Chùa Vua - ngôi quốc tự xưa ở Chiêm Sơn
Chùa Vĩnh An, tục danh là chùa Vua, tên gọi đầy đủ là Ngự chế Vĩnh An tự hay Sắc tứ Vĩnh An tự (勅賜永安寺). Đó là ngôi quốc tự đặc biệt, ra đời cách ngày nay tròn 200 năm, gắn với hai lăng hoàng hậu triều Nguyễn.
Chùa Vua xây dựng năm nào?
Sách “Đại Nam nhất thống chí”, bản thời Tự Đức ghi: “Chùa Vĩnh An ở xã Chiêm Sơn huyện Duy Xuyên. Năm Minh Mạng thứ 14 phụng mệnh dựng chùa ở bên cạnh hai lăng Vĩnh Diễn và Vĩnh Diên, gọi là chùa Vĩnh An. Chùa là một tòa 3 gian 2 chái, ở giữa thờ Phật, hai gian tả hữu đặt vị thần ngự, có binh lính canh giữ”. Như vậy thì niên đại lập chùa Vĩnh An là năm Minh Mạng thứ 14 (1833).
Tuy nhiên, trong sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, quyển 123, mục “Chùa ở các trực tỉnh” ghi như sau: “Minh Mạng năm thứ 4 (1823), chỉ dụ: quan tỉnh Quảng Nam chọn đất tìm thợ dựng lên chùa Vĩnh An ở xã Chiêm Sơn”. Còn sách “Đại Nam thực lục chính biên”, Đệ nhị kỷ, quyển 22 thì chép sự kiện lập chùa Vĩnh An diễn ra vào tháng 8 năm Quý Mùi, Minh Mạng năm thứ 4 (1823).
“Quảng Nam tỉnh tạp biên” (A.3116/4) sao lục bức hoành ở chùa Vĩnh An xã Chiêm Sơn ghi, bức hoành “Vĩnh An tự” được lập năm Minh Mạng thứ 7 (1826); hay quả chuông của chùa Vĩnh An được đưa về làm pháp khí cho chùa Nghĩa Trủng nay cho biết có hai lần đúc chuông vào năm 1824 và năm 1873.
Như vậy, chùa Vĩnh An được hoàng đế Minh Mạng cho xây dựng vào tháng 8 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), một năm sau (1824) thì cho đúc chuông và đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826) thì lập biển chùa. Do đó, bản sao tả sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng như công trình của Viện Khảo cổ học ghi niên đại lập chùa năm 1824 là không chính xác.
Duyên do của việc lập chùa và vị trí toạ lạc
Lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn cùng các vị hoàng hậu hầu hết nằm ở vùng phụ cận kinh thành Huế. Chỉ riêng có hai tôn lăng thờ hai bà hoàng hậu là Hiếu Văn hoàng hậu và Hiếu Chiêu hoàng hậu thì nằm ở Quảng Nam. Do lăng hai bà xa kinh thành, việc phụng tự, hương hỏa của hoàng tộc không được thường xuyên, chu đáo nên rất đáng lo.
Tháng 8 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), vua Minh Mạng cho quan tỉnh Quảng Nam chọn đất tìm thợ dựng chùa Vĩnh An: “Lập mốc giới cấm địa ở hai lăng Vĩnh Diễn và Vĩnh Diên. Sai dinh thần Quảng Nam đều mở ra 4 trượng ở ngoài phía bảo thành, mà trồng cọc bằng gỗ hồng sắc để làm giới hạn, cấm nhân dân hái củi và trồng trọt. Lại hạ lệnh khoảng giữa hai lăng ấy chọn chỗ cao ráo quang đãng để dựng chùa Vĩnh An”.
Theo đó, chùa Vĩnh An là ngôi chùa được xây dựng với mục đích phụng tự hai vị hoàng hậu và cũng vì vậy mà gắn bó mật thiết với hai tôn lăng của hai bà ở địa phương.
Chùa nằm cách lăng Vĩnh Diên (lăng Trên) khoảng 1km về phía tây và cách lăng Vĩnh Diễn (lăng Dưới) 500m về phía đông. Cả 3 công trình này đều nằm trên các gò đất tương đối cao trong thung lũng Chiêm Sơn Tây, thuộc thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên hiện nay.
