Những người giữ lửa văn hóa truyền thống

ĐĂNG NGUYÊN 07/01/2024 11:30

Luôn xuất hiện ở các dịp lễ hội truyền thống, những già làng vùng cao chừng như đã quá quen với cộng đồng và du khách. Như sương núi lặng lẽ giữa ngàn, họ miệt mài hiến góp công sức cho hành trình giữ lửa văn hóa cha ông, nguồn cội...

Sản phẩm đan lát do già Bh’ling Bloó chủ công tham gia trưng bày tại hội chợ triển lãm. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Sản phẩm đan lát do già Bh’ling Bloó chủ công tham gia trưng bày tại hội chợ triển lãm. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Gần 400 già làng, người có uy tín vừa được mời tham dự buổi gặp mặt, đối thoại với lãnh đạo tỉnh mới đây, đều có dấu ấn riêng đậm nét với cộng đồng miền núi. Bằng tinh thần nêu gương, mỗi người một câu chuyện, họ như những “đại sứ” của bản làng, cùng trao niềm tin cho cộng đồng phát triển.

Vang khúc nhạc rừng

Hôm đó, một cuộc hội làng được tổ chức, già Cơlâu Nhím - người có uy tín của thị trấn Prao (Đông Giang) bước ra trước đám đông, tay cầm tù và thổi một hồi dài báo hiệu mở màn chương trình lễ hội truyền thống. Dập dìu trong vũ điệu tâng tung da dá, những thanh âm của rừng hòa nhịp vang trong sương núi, như mê hoặc ánh nhìn của du khách.

Ở Đông Giang, già Cơlâu Nhím (76 tuổi) như một “tổng đạo diễn” trong các sự kiện hội làng truyền thống. Từng là cán bộ ngành điện ảnh, già Cơlâu Nhím có kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhất là trình diễn văn hóa truyền thống miền núi.

Già Cơlâu Nhím trình diễn khèn trong ngày hội vùng cao. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Già Cơlâu Nhím trình diễn khèn trong ngày hội vùng cao. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Một hình ảnh quen thuộc, mỗi lần xuất hiện, già Cơlâu Nhím với chiếc khèn đính chuỗi hạt cườm, đầu đội mũ lông chim, réo rắt khúc nhạc núi rừng. Chiếc khèn được già Cơlâu Nhím chế tạo và theo ông suốt hành trình lưu diễn phục vụ cộng đồng, du khách.

Già Cơlâu Nhím kể, hồi nghệ nhân Atùng Vẻ còn sống, hai ông già từng đi bộ khắp bản làng vùng cao, từ Đông Giang lên Tây Giang, rồi dạt qua A Lưới (Thừa Thiên Huế). Đi đến đâu, giao lưu nhạc cụ đến đó.

Những người bạn Cơ Tu, Tà Ôi dọc miền rừng Trường Sơn Đông vì yêu mến tài năng của họ nên hết sức ủng hộ những cuộc phiêu lưu ý nghĩa, vừa chia sẻ kinh nghiệm chế tác nhạc cụ, vừa tìm hướng bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Những kiến thức đó, bây giờ, già Cơlâu Nhím dành hết tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ Cơ Tu, như một cách tri ân cộng đồng.

Lần khác, tôi gặp già Cơlâu Nhím nhân dịp địa phương chuẩn bị khánh thành gươl truyền thống. Già Nhím lúc đó cùng các nghệ nhân Cơ Tu tham gia chế tác tượng gỗ, phù điêu để trang trí gươl của làng.

Vẫn bàn tay khéo léo theo từng nhịp gõ đục điêu luyện, không lâu sau, một tác phẩm nghệ thuật “mẹ bồng con” bằng gỗ ra đời. Giữa lúc mọi người căng thẳng, già Cơlâu Nhím lấy ra từ trong chiếc tà-lec (loại gùi 3 ngăn của đàn ông) một cây đàn h’jưl, gảy lên nhịp điệu cổ vũ tinh thần.

Già Cơlâu Nhím giới thiệu nhạc cụ khèn Cơ Tu với du khách. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Già Cơlâu Nhím giới thiệu nhạc cụ khèn Cơ Tu với du khách. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Già Cơlâu Nhím nói, tất cả đồ nghề truyền thống của gia đình, từ chiếc khèn, đàn h’jưl, abel cho đến tù và cùng các loại gùi Cơ Tu, đều do một tay ông già chế tác.

“Ngày trước, chúng tôi làm chỉ để sử dụng trong công việc gia đình. Nhưng kể từ khi có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, các loại nhạc cụ, đồ vật truyền thống đó trở thành công cụ phục vụ cho mục đích lễ hội và tìm hiểu của du khách. Vì thế, những sưu tầm của tôi mang một giá trị khác nữa, là góp sức cho công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương” - già Cơlâu Nhím tâm sự.

Say mê với nhạc cụ truyền thống, lần rời núi tham dự cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh mới đây, những già làng vùng cao Đông Giang tạo cảm xúc cho người tham gia giao thông khi từ bên trong chiếc xe khách, điệu khèn, đàn h’jưl vang vọng suốt chặng đường xuống phố…

Lưu giữ tinh hoa truyền thống

Hôm trước, tôi ngồi với già Bh’ling Bloó ngay không gian làng truyền thống Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang). Già Bloó (66 tuổi) nguyên cán bộ xã, về hưu nhưng chưa chịu… “nghỉ ngơi” nên lúc nào cũng thấy bận rộn. Tỉ mẩn từng công đoạn đan lát, những tinh xảo của nghề, với ông đã trở nên quen thuộc. Điều đó dễ dàng nhận thấy ở những sản phẩm đan lát mây tre của già Bh’ling Bloó.

Già Bh'ling Bloó (bên trái) trong một sự kiện trình diễn đan lát Cơ Tu phục vụ du khách tại Hội An. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Già Bh'ling Bloó (bên trái) trong một sự kiện trình diễn đan lát Cơ Tu phục vụ du khách tại Hội An. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Người Cơ Tu vốn có đa dạng các vật dụng truyền thống, từ những chiếc gùi, giỏ đựng thóc lúa, mâm cơm, khay trà, cho đến nong nia, hộp đựng trang sức… Tất cả, được đan thủ công bằng nguyên liệu mây tre, rất tỉ mỉ. Vì thế, đàn ông Cơ Tu thường chọn các sản phẩm tự tay mình đan đẹp nhất, để dành tặng cha mẹ vợ hoặc biếu người thân quý trong sự kiện trọng đại và ý nghĩa.

“Với nghề này, phải chịu khó và kiên trì thì mới làm được. Ví dụ như chiếc gùi 3 ngăn của đàn ông, người Cơ Tu gọi là tà-lec, muốn đan thành cũng phải mất công sức hơn 1 tháng trời.

Hay chiếc hộp đựng trang sức, bình ché, khay trà… không chỉ yêu cầu kỹ thuật cao, mà đòi hỏi sự tỉ mỉ của nghệ nhân khi đan sản phẩm. Bởi vậy, chúng tôi hay nói vui rằng, đây là nghề lưu giữ tinh hoa truyền thống của cộng đồng” - già Bh’ling Bloó chia sẻ.

Bắt đầu làm quen với nghề đan lát từ nhỏ, đến khi lấy vợ, già Bh’ling Bloó nói ông có trong tay hàng chục chiếc gùi lớn nhỏ. Gần như, ông có thể đan bất kỳ vật dụng nào cần thiết trong gia đình.

Vài năm trở lại đây, từ chương trình, dự án hỗ trợ của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft), già Bh’ling Bloó mở rộng quy mô đan lát, chú trọng hình thành các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo tính thẩm mỹ theo hướng phục hồi nguyên giá trị đan lát truyền thống.

Năm 2020, già Bh’ling Bloó từng góp mặt trong chương trình “Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu” đến với người dân và du khách Hà Nội. Một năm sau, già được chọn dự thi đan lát và đoạt giải ba cuộc thi do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Mất rất nhiều thời gian cho hành trình lưu giữ giá trị của nghề, vài năm trở lại đây, già Bh’ling Bloó tham gia truyền dạy đan lát truyền thống cho lớp trẻ Cơ Tu tại địa phương.

Sự nhiệt huyết của ông, giúp ngày càng có thêm nhiều người trẻ thành thạo với nghề, tạo ra các sản phẩm độc đáo phục vụ thị trường lân cận. Không quá chú trọng vào thu nhập, các sản phẩm đan lát của già Bh’ling Bloó thể hiện giá trị văn hóa độc đáo, mang dấu ấn của nghệ thuật đan lát tinh xảo và đầy sáng tạo của đồng bào Cơ Tu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Đỗ Hữu Tùng cho biết, thời gian qua, địa phương tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án như Trường Sơn Xanh, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam… để hỗ trợ, khôi phục nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Đồng thời triển khai khôi phục các tổ hợp tác đan lát tại cộng đồng; thúc đẩy tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm thị trường cho sản phẩm… tạo thu nhập ổn định cho người dân miền núi.

“Chúng tôi xác định việc gìn giữ nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Trên cơ sở khôi phục làng nghề truyền thống, sự góp sức từ phía cộng đồng, đặc biệt là các nghệ nhân như Bh’ling Bloó, Alăng Phương… giúp bảo tồn và phát triển tinh hoa nghệ thuật đan lát Cơ Tu trước nguy cơ mai một” - ông Tùng nói.

ĐĂNG NGUYÊN