảng học thuật và tư tưởng có tính chất mở đường cho giao lưu, tiếp biến mạnh mẽ các giá trị Đông - Tây.

Các vị tiền bối ấy vừa kế tục kiến thức Nho học, có thể nghiên cứu tài liệu Hán – Nôm, đồng thời tiếp thu Tây học, đọc hiểu sách báo tiếng Tây, cùng năng lực tự học, tự trau dồi khá phi thường.

Hơn thế nữa, từ dư vang của tư tưởng Duy tân đến ảnh hưởng Thơ mới, Tự lực văn đoàn, đã hình thành ở các ông sự cách tân tư duy và phong cách biểu đạt hàm súc mà cũng gợi mở, phóng khoáng. Có lẽ đó là những điều mà thế hệ về sau ít nhiều hẫng hụt, nên năng lực viết và làm ra sách khó bì kịp sự đồ sộ và độ uyên thâm.

Nhưng rồi các cội mai già xao xác lá vàng và dần dà trở về đất mẹ. Một khoảng trống khó bù đắp, dù vẫn biết tre già đợi măng mai, sẽ lại có thế hệ hậu bối tiếp nối con đường nghiên cứu văn hóa.

Tuy nhiên Quảng Nam sẽ mất khá lâu để có mùa nở rộ tài hoa như lớp người trước vậy. Mà “chắc chuyện chết không bao giờ hết là nguồn cảm hứng cao cả, sâu xa” như cụ Nguyễn Văn Xuân bộc bạch trong lời tựa tập truyện “Hương máu”, bởi những di sản ký ức lúc nào đó lại bừng nở từ trang sách, trang văn thấm đẫm tình yêu xứ sở, quê hương. Có thể giống như một người Quảng tài hoa khác là Vũ Đức Sao Biển trước khi về miền xa ngái đã từng “Mơ thấy mai vàng ngõ tịch lương…”.

NGUYỄN ĐIỆN NAM