Theo hồi cố của các bậc lão niên trong làng, chùa Vua xưa nằm gò Chùa (gò Đồng Cốc), ở Cây Cốc xứ của làng Chiêm Sơn. Gò Đồng Cốc/gò Chùa Vua cũng là một phế tích kiến trúc Chăm. Chùa nằm trên gò, mặt xoay về hướng đông nam, nhìn về hướng lăng Vĩnh Diễn. Chính vì vậy, các nghiên cứu đều cho rằng chùa Vĩnh An được “xây dựng trên nền cũ tháp Chăm”.
Chùa Vĩnh An hiện tại không còn dấu vết gì nhưng có thể xác định được vị trí chùa xưa nằm về phía tây tự đường tộc Lê Văn và bia di tích chùa Vua hiện tại. Xa xưa, từ chùa Vua qua lại hai lăng rất gần và thông được dễ dàng bằng một trục đường đất chạy bên hông chùa theo hướng Đông - Tây.
Không gian xung quanh chùa xưa thoáng đãng, có vườn cây bao quanh, gọi là vườn Chùa. Vườn Chùa có nhiều cây da, cây chim chim. Về phía bắc, dưới chân gò có đào một cái giếng để lấy nước dùng sinh hoạt, gọi là giếng Chùa. Ngày xưa có rất ít người ở quanh đây, quá trình tụ cư lâu dần mới đông thành một xóm, gọi là xóm Chùa.
Trên trục đường bắc nam chạy từ chùa ra đến bờ nam sông Thu Bồn dài khoảng 1km còn lưu truyền địa danh bến Giá Ngự. Xa xưa, nơi đây dành cho vua và hoàng tộc ngự giá mỗi lần đến tế lễ, là nơi thuyền rồng hoặc thuyền quan cập bến để vào chùa, lăng mộ.
Nằm gần sông, lại tọa lạc trên ngọn gò cao giữa thung lũng có những ngọn núi chạy quanh bao bọc, có thể thấy, chùa Vĩnh An được đặt trong tổng thể kiến trúc cùng hai tôn lăng ở thung lũng Chiêm Sơn Tây đều là ở vị trí đắc địa, có “cảnh sắc cao vời thanh tú”, “cảnh trí thanh u tịch tĩnh”.
Vị thế của ngôi quốc tự bị lãng quên
Sắc tứ Vĩnh An tự là ngôi chùa có vị thế quan trọng trong hệ thống tự viện Phật giáo ở Quảng Nam thời Nguyễn. Chùa được hoàng đế Minh Mạng sắc cho xây dựng để thờ Phật cùng hai vị hoàng hậu nên được khá nhiều thư tịch triều Nguyễn ghi chép.
Chính duyên do trên đã khiến chùa Vĩnh An trở thành một ngôi quốc tự đặc biệt, không giống với bất cứ tự viện thông thường nào và cũng khác với những ngôi quốc tự trên cả nước do các vua triều Nguyễn lập nên.
Chùa Vĩnh An thứ hình thành năm Minh Mạng 4 (1823) đến khoảng năm 1945 - 1946 thì bị thiêu rụi, tính được khoảng hơn 120 năm tồn tại. Ngôi quốc tự này cũng đã đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển đạo pháp và dân tộc.
Chùa Vĩnh An trải qua các triều vua Nguyễn đều có các quy định chung về số ruộng đất thờ tự (tổng diện tích là 4 mẫu 8 sào 12 thước) và các ngày lễ cúng cùng cỗ cúng; việc bảo cử tăng cang trụ trì, điển lệ phụng tự; tổ chức đội lính canh coi giữ (đội thủ hộ), hoạt động tu bổ, tôn tạo (đặc biệt quy mô lớn dưới thời vua Thành Thái)… như đối với các ngôi chùa công khác trong cả nước. Các quy định cụ thể này phần nào cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của ngôi chùa này đối với triều đình.
*
* *
Chùa Vua không chỉ nằm trong phức hệ kiến trúc Chăm mà còn là ngôi quốc tự gắn liền với hai tôn lăng của hai hoàng hậu triều Nguyễn. Trong khi khảo cổ học chưa định hình được công năng của phế tích kiến trúc Chăm đã phát lộ ở đây thì lịch sử ngôi quốc tự Vĩnh An đặc biệt dưới triều Nguyễn đã rất rõ ràng. Thiết nghĩ, bia di tích chùa Vua cần được trình bày đầy đủ hơn để lưu giữ lịch sử ngôi chùa cho mai sau.