Xã Bình Phú lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
(QNO) - Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã Bình Phú (huyện Thăng Bình) đã mạnh dạn đầu tư quy mô sản xuất, thay đổi con vật nuôi phù hợp để vươn lên làm giàu.
1. Với phương châm “lấy công làm lãi”, ông Trương Học (thôn Đức An) đã tận dụng diện tích đất vườn trồng cỏ chăn nuôi bò nhốt chuồng. Từ một hộ chăn nuôi bò nhỏ lẻ, thả rông, ông Học mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại sang chăn nuôi tập trung, với quy mô 14 con bò.
Cùng với đó, thời gian qua ông Học đã tận dụng các chính sách ưu đãi về vốn để mạnh dạn đầu tư phát triển đàn vật nuôi; tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi theo hướng an toàn, triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, tiêm vắc xin đầy đủ. Năm 2022 vừa qua, hộ ông Trương Học được UBND xã Bình Phú hỗ trợ 30 triệu đồng từ chương trình Nghị quyết 53 của HĐND huyện Thăng Bình về hỗ trợ phát triển kinh tế vùng tây.
Ông Trương Học cho hay, nuôi bò vỗ béo là xu hướng tất yếu hiện nay. Việc thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang hàng hoá, từ thả rông sang nuôi nhốt, vừa đảm bảo phòng tránh dịch bệnh vừa cải thiện môi trường.
[VIDEO] - Ông Trương Học nói về mô hình nuôi bò tập trung:
Không chỉ nuôi bò, ông Trương Học còn trồng 400 choái tiêu trên diện tích đất 1.200 mét vuông của gia đình. Thay vì trồng trụ tiêu bằng bê tông, ông trồng cây xanh thuận theo tự nhiên để tạo môi trường sống an toàn hơn cho cây tiêu phát triển.
2. Khoảng 14 năm nay, chị Trương Thị Thuỷ (thôn Đức An) vẫn kiên trì theo đuổi loại con vật nuôi mang đặc tính “ngủ ngày ăn đêm” - là chồn hương. Với đặc tính như vậy, chuồng trại nuôi chồn của chị Thuỷ được xây dựng ở nơi yên tĩnh, tránh tiếng ồn và luôn sạch sẽ.
Chị Thuỷ cho rằng, đối với chuồng nuôi không tiêu tốn diện tích lớn, tuy nhiên vẫn giữ bản tính hoang dã, nếu nuôi chung thường cắn nhau nên chuồng nuôi được làm bằng lưới kẽm, nhốt riêng mỗi chuồng một con. Mỗi ngày chồn ăn 1 bữa, các thức ăn chính như cháo, thịt, cá, chuối… chi phí khoảng 1.000 đồng/con.
[VIDEO] - Chị Trương Thị Thuỷ chia sẻ về việc nuôi chồn hương:
Nhiều năm nay để có nguồn thức ăn dồi dào cho chồn, chị Thuỷ đã bỏ ra 2 sào đất để trồng giống chuối lùn. Cách đây 14 năm, chị Thuỷ chỉ nuôi 1 cặp giống ban đầu. Vừa nuôi, vừa nghiên cứu thêm sách, báo, chị đã thành công ngay từ những ngày đầu và duy trì hiệu quả cho đến nay.
Hiện chị Thuỷ đã có hơn 60 con chồn hương. Nếu biết cách chăm sóc, mỗi năm chồn hương có thể sinh sản 2 lứa, mỗi lứa dao động từ 3-4 con. Với giá bán từ 1,6 - 2,2 triệu đồng/kg, nông dân có lãi cao, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Mô hình nuôi chồn hương của chị Thủy hiện đang cho hiệu quả kinh tế cao và cũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn xã Bình Phú. Hiện trang trại của chị Thuỷ cũng đã được cấp phép nuôi động vật hoang dã. Ngoài nuôi chồn hương, chị Thuỷ còn nuôi bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Phạm Văn Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú, thời gian qua xã Bình Phú xác định thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là một trong 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động.
Lan toả được phong trào này, cũng chính là hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam huyện Thăng Bình lần thứ X và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân xã Bình Phú lần thứ XI về nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào, phấn đấu để phong trào ngày càng lan tỏa và có bước phát triển mới về chất lượng, hiệu quả.
Để nông dân có điều kiện vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thời gian qua Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 12 lớp tập huấn cho trên 1.456 lượt hộ nông dân và mở 5 lớp đào tạo nghề cho hơn 150 hội viên nông dân. Cạnh đó, Hội Nông dân xã Bình Phú đã tập trung vận động xây dựng thành công 2 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, tuyên truyền vận động nông dân phát triển các mô hình kinh tế để được nhà nước hỗ trợ theo.
Đến nay, xã Bình Phú đã có 3.016 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 150 lao động; cạnh đó là giúp đỡ vốn, giống cây trồng, con vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 231 lượt hộ nông dân. Đến cuối năm 2023, hội đã giúp 8 hộ hội viên nông dân thoát nghèo và cân nghèo bền vững.