Ước vọng sống với nghề đóng thuyền truyền thống
(QNO) - Với tâm nguyện giữ gìn nghề đóng tàu truyền thống của gia đình, sau khi đi bộ đội về, anh Nguyễn Mạnh Tây (ở thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim, TP.Hội An) đã cùng cha mình dành một không gian đầu tư cải tạo lại làng nghề, mục đích để nhiều khách du lịch tìm đến tham quan, trải nghiệm.
Trong một ngày mưa lạnh đầu năm, có dịp về thôn Đông Hà (xã Cẩm Kim), đi đến cuối làng, chúng tôi nghe văng vẳng âm thanh của những nhát đục đẽo phát ra từ phía những người thợ mộc đang miệt mài bên những chiếc thuyền gỗ ven sông Thu Bồn. Làng Đông Hà có một khu vực đóng thuyền của cha con anh Nguyễn Mạnh Tây, một truyền nhân của làng mộc Kim Bồng.
Trước kia, khu vực này là bãi đất trống của gia đình ông Nguyễn Mạnh Thắng nhưng sau thời gian không canh tác đã thành bãi cỏ cây, chứa rác thải. Anh Nguyễn Mạnh Tây, người con trai của ông Thắng sau khi đi nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đã bàn với cha, vay vốn cải tạo lại nghề đóng thuyền truyền thống, vừa gắn kết phát triển du lịch.
Quyết tâm khôi phục cho bằng được làng nghề, anh Nguyễn Mạnh Tây đã phát dọn, san lấp mặt bằng, trồng một số cây như dừa, hoa, dựng những căn lều bằng tre dừa, sắp đặt những mẫu thuyền, ghe bầu và trang trí khung cảnh xung quanh. Bên bờ sông Thu Bồn yên ả, khuất trong rặng dừa nước, khu đóng tàu thuyền truyền thống của cha con anh Tây tiếp giáp với cánh đồng lúa thật bình yên.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, nghề đóng thuyền rớ gắn liền với nghề đóng ghe bầu ở xã Cẩm Kim là do các bậc tiền nhân từ vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh di cư vào Hội An từ thời chúa Nguyễn. Trải qua mấy trăm năm, làng mộc Kim Bồng đã có nhiều thế hệ kế nối nghề này.
Sản phẩm ghe thuyền của làng mộc Kim Bồng không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường thủy của cư dân Hội An, mà còn được bán cho các cư dân vùng sông nước ở nhiều tỉnh thành miền Trung... Theo thời gian, người theo nghề đóng ghe bầu, đóng thuyền ít dần và nhu cầu làm sản phẩm ghe thuyền cũng thưa thớt.
Anh Tây cho biết, ở Cẩm Kim từng có nhiều trại ghe như trại ghe Hương Lời, Hương Thiện, Trần Huy... Các ghe bầu đóng phục vụ cho các vùng miền đều xuất phát từ bàn tay tài hoa, khéo léo của các trại ghe ở làng mộc Kim Bồng nhưng đến nay nghề đóng ghe, thuyền đã không còn hưng thịnh như trước đây.
Hiện, những hình dáng, mẫu ghe cũ xưa không còn nhu cầu đóng mới, thay vào đó là những mẫu ghe mới hơn. Vì vậy, cùng với việc làm ra những chiếc ghe mẫu mới, cha con anh Tây đóng những mẫu ghe cũ trưng bày, với hy vọng một ngày nào đó có thể giới thiệu đến khách du lịch về những sản phẩm đặc trưng của làng nghề.
"Thật lòng mình rất mong muốn du lịch sẽ là điều kiện tốt nhất để gia đình có thể dựa vào đó mà giữ được nghề truyền thống, gắn với hệ sinh thái rừng dừa nước tại làng mộc Kim Bồng” - anh Tây trải lòng.
Sau gần 4 năm hình thành, điểm khôi phục nghề đóng ghe thuyền truyền thống của cha con Nguyễn Mạnh Tây vẫn còn phát triển một cách tự phát, chưa có sự đầu tư bài bản. Hàng ngày, có một số hướng dẫn viên đưa khách lẻ qua xã Cẩm Kim thăm quan, vãn cảnh, cũng ghé vào đây. Mặc dù chưa thành một điểm dịch vụ du lịch nhưng cha con ông Thắng sẵn sàng tạo điều kiện cho hướng dẫn viên giới thiệu với khách về công việc và sản phẩm ghe thuyền của gia đình ông.
Hiện nay, chính quyền thành phố Hội An đang có kế hoạch khôi phục và phát triển làng nghề mộc Kim Bồng. Nghề đóng ghe thuyền truyền thống theo đó cũng sẽ có cơ hội phục hồi và điểm đóng ghe thuyền của cha con anh Nguyễn Mạnh Tây hy vọng sẽ được quan tâm đầu tư hơn để có thể kết nối phát triển đa dạng các loại hình du lịch ở xã Cẩm Kim.