Món ăn, bài thuốc
Ẩm thực của người Việt không chỉ là những bữa cơm ngon, hợp khẩu vị mà đó còn là vị thuốc hỗ trợ trị các bệnh thông thường, tăng sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe, nhất là khi thời tiết giao mùa...
Với người Việt, từ xưa đến nay, món ăn cũng là bài thuốc mà bài thuốc cũng là món ăn. Trong quá trình tìm kiếm thức ăn, bằng kinh nghiệm của mình, người xưa tìm ra các phương thuốc chữa bệnh từ cây lá.
Ví như chữa đau bụng thì quanh bờ rào đã có mấy dây mơ lông để chế biến thành bài thuốc: lá mơ lông rửa sạch xắt nhỏ, trộn với lòng đỏ trứng gà, đánh đều rồi chưng cách thủy. Vườn nhà nào không có lá mơ thì hái chục đọt ổi ăn kèm với chút muối là bụng dạ êm ngay.
Người xưa cũng đã biết vận dụng thuyết âm dương, thuyết ngũ hành trong ăn uống để phòng chữa bệnh, cũng như dùng món ăn đi kèm với nhau cho hợp khẩu vị. Thức ăn tùy vào đặc điểm của chúng mà được phân theo từng nhóm: hàn (lạnh, hành thủy), nhiệt (nóng, hành hỏa), ôn (ấm, hành mộc), lương (mát, hành kim), bình (hành thổ). Ví dụ mùa hè nóng thuộc hành hỏa, nên dùng các loại thức ăn mát lạnh, có nước (thuộc hành thủy, âm); mùa đông lạnh thì nên ăn các loại thức ăn khô, nhiều mỡ (dương).
Câu ca của người xưa: “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng/ Con trâu khóc ngửa khóc nghiêng/ Tôi không ăn riềng, mua tỏi cho tôi” cũng thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các loại thực phẩm, gia vị. Đó là: thịt gà thì hợp với lá chanh, thịt heo thì hợp với hành (dân gian cũng có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”). Sau này các nhà khoa học mới chứng minh sự phù hợp, tương thích nói trên bằng các luận cứ khoa học hiện đại.
Với người Việt, vườn rau của mỗi gia đình, đồng thời cũng là vườn thuốc nam; ngược lại, vườn thuốc nam cũng là vườn rau, có thể thu hoạch để làm thực phẩm.
Theo sách “Thuốc ở quanh ta” (bác sĩ Lê Thân, hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện Quảng Nam) và sách “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (GS-TS. Đỗ Tất Lợi) thì hầu như loại cây lá nào trong vườn cũng là cây thuốc, nhưng ăn như thế nào để tốt nhất cho sức khỏe thì bên cạnh kinh nghiệm dân gian, cần phải được khoa học hiện đại chứng minh.
Ví dụ, theo bác sĩ Lê Thân, trong lá rau ngót có hàm lượng vitamin C rất cao (185mg%). Người cần nhiều vitamin C trong chế độ dinh dưỡng, có thể hàng ngày ăn một lượng vừa phải lá rau ngót luộc tái, uống cả nước luộc là cách bổ sung vitamin C rất tốt và cũng rất rẻ. Lá và rễ rau ngót tác dụng làm mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc; thường dùng chữa ban sởi, ho, sốt cao, bí tiểu, tưa lưỡi...
Tuy nhiên, không phải rau bồ ngót tốt cho mọi người, chẳng hạn phụ nữ đang mang thai không nên ăn uống nước rau ngót sống bởi vì theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong rau ngót chứa lượng lớn chất papaverin tác dụng hỗ trợ giảm đau, hạ huyết áp, co giãn cơ trơn của mạch máu. Khi ăn nhiều rau ngót, chất papaverin trong rau có thể gây tăng co thắt tử cung, ảnh hưởng tới thai nhi.
Ngày xưa, trừ những bệnh quá nặng phải tới nhà thương hoặc điều trị theo Đông Tây y, còn lại đều chủ yếu chữa bằng cách ăn uống. Nhớ hồi nhỏ, có lần tôi bị cảm, mẹ tôi nấu cháo thịt bò, thêm ít củ nén giã nhỏ, tiêu và không quên cho thêm lá nén vào tô.
Múc tô cháo nóng hổi, mẹ bảo, ăn như vậy mới giải cảm. Mùi nén hăng hăng hơi khó chịu với một đứa trẻ như tôi, nhưng nhờ mẹ dỗ dành, tôi ăn hết tô cháo. Mồ hôi toát ra đầm đìa.
Không biết có phải nhờ tô cháo nén của mẹ, hay nhờ mẹ hết lòng chăm bẵm mà ăn thêm vài lần như vậy thì tôi hết cảm sốt. Trong khu vườn của nhiều người, thường có mấy bụi sả, gừng, nghệ, mấy cây hương nhu, tía tô, rau tần... để khi cần dùng, chỉ cần với tay là có.
Trong cuộc đời mỗi người, có bao lần vượt qua bệnh tật, đau ốm nhờ thức ăn đồ uống. Khi thời tiết giao mùa, để giữ ấm phổi cho con, tôi đã chưng rau tần, húng quế, vỏ quýt với đường phèn… cho con uống.
Những lúc như vậy, lại nhớ mùa đông mẹ hay ép ăn rau tần, gừng..., vì bằng kinh nghiệm của mình, mẹ bảo “những thứ có vị the, ấm phòng trị ho rất tốt”. Sau này đọc sách báo, thì thấy đúng là bác sĩ khuyên, những thứ có vị the rất tốt cho phổi, tôi lại nhớ và biết ơn vô cùng vị “bác sĩ gia đình” của mình trong từng bữa ăn, vị bác sĩ mang tên “mẹ”.