Những ngã tư không đèn

TÂY BÌNH 07/01/2024 11:00

Phố nơi tôi ở có rất nhiều ngã tư không đèn. Thị dân cũng theo phố mà sống chậm ngay từ những vòng xe.

Ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Trần Hưng Đạo. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Trần Hưng Đạo. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tại TP.Tam Kỳ, khu trung tâm hành chính tỉnh bố trí thành cụm với các con đường lớn chạy ngang dọc. Là đường Nguyễn Chí Thanh cắt ngang Trần Hưng Đạo, Trưng Nữ Vương, Trần Quý Cáp, tạo nên những ngã tư không đèn.

Mười mấy năm rồi, dân phố thị đã quá quen với điều lạ ấy, để rồi hình như mỗi người đều tự nhắc lòng, chậm hơn một nhịp trên mỗi cung đường, cũng là cách sống chậm trước những dồn đuổi của công việc, cuộc sống.

Mùa nào cây lá ở các con đường ấy cũng rất đẹp. Tháng 3, bạn sẽ đi chậm hơn nữa, thậm chí phải dừng lại bởi sưa vàng níu chân. Tháng 5, bằng lăng tím ngắt đầy thơ mộng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Và tháng 10 cây trút lá cành khô đẹp đến nao lòng bởi những tàn phai.

Những ngã tư đã cũ. Những ngã tư không đèn. Những ngã tư bình lặng trong bóng thời gian. Bởi theo quy hoạch ban đầu từ khi tái lập tỉnh, xung quanh những con đường lớn này là các công sở.

Vào ban đêm, lượng người lưu thông qua khu vực này rất ít. Thế nhưng trong quá trình mở rộng đô thị, vẫn có ngã tư trong thành phố vẫn… không đèn. Chỉ riêng đường Hồ Nghinh dài khoảng một cây số nhưng có đến hai ngã tư không được lắp đặt tín hiệu giao thông: Hồ Nghinh - Lam Sơn; Hồ Nghinh - Trần Thủ Độ. Đành rằng, hạ tầng đô thị khu vực này đang trong giai đoạn khớp nối, hoàn chỉnh nhưng mật độ dân cư ở đây ngày càng cao. Tại những nút giao trên có nhiều quán cà phê, quán nhậu, người đến kẻ đi tấp nập.

Hay như tuyến đường Lê Duẩn tại điểm khớp nối với tuyến Phan Châu Trinh, ngã tư mới hình thành, lưu lượng giao thông lớn, khá phức tạp và nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Việc lắp cột đèn vàng cũng là điều cần thiết. Trước khi có được tín hiệu, biển báo giao thông, người phố thị phải tự bật cho mình một chế độ đi chậm - sống chậm.

Được biết, dự án xây dựng đô thị thông minh TP.Tam Kỳ được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 963 ngày 9/4/2021; tổng mức đầu tư 10 triệu USD.

Trong đó Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cung cấp viện trợ 9 triệu USD; ngân sách TP.Tam Kỳ đối ứng 1 triệu USD. Mục tiêu của dự án là phát triển nền tảng dữ liệu để xây dựng đô thị thông minh và áp dụng vào công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị phức hợp thông minh.

Cuối tháng 11/2023, thành phố triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát thuộc hợp phần 4 về các dịch vụ thí điểm đô thị thông minh TP.Tam Kỳ. Theo đó, thành phố triển khai 50 vị trí giám sát tại các ngã tư, trục đường chính với 250 camera có độ phân giải cao (được bố trí 5 camera/điểm) nhằm ghi nhận hoạt động tại các tuyến đường 24/24 giờ.

Việc xây dựng đô thị thông minh là lộ trình dài. Để đạt được những bước tiến lớn không thể bỏ qua các yếu tố nhỏ và chi tiết. Và những ngã tư không đèn là chi tiết cần được chú trọng.

TÂY BÌNH