Kết lòng, đơm yêu thương

PHAN HOÀNG 08/01/2024 07:45

Những ngày qua, tin tức về tai ương trên đất nước Nhật Bản liên tục cập nhật trong nỗi lo lắng chung của những ai yêu thương và nể phục người Nhật. Bạn tôi sống tại Fukuyama, khá xa so với khu vực động đất nhưng luôn dõi theo và thông tin về Việt Nam.

Theo lời bạn kể, những ngày qua, trên các hội nhóm, không hề thấy lời than thở, mà chủ yếu là các hoạt động về những sự giúp đỡ của người Việt với người Việt, với người Nhật, của những người hoạn nạn với nhau. Xem những clip được gửi về từ Nhật càng khâm phục tinh thần đoàn kết và tính kỷ luật của người Nhật trong thảm họa.

Người Nhật ứng phó với động đất, có lẽ cũng giống người miền Trung Việt Nam ứng phó với bão lụt khi buộc phải tìm cách thích ứng và chung sống.

Năm 2024 này là tròn 60 năm xảy ra trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn 1964. Theo ghi chép, tháng 11/1964, trận lụt đã gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng cho nhân dân dọc hai bên sông Thu Bồn, Vu Gia. Cả tỉnh có hàng vạn nhà cửa bị cuốn trôi, hàng nghìn người chết, hàng nghìn héc ta ruộng đất bị bồi lấp...

Nhiều tài liệu ghi lại, mô tả rằng “chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân các xã vùng lũ đã khắc phục được hậu quả, đẩy mạnh sản xuất, trồng rau màu, làm vụ đông xuân hết diện tích, nhanh chóng khôi phục hầm hào, củng cố làng chiến đấu, bố phòng chống địch bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được”.

Không chính xác thời gian ngắn đó là bao lâu, nhưng theo mô tả có thể đoán chừng trong một mùa vụ. Đủ phác họa bản tính kiên cường của người dân xứ Quảng. Họ đã dựng lại nhà, dựng lại đất hơn xưa.

Xứ Quảng hôm nay, cũng đang muôn vàn khó khăn. Khó khăn về công tác cán bộ sau thanh tra; kiểm tra; sáp nhập. Khó khăn chồng chất về kinh tế sau đại dịch.

Đơn cử như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 8,25% so với năm 2022, mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay. Đơn cử như năm 2023 có 1.196 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động. Đằng sau con số đó, là lao động mất việc, là cuộc sống khốn khó hơn.

Đem so sánh nhân tai và thiên tai, chắc chắn khập khiễng. Nhưng chỉ để nói rằng, càng khó khăn, càng phải kiên cường đối đầu. Như lời của Bác Hồ động viên nhân dân các tỉnh miền Trung ngay sau trận lụt kinh hoàng năm 1964, rằng: “Đồng bào sẵn có truyền thống anh hùng, không vì tai họa mà nản chí. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, anh dũng vượt mọi khó khăn, mau chóng hàn gắn vết thương do lũ lụt gây nên, ổn định cuộc sống”. Lời động viên trong tai họa ngày đó cũng có thể vận vào cho hôm nay.

Như Quảng Nam bây giờ, chúng ta học gì ở người Nhật? Hay gần hơn, người hôm nay học gì ở chính người Quảng, 60 năm xưa?

Nhìn lại mình để tìm lối ra. Ở khía cạnh đoàn kết, có lẽ thử nhìn ở góc độ nắm bắt dư luận xã hội qua kênh của mặt trận các cấp. Trong tình hình hiện nay, khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng ngày càng triệt để hơn, thì việc nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phải như thế nào, để chính xác được, niềm tin của người dân bây giờ ở đâu, mà dựng lại. Bởi có những thứ, không dễ gì dựng được trong ngày một ngày hai, nhất là niềm tin.

Cùng với nắm bắt dư luận xã hội, là lắng nghe và thấu hiểu những phản ảnh của các tầng lớp nhân dân để kịp thời gửi đến cấp ủy đảng, chính quyền. Bởi đây là một trong những nguồn thông tin phản hồi quan trọng đối với quá trình ban hành, tổ chức thực hiện, bổ sung, sửa đổi các quyết sách phù hợp với quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Khi có niềm tin mãnh liệt về những điều tốt đẹp hơn, sẽ đủ để người với người mở lòng, đoàn kết vượt qua.

Vài ngày nữa mới bước sang tháng Chạp, nhưng khắp ba miền đã thấy thông báo những chuyến xe miễn phí chở người lao động khó khăn về quê ăn Tết. Nương theo những chuyến xe yêu thương, sẽ thấy những khoảng trời khác, từ lòng tin của dân…

PHAN HOÀNG