Cục Thuế Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
(QNO) - Cục Thuế Quảng Nam vừa đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ một số giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và tăng thu ngân sách.
Cụ thể là đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2024; tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) một số nhóm mặt hàng có thuế suất 10% từ 1/7/2024 đến hết năm 2024; giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 đối với hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.
Cục Thuế Quảng Nam đề nghị sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT dự án đầu tư theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp thực hiện; trong đó cần quy định cụ thế đối với hoàn thuế GTGT dự án đầu tư mở rộng.
Đồng thời đưa một số nhóm mặt hàng như phân bón, tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ phục vụ nông nghiệp,... vào đối tượng chịu thuế GTGT, thuế suất 5% để giảm chi phí thuế trong giá thành sản phẩm.
Cục Thuế Quảng Nam đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này đem lại hiệu quả trong các năm qua. Chẳng hạn, năm 2023, thời điểm chưa có chính sách này, sản lượng ô tô du lịch tiêu thụ bình quân 3.000 xe/tháng, thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh bình quân 390 tỷ đồng/tháng; kể từ khi có chính sách, sản lượng ô tô tiêu thụ bình quân hơn 5.500 xe/tháng, thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh bình quân 880 tỷ đồng/tháng.
Cục Thuế đề nghị: Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 44/2014 quy định về giá đất, trong đó cần quy định cụ thể đối với đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ có phân vạch chiều sâu để phù hợp với thực tiễn hơn.
Chính phủ cần sửa đổi Nghị định số 96/2019: đối với những khu đất chỉ để phục vụ cho thuê đất, thu hút đầu tư (như đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp...), nên quy định riêng mức giá đất phù hợp (thấp hơn mức đất ở) để thu hút đầu tư. Chính phủ sớm xem xét tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước để có thể thực hiện dứt điểm.
Chính phủ sớm có các giải pháp cấp bách liên quan đến việc tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh chóng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản.
Cục Thuế Quảng Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của Quảng Nam giảm 8,25% so với năm 2022, mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay. Thu ngân sách giảm hơn so với năm 2022, nguyên nhân chính là thu từ ô tô Trường Hải chỉ đạt 92,3% dự toán, bằng 68,3% năm 2022; thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 83,1% dự toán, bằng 73,2% năm 2022. Trong khi đó, thu từ ô tô Trường Hải và thu tiền sử dụng đất là 2 nguồn thu lớn, chiếm hơn 68% tổng thu nội địa của tỉnh.