Starup xanh - nền tảng chuyển đổi xanh
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dù ở quy mô nào cũng phải dựa trên nền tảng văn hóa, nhân văn, thân thiện môi trường... hay còn gọi startup xanh. Điều đó sẽ tạo niềm tin cho thị trường và khách hàng để doanh nghiệp, startup thành công.
Từ khởi nghiệp xanh
Khi tạo lập và bắt đầu vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đầu năm 2018, Quảng Nam đã chọn các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo: du lịch và thực phẩm, dịch vụ ăn uống; nông nghiệp (bao gồm cả dược liệu); công nghệ thông tin - truyền thông và công nghiệp phụ trợ - cơ khí và tự động hóa.
Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận khoảng 150 ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh, gấp nhiều lần so với mục tiêu ban đầu. Các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Đại Lộc còn tổ chức công nhận ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện.
Đặc biệt, trong các chương trình phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, phụ nữ khởi nghiệp, thanh niên nông thôn khởi nghiệp..., Quảng Nam đã tham gia và có đến 30 dự án đạt giải cấp vùng, quốc gia...
TS.Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đánh giá: “Quảng Nam đã sáng tạo và quyết liệt chọn giá trị trụ cột để vận hành hệ sinh thái, nhiều dự án khởi nghiệp Quảng Nam thành công. Nhưng điều cốt lõi hơn, hầu hết các dự án khởi nghiệp Quảng Nam đều hướng đến giá trị xanh, tạo nhiều cảm xúc và đó là xu thế hiện nay”.
Hầu hết dự án khởi nghiệp xanh tại Quảng Nam đã đạt được thành công trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái thông qua quá trình tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế, khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường gây nên; phát triển sản phẩm năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm du lịch xanh, nông nghiệp xanh.
Tiêu biểu như dự án xi măng chống thấm vượt thời gian VIPRI của Nguyễn Văn Dũng (Phú Ninh), bếp điện tiết kiệm năng lượng của Nguyễn Thanh Vĩ (Điện Bàn), du lịch nông nghiệp “Lò gạch cũ” của Thanh Nga (Duy Xuyên), năng lượng mặt trời của Phạm Phú Hiển (Tam Kỳ)...
Nữ startup Bùi Thị Tuyết Nhung với biệt danh “Nhung Nhàu” đã đam mê phát triển nhiều dòng sản phẩm từ cây nhàu với thương hiệu “Best One” đã phủ khắp thị trường trong nước và xuất khẩu, chia sẻ: “Tiềm năng phát triển sản phẩm từ cây nhàu là rất lớn, tuy nhiên, nguồn nguyên liệu hiện vẫn chưa được chủ động khi phải thu mua nhỏ lẻ từ người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, có thời điểm thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Thời gian tới, chúng tôi tập trung tạo vùng nguyên liệu bằng hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để chủ động nguồn hàng sản xuất, giảm chi phí và tăng lợi nhuận, tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định”.
Ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, đánh giá: “Các hoạt động khởi nghiệp Quảng Nam luôn tiên phong, đi trước và có tính chất mở đường cho các giá trị khởi nghiệp quốc gia hiện nay, như khởi nghiệp du lịch, nông nghiệp.
Khởi nghiệp xanh là một hướng phát triển kinh doanh tập trung vào việc tạo ra các giải pháp và sản phẩm có tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Mục tiêu chính của khởi nghiệp xanh là đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra lợi ích xã hội.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh thường xuyên đưa ra các ý tưởng và sản phẩm sáng tạo để giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội. Khởi nghiệp xanh là xu thế và Quảng Nam đã tiên phong”.
Đến chuyển đổi xanh
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh xác định, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu cam kết Net Zero (phát thải ròng bằng 0) trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực. Khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải bám sát xu hướng thế giới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhân văn, đề cao trách nhiệm xã hội, đặt con người ở vị trí trung tâm. Chỉ vậy mới có thể thúc đẩy phát triển trong bối cảnh mới. Đây là những tiêu chuẩn, yêu cầu bắt buộc và con đường độc đạo nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.
TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài kinh tế quốc tế Việt Nam, người có gần 20 năm đóng vai trò chủ chốt trong phát triển khởi nghiệp cho rằng, đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải xác định đổi mới sáng tạo là động lực và giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Chuyển đổi xanh lấy doanh nghiệp làm trụ cột. Bất cứ doanh nghiệp nào thành công cũng đều dựa trên những ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo thành công. Chính vì vậy, startup xanh là nền tảng chuyển đổi xanh.
Gần đây, làn sóng chuyển đổi xanh đã diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới và lan tỏa thông điệp tích cực về môi trường. Làn sóng chuyển đổi xanh không chỉ diễn ra trong đời sống hàng ngày mà rất nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, xây dựng thương hiệu xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Chuyển đổi xanh trở thành hướng đi cho doanh nghiệp trong xu thế mới.
TS.Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, cho hay: “Các startup thành công đều hướng đến phát triển thành doanh nghiệp. Và các doanh nghiệp muốn thành công phải luôn khởi nghiệp sáng tạo. Quảng Nam đã đồng thời đi trên đôi chân vững chắc ấy.
Tuy nhiên, các startup Quảng Nam cần gia tăng khả năng thuyết trình và khả năng ngoại ngữ, đội ngũ chuyên gia cố vấn khởi nghiệp cần được đào tạo, nâng cấp liên tục và mời thêm các chuyên gia quốc tế về, bởi họ có những kinh nghiệm, kỹ năng đáng để mình cọ xát”.
Từ tư duy xanh đến dự án khởi nghiệp xanh, tài chính xanh, tiêu dùng xanh, doanh nghiệp xanh…, nền tảng chuyển đổi xanh là một chặng đường liên tục đổi mới sáng tạo. Trong hành trình đó, luôn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới như khẳng định của Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới luôn có tính quyết định.