Đa dạng chương trình khuyến mãi dịp cuối năm
(QNO) - Khuyến mãi và các chương trình sale (giảm giá) đang được các siêu thị, cơ sở kinh doanh, đại lý… triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, cải thiện sức mua trong dịp cuối năm.
Hút khách hàng bằng khuyến mãi
Siêu thị Co.opmart Tam Kỳ luôn tổ chức rầm rộ các chương trình khuyến mãi để tri ân khách hàng nhân dịp cuối năm. Với tên gọi “Đến Co.opmart chở tết về” diễn ra từ ngày 13/12/2023 đến ngày 9/2/2024, Siêu thị Co.opmart đã tung ra thị trường nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn giảm giá sâu từ 20 - 50% cùng nhiều ưu đãi khác như "mua 1 tặng 1", "mua nhiều giảm nhiều", tặng kèm các sản phẩm về môi trường…
Hay như các sản phẩm Hamper được bán với giá tri ân 99 nghìn đồng, 149 nghìn đồng để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của đại đa số khách hàng có thu nhập thấp.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart cho biết, năm 2023 do tình hình kinh tế khó khăn của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung nên gần đây sức mua giảm so với cùng kỳ.
“Để cải thiện tình hình này, ngoài việc khuyến mãi trực tiếp tại cửa hàng chúng tôi còn làm chương trình riêng cho các kênh mua sắm online của Co.opmart như minigame vòng quay may mắn đón chào năm mới, bí kíp sắm tết online… dành cho khách hàng khi đăng nhập vào website Co.oponline.vn để mua sắm” - bà Sương nói.
Qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Siêu thị Co.opmart được người tiêu dùng gọi với tên gọi thân thương “siêu thị thuần Việt” với tỉ lệ hàng Việt chiếm đến hơn 90% với các dòng sản phẩm được đại đa số khách hàng tin dùng, lựa chọn như Vinamilk, công ty Acecook, Vinacafe, Tập đoàn Kido, Sữa TH…
Mọi năm, thời điểm Tết dương lịch là cửa hàng tạp hoá Mỹ Loan (89 Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) đã tấp nập người mua từ khách lẻ cho đến các đơn vị, công ty, doanh nghiệp… đến mua sắm và lựa giỏ quà để biếu tết. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến cho doanh thu của cửa hàng giảm đáng kể.
Để kích cầu tiêu dùng khách hàng trong dịp cuối năm, cửa hàng tạp hoá Mỹ Loan phải duy trì giá bán bằng cách giảm lợi nhuận từ chiết khấu hoặc giảm giá với hầu hết các mặt hàng bánh, kẹo, mứt…
Bà Phan Thị Thanh Loan - chủ cửa hàng chia sẻ: “Dù giá cả các sản phẩm bánh kẹo tết, hàng tiêu dùng không tăng nhưng nhận thấy sức mua của người tiêu dùng hiện tại quá thấp nên tôi chỉ dám nhập hàng bán Tết với số lượng ít, vừa đủ để bán chứ không dám nhập nhiều như mọi năm”.
[VIDEO] - Nhiều chương trình khuyến mãi được tung ra dịp Tết Nguyên đán:
Bảo vệ người tiêu dùng
Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nguyễn Thị Thu Sương cho biết, khâu kiểm soát hàng hóa của siêu thị được đảm bảo nghiêm ngặt nhất để tất cả các mặt hàng lên kệ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào.
“Điều này sẽ đáp ứng được theo cam kết đã ký với Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cũng như đảm bảo uy tín cho siêu thị, bảo vệ người tiêu dùng, khách hàng của Co.opmart” - bà Sương nói.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và Tết Nguyên đán Giáp Thìn kéo dài từ cuối tháng 11/2023 đến hết ngày 29/2/2024, tập trung vào nội dung kiểm tra là việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Trong đó tập trung kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, nhãn hàng hóa, các quy định về hợp chủng, hợp quy, bảo đảm an toàn thực phẩm, các quy định về giá và hóa đơn, chứng từ liên quan… Theo kế hoạch sẽ kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết trên toàn tỉnh.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam Lương Viết Tịnh cho biết, ngành sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các định của pháp luật về quản lý chất lượng hành hoá, tiêu chuẩn chất lượng đối với các mặt hàng xăng dầu, hàng tiêu dùng, thực phẩm như sữa, đồ uống, bánh kẹo…
Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm trong tiêu dùng nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết như rượu, bia, thuốc lá, đường, bánh, kẹo, các sản phẩm chế biến từ động vật, pháo các loại…tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các điểm tập kết lên, xuống hàng hoá…
“Chú trọng việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán không hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán” - ông Tịnh nói.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại đối với các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh; tiến hành ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; không đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm để tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng, trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
“Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, thuế, thông tin truyền thông… khai thác, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong đấu tranh, phòng chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả… trên môi trường thương mại điện tử nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân và doanh nghiệp” - ông Lương Viết Tịnh cho biết.
9 đội quản lý thị trường đã được giao nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh và xử lý các vi phạm trong hoạt động thương mại.
Năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra 923 vụ, xử lý 473 vụ; xử phạt gần 2,8 tỷ đồng, đạt 134% so với năm 2022